LIÊN KẾT WEB
 

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

 

Được thừa hưởng truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc, nên ngay khi quân xâm lược Pháp chiếm đóng Sài Gòn – Gia Định, cùng với nhân dân thành phố, nhân dân Củ Chi đã liên tục đứng lên chống ách thống trị của chúng. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi là địa bàn luôn diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân xâm lược, bọn ác ôn đồng thời cũng là nơi để lực lượng cách mạng xây dựng căn cứ kháng chiến làm bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, trong đó có cả B52 và chất độc da cam, tổ chức trên 5.000 trận hành quân bố ráp hòng tiêu quân và dân Củ Chi. Đương đầu với những thách thức ác liệt và nghiệt ngã của chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã kiên cường bám trụ, bám làng đánh giặc, đồng thời tiễn đưa hơn 18.000 con em của mình tham gia kháng chiến. Nước mắt, mồ hôi và cả máu hòa quyện vào lòng đất đã nung nấu tạo thành sức mạnh xung thiên quyết tâm bám trụ, chiến đấu kiên cường với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, thể hiện khí phách hào hùng của một dân tộc với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, hàng chục ngàn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn hecta ruộng vườn bị cày xới, mặt đất loang lỗ hố bom, cỏ Mỹ mọc tràn lan, trong lòng đất còn ẩn chứa đầy rẫy bom mìn. Riêng Củ Chi đã có gần 11.000 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, bệnh binh, trên 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng và hàng ngàn người dân phải hứng chịu bao nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Chính từ những cống hiến, hy sinh to lớn đó Củ Chi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” và Huyện : Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; có 2 đơn vị Lực lượng võ trang và 16/21 xã, thị trấn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 29 cá nhân anh hùng, 772 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

 

Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh nơi có tuyến đường xuyên Á nối liền thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh và sang Campuchia. Là địa bàn tiếp giáp với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều hệ thống kênh rạch, thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy, bộ phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đa số người dân sống bằng nghề nông và nghề tiểu thủ công nghiệp như : ép đậu phộng lấy dầu, xay xát gạo, làm bánh tráng, đan đác đồ tre trúc ….

 

Sau giải phóng chính quyền, nhân dân Củ Chi ra sức thực hiện mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt vùng nông thôn chuyển dịch cơ cấu nông – công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân. Tính đến nay trên địa bàn huyện hình thành 05 cụm công nghiệp đa dạng ngành nghề, đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

 

 

 
Tìm kiếm