LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
1
1
9
1
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 17 Tháng Tư 2013 9:50:00 SA

Chuyện bây giờ mới kể

Nam bộ đã vào mùa mưa. Những cánh đồng trồng cỏ bạt ngàn ở Tân Thạnh Đông (Củ Chi, TPHCM) như được tiếp thêm sức sống mới, đâm chồi tẻ nhánh vươn cao lút đầu người. Gió mơn man nô đùa cùng sóng cỏ trên những ruộng cỏ nối tiếp nhau san sát, trông như dải lụa mềm màu xanh. Thật vậy, với đàn bò lên đến trên 16.000 con và gần 500 hecta đồng cỏ, Tân Thạnh Đông trở thành địa phương có số lượng gia súc và đồng cỏ lớn nhất TPHCM. Điều này không phải mới xảy ra hôm qua, hôm kia mà truyền thống của xã anh hùng Tân Thạnh Đông đã gắn liền với đàn bò suốt những năm dài đất nước bị thực dân đô hộ.

 

 

Nhớ lại thời điểm cách đây đã ngót 67 năm, lão nông tri điền Nguyễn Văn Văn (Năm Văn, sinh năm 1932, ấp 3) kể rành rọt câu chuyện “bò vàng”. Câu chuyện như sau: Năm 1945, sau khi Pháp ồ ạt kéo quân xâm lược Nam bộ, cậu bé Văn khi ấy đã đủ nhận thức, bèn tham gia Tiểu đội Thiếu nhi cứu quốc của xã. Lão Năm Văn bồi hồi: “Trên huyện thì có đại đội, dưới xã có tiểu đội. Nhiệm vụ của tui là đi thu mỗi gia đình 2 cắc (khoảng 20.000 VNĐ hiện nay) một tháng, sau đó về nộp lại cho cấp trên. Hồi đó, bà con nghèo lắm, chỉ có nuôi trâu, bò và làm lúa 1 vụ nhưng khi kháng chiến kêu gọi, ai cũng tham gia đóng tiền cho Hội kín Nguyễn An Ninh, Hội kín Phan Xích Long… (tức phong trào Thiên Địa Hội) chống Pháp”.

Năm Văn nhớ nhất là lần diệt “lính Tây” đi càn. Lão kể: “Hôm ấy tụi “bò vàng” (theo cách gọi của dân địa phương ám chỉ lính Pháp mặc quần ngắn, áo cộc tay màu vàng.PV) đốt cháy hết mấy căn nhà. Sau đó chúng lùa chục con bò của bà con trong xóm về đồn. Nhà tui có con bò bô đực cứng đầu không chịu đi theo người lạ, tụi nó lấy súng bắn chết, rồi dùng lưỡi lê cắt 2 cái đùi đem đi. Khi tụi “bò vàng” vừa đi khuất lũy tre, một thằng nổi máu rượt theo chị Tám A (đã có chồng con) bắt và hãm hiếp chị. Máu nóng vì mất bò, lại chứng kiến cảnh khốn nạn trên, tụi tui lấy câu liêm cột vào cây sào dài, đợi thằng “bò vàng” vừa gây tội ác đi ngang qua, thò câu liêm ra móc đứt cái đầu nó lăn lông lốc xuống mương. Ngay sau đó, tụi tui phải đào huyệt chôn nó ngay để tụi lính trong đồn không tìm được xác mà trả thù. Tội nghiệp chị Tám A…”

Chuyện đánh “bò vàng” của thế hệ các lão nông thất thập, bát thập còn sống ở Tân Thạnh Đông hôm nay không phải hiếm. Lão Mười Cải (Lê Văn Cải, 80 tuổi, ấp 3B) như sống lại thuở hào hùng: “Hồi đó, tụi tui còn nhỏ, chỉ đi theo mấy anh, mấy chú du kích tập võ, mài dao thôi. Có dạo “bò vàng” vừa vào đất nầy, khoảng cuối 1945, tụi tui được mấy chú bày vẽ cách vót chông. Chông phải chọn tre cật rồi chặt thành đoạn dài 5 tấc, vót nhọn một đầu có ngạnh, sau đó hơ lửa cho cứng rồi cắm xiên dưới hố, chỉ để lòi lên khoảng 1 tấc, bên trên phủ lá, cỏ khô. Hồi đó tụi “bò vàng” sợ chông của du kích lắm. Sắp nhỏ tụi tui còn có phong trào thi đua vót chông nữa. Đứa nào vót nhiều, vót thẳng hay chông của đứa nào xiên được nhiều “bò vàng” thì được thưởng… cho vào “Hội Nông dân cứu quốc”, “Hội Phụ nữ cứu quốc”… sớm. Được cầm súng mút, chọi lựu đạn thật rất đã tay. Dân ở đây đánh Tây “xịn” lắm mấy chú ơi!”.

Cùng trao đổi những vấn đề của Nam bộ kháng chiến, đồng chí Lê Minh Tấn, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tự hào: “Trong hai cuộc kháng chiến, xã Tân Thạnh Đông đóng góp cho Tổ quốc 21 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 532 liệt siõ, 643 lượt cán bộ bị tù đày, 2092 căn nhà bị hủy diệt… Địa phương chính là cái nôi, là địa chỉ đỏ của Nam bộ kháng chiến thời kỳ 1945-1954”.

-“Chúng tôi muốn đi sâu về chuyện nuôi bò, thưa đồng chí?”

-“Thì để tui nói cho nghe nè. Cả xã có thống kê, mới thấy tụi “bò vàng” đã cướp phá, ăn thịt mất 2.441 trâu bò của dân. Xã nầy thuần nông, nên bà con chỉ biết chăn nuôi. Con trâu, con bò là tài sản quý giá nhất nhưng trong kháng chiến, nhân dân không tiếc gì, chỉ chăm chỉ đánh giặc, quyên góp phục vụ cách mạng, phục vụ Việt Minh. Ngay sau khi Ủy ban Kháng Chiến Nam bộ ra lệnh nổ súng ngày 23-9-1945 thì nhân dân đã nổi dậy tịch thu 200 hecta đất của bọn địa chủ, tịch thu 100 con bò sung công. Sau đó là đánh du kích, đánh lẻ tẻ trường kỳ, góp phần tiêu hao rất nhiều sinh lực địch, đóng góp cho phong trào thắng lợi chung sau này”

Chúng tôi theo chân lão nông tri điền Năm Văn ra ruộng cỏ nhà ông. Bây giờ, đã tròn bát thập nhưng lão Năm vẫn hút thuốc rê nhả khói mịt mù, vẫn cắt ngày mươi gánh cỏ nuôi đàn bò 10 con. Hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, lão Năm Văn cười khà khà: “Ngày cắt cỏ cho ăn 2 lần, giữa trưa cho uống cháo cám, 18 tháng xuất chuồng, giá mua bò con là 11 triệu, nuôi lớn đạt 400-500 kg bán được 45 triệu đồng/con. Trong nhà tui lúc nào cũng có hơn 10 con, hết lứa nầy đến lứa khác”.

Nhờ đàn bò mà hàng ngàn hộ dân trong xã Tân Thạnh Đông hôm nay thoát nghèo một cách rất bền vững. Để tạo vòng thu khép kín, người dân trong xã còn nhập thêm nhiều giống cỏ cao sản, về trồng trọt trên mảnh đất đầy đạn bom năm xưa, đặng nuôi bò. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, đồng chí Trần Thị Gái nói: “Mỗi năm, chỉ riêng tiền bán 1 công (1.000 m2) cỏ cũng đủ mua gạo ăn nên nhà nào cũng tận dụng đất để trồng. Còn bò thì có hộ nuôi chục con, có hộ vài ba con. Hộ nghèo thì nuôi rẽ cho hộ khá, hộ nghèo nữa thì được vay không lãi bằng bò, đến “kỳ đáo hạn” trả “lãi suất” bằng bò con, hoặc bằng ngày công cắt cỏ. Bà con nông dân trong xã sống chân tình lắm. Nhà báo đến đây buổi sáng, ra quán cà phê thì chỉ nghe bàn toàn chuyện bò mà thôi”.

Trở lại câu chuyện của lão Năm Văn. Con bò đã gắn với cuộc đời của lão từ khi đi chăn bò mướn cho điền chủ, đến lúc có bò nuôi riêng rồi bị cướp phá, cho đến khi “tự do nuôi bò” khi hòa bình và làm giàu vào năm 2006. Lão kể chưa bao giờ nuôi bò mà hạnh phúc như thời đất nước hòa bình. Đặc biệt vào năm 2006 khi giá bò, giá cỏ lên cơn sốt. Mỗi ký thịt bò giá 50.000 đồng, mà lão thì cứ xuất đều 5 tấn/đợt (khoảng 10 con bò thịt), thu về trên 200 triệu đồng/lần. Lão cười hả hả: “Chú biết không, năm 2006, vàng có 8-9 triệu đồng/lượng thôi. Đúng là nuôi bò mà “đẻ ra vàng”!”

Theo cơ cấu phát triển kinh tế, xã Tân Thạnh Đông dù đang trên đà đô thị hóa vẫn giữ vững diện tích gần 500 ha cỏ, phát triển số hộ nuôi bò lên 1.619 hộ kèm theo đó là nâng đàn heo lên 25.459 con. Vị phó chủ tịch UBND xã phân tích: “Chúng tôi không chỉ tăng số lượng mà còn phấn đấu tăng chất lượng đàn bò, làm sao cho toàn xã có khoảng trên 16.000 con bò, trong đó 15.000 có con bò sữa. Và với mức thu mua sữa từ 9.500 đồng-11.000 đồng/kg hiện nay, thì dù vàng có biến động, thì nhân dân xã nhà vẫn có thể sống khỏe và mua vàng nhờ bò”. Đồng chí Gái nói thêm: “Để kích cầu trong chăn nuôi, Quỹ tín dụng Nhân dân xã và các ngành của xã đã mở hầu bao, cải tiến thủ tục và giải ngân cho nhân dân trong xã vay 38,2 tỷ đồng, đa phần là để bà con đầu tư cho đàn bò và đồng cỏ. Chín tháng đầu năm 2012 mà giải ngân số tiền lớn như vậy, thì chỉ năm sau thôi, dân xã này sẽ khấm khá lắm!”.

Câu chuyện “bò vàng” năm xưa và bò “đẻ” ra vàng ở Tân Thạnh Đông hôm nay, vùng đất sơ khai của Nam bộ kháng chiến, vẫn còn nguyên tính thời sự!

Văn Tài

 


Số lượt người xem: 4681    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm