LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
7
1
6
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 12 Tháng Tư 2013 9:00:00 SA

Gặp gỡ người tiếp quản ngành giáo dục Củ Chi sau ngày giải phóng.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức một thời oanh liệt, hào hùng của những người lính trên tất cả các mặt trận vẫn còn âm vang mãi. Sau 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ 1 trong 3 người đầu tiên đại diện cho chính quyền cách mạng tiếp quản và xây dựng củng cố Ngành giáo dục Củ Chi ngay sau khi vừa giải phóng. Người chúng tôi được gặp gỡ đó là thầy Nguyễn Khắc Hiền (sinh năm 1942, quê quán tỉnh Thái Bình) hiện cư ngụ ấp Bàu Tre xã Tân An Hội huyện Củ Chi. Trong niềm tự hào một thời oanh liệt không chiến đấu bằng cây súng mà bằng cây viết và cuốn sách, thầy đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng đẹp đẽ và hào hùng trong mặt trận giáo dục trên mảnh đất Củ Chi.

 

 

 

Năm 1969, Bộ giáo dục và Ban tổ chức Trung ương quyết định chi viện cho chiến trường miền Nam những thầy cô giáo ưu tú nhất của miền Bắc XHCN và các thầy cô giáo miền Nam tập kết ra Bắc được trở về quê hương tham gia đánh giặc Mỹ trên chiến trường giáo dục. Lúc đó, thầy Nguyễn Khắc Hiền là một trong những giáo viên trẻ, ưu tú, vừa là đảng viên trẻ khi mới tròn 25 tuổi. Theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” thầy đã xung phong và được tuyển chọn, huấn luyện vào Đoàn nhà giáo đi B để lên đường vào miền Nam chiến đấu. Nhiệm vụ của thầy lúc này là xây dựng và củng cố hoạt động giáo dục tại các vùng sau lòng địch và các vùng giải phóng. Thầy được phân về Bộ giáo dục Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau đó được bố trí về ở Tiểu ban huấn học ở Trung ương cục (đóng tại Tây Ninh). Lúc này, ở Củ Chi đã có vùng giải phóng gồm 4 xã và 1 số ấp của Bắc Củ Chi, tuy cuộc chiến đang ở thời kỳ khó khăn, ác liệt nhưng phong trào học tập nơi đây đang lên cao. Chính vì vậy, để củng cố và phát triển giáo dục làm tiền đề cho giáo dục sau khi giải phóng được hoàn toàn Củ Chi. Đầu năm 1973, Tiểu ban giáo dục khu đã cử thầy cùng đồng chí Nguyễn Kim về Củ Chi xây dựng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng.

Lúc này, thầy về xây dựng, mở lớp tại ấp Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng) và Phú Thuận (xã Phú Mỹ Hưng). Thầy nhớ lại: “Thời gian này địch càn phá ác liệt nên bà con không cho con em đi học, nếu đi thì cũng vài bữa là nghỉ, cơ sở vật chất không có, giáo viên cũng không, khó khăn vô cùng”. Để khắc phục, thầy đã cùng anh em tham gia với nhân dân như đào công sự, vét suối, dọn chiến tích chiến tranh. Mặt khác tập hợp các em thiếu nhi để dạy ca hát, kể chuyện, hướng dẫn lao động từ đó tạo cho các em ham thích sinh hoạt để vận động các em đến trường. Dần dần cũng mở được 4 lớp phổ thông, 2 nhóm bổ túc ở cả 2 ấp, mỗi lớp chỉ khoảng 10 đến 15 học sinh. Ban ngày thì đi dạy và lao động, buổi tối thì mở lớp dạy bổ túc văn hóa cho các thanh niên và người dân. Với lòng kiên trì, nhẫn nại, dần dần, các em đã đi học đều, bà con phấn khởi, phong trào học tập theo đó ngày càng đi lên. Từ chỗ không có lớp, rồi xây dựng thành từng nhóm học, sau đó là trường lớp khắp các xóm ấp thu hút 89% các em đến trường. Nhờ vậy, giáo dục Củ Chi là điểm nổi cho toàn miền Nam học tập noi theo. Với nhiều thành tích về giáo dục, Củ Chi đã được biểu dương tại hội nghị giáo dục toàn miền Nam  tổ chức tháng 1/1975.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngay sau khi Củ Chi vừa giải phóng, thầy cùng 2 đồng chí (Trần Khánh Bội và Lê Văn Thạnh) đã đại diện chính quyền cách mạng ra tiếp quản tất cả các cơ sở giáo dục của Củ Chi.

Trong niềm xúc động thầy nói: “Không khí lúc đó rộn rịp lắm. Ai cũng có nhiệm vụ của mình. Mọi người đều phấn khởi vui mừng không sao diễn tả bằng lời được”. Thầy cùng đồng nghiệp của mình đã nhanh chóng đến các trường học thu con dấu, hạ cờ Mỹ, ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong các lớp học, treo cờ, ảnh Bác Hồ lên và niêm phong các phòng học. Sau khi tiếp quản xong, thầy đã họp mặt các giáo viên để giải thích, tuyên truyền chế độ chính sách mới, kêu gọi tiếp tục dạy học. Đồng thời, mở lớp hướng dẫn chuyên môn về việc thay mới toàn bộ sách giáo khoa, dạy theo chương trình mới. Chuẩn bị tất cả các điều kiện để đến đúng tháng 9 năm 1975 toàn Củ Chi tổ chức khai giảng năm học mới. Năm học đầu tiên được học tập trong sự niềm vui hòa bình của đất nước.

Với sự phát triển mạnh của giáo dục, năm 1976, Phòng Giáo dục huyện Củ Chi được thành lập, thầy được cử làm Phó phòng. Năm 1977, thầy đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Giáo dục huyện. Với cương vị mới, thầy đã thực hiện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như mở rộng trường lớp, xã nào chưa có trường mở trường, ưu tiên mở mầm non, tiểu học trước, sau đó mở THCS và THPT. Điều mà thầy còn nhớ mãi đó là việc suy nghĩ về đặt tên cho các trường mầm non. “Mầm non thì phải đặt theo loài hoa. Mà hoa hồng, hoa lan thì các trường trong thành phố đã có rồi. Các trường mới mở thì đặt hoa gì? Sau nhiều ngày suy nghĩ thầy đã đề nghị UBND huyện đặt tên cho các trường thành Bông Sen từ 1 đến 21 với ý nghĩa nhớ ơn Bác Hồ.” Đến tận hôm nay, niềm vui khi mình đã đặt được những cái tên ý nghĩa cho các trường học trên đất Củ Chi còn ánh lên trong đôi mắt thầy. Có thể nói, đó cũng chính là những kỷ niệm mà thầy luôn khắc ghi khi nhớ về những ngày đầu thành lập các trường học trên vùng đất thép.

Tuy đã có trường lớp nhưng đa số đều được làm bằng tre nứa do nhân dân đóng góp dựng nên. Để đáp lại tinh thần hiếu học của người dân, thầy đã tích cực động viên các thầy cô giáo phải cố gắng hơn nữa, dạy ngày 3 ca để đáp ứng nhu cầu học tập, phấn đấu ai cũng phải biết chữ. Riêng bản thân thầy, vừa quản lý vừa dạy học, huấn luyện đào tạo các thanh niên có bằng tú tài thành các giáo viên để phục vụ cho giảng dạy. Cho nên, trước đó chỉ có khoảng 500 giáo viên nhưng sau đó đã có hơn 1.000 giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng tham gia đứng lớp. Bên cạnh đó, thầy cũng chỉ đạo mở các lớp bổ túc văn hóa xóa mù chữ tại các xã, ấp và hàng đêm, thầy vẫn miệt mài đi kiểm tra đôn đốc, động viên mọi người tích cực học tập.  Nhờ vậy mà đến năm 1977, huyện Củ Chi cơ bản xóa mù chữ, đưa phong trào học tập ngày càng đi lên.

Năm 1979 thầy tham gia học tập tại trường Nguyễn Ái Quốc và sau đó được phân về làm Hiệu trưởng trường THPT Củ Chi nhằm xây dựng trường tiến thêm bước mới. Về đây, thầy lại cùng Ban giám hiệu nhà trường tháo gỡ khó khăn như đào đất lấp ao tạo sân trường cho học sinh, xây nhà tập thể để giữ chân các giáo viên ở xa, đi từng nhà xin tre nứa ngăn thành nhiều phòng học mới, vận động tích cực học tập và tham gia các hoạt động của đoàn, đội. Với sự nhiệt tình, cống hiến sức mình cho thế hệ tương lai, thầy đã cùng mọi người vực dậy ngôi trường đưa nhà trường đi lên trong học tập. Đến năm 2002 thầy nghỉ hưu với nhiều đóng góp được mọi người nhớ đến. 

Sau khi nghỉ hưu, thầy vẫn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Với chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học huyện, thầy lại miệt mài đưa phong trào khuyến học của huyện nhà ngày càng phát triển. Giờ đây, tuy đã bước sang cái tuổi 71 thầy vẫn tham gia nhiều hoạt động như Chủ nhiệm câu lạc bộ kháng chiến xã Tân An Hội, tham gia Hội cựu giáo chức huyện. 

Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa thầy đã được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì, Bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo hoàn thành xuất sắc, nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến cứu nước (1985), Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì thế hệ trẻ do Trung ương Đoàn trao tặng.

Bắt tay chúng tôi, thầy nói “thầy rất duyên với Củ Chi, nên gắn bó cả đời mình trên mảnh đất Củ Chi này, giờ đây nó đã trở thành quê hương thứ 2 của thầy”. Cái duyên đó đã mang đến cho vùng đất Củ Chi một con người luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của vùng đất thép. Đến nay sau 38 năm giải phóng, Củ Chi đã có sự phát triển vượt bậc với gần 100 trường học được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục luôn dẫn đầu các huyện ngoại thành. Có được những thành tích đó, thì sự đóng góp của những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục là rất lớn trong đó có hình bóng của người thầy năm xưa Nguyễn Khắc Hiền. Chia tay thầy, một thế hệ anh hùng, chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa trong học tập và công tác để không phải hổ thẹn với sự hi sinh cao cả của những con người năm xưa

Thu Hà

 


Số lượt người xem: 4253    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm