LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
0
1
3
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 14 Tháng Tư 2013 9:25:00 SA

Sức bật Trung An

Tháng 4 lại về trên vùng đất Trung An anh hùng! Cái nắng gay gắt khắc nghiệt như nhắc nhở cho những người trẻ hôm nay hãy luôn nhớ về thời kỳ lịch sử hào hùng để giành lấy độc lập tự do của thế hệ cha anh đi trước. Khác với những xã bạn, ngoài bia tưởng niệm liệt sĩ của xã ở ấp Chợ, Trung An còn Bia tưởng niệm Trung đội Gò Môn ở ấp An Bình, mà mỗi lần nhắc đến Trung An ai ai cũng nhớ về mốc son lịch sử hết sức đặc biệt này. Anh dũng trong thời chiến, chính quyền và nhân dân Trung An hôm nay đã biết phát huy truyền thống quý báu đó, biết tận dụng tiềm năng và nguồn lực sẵn có trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn hiện nay.

 

 

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ…

Sau cuộc Đồng Khởi nổ ra ngày 17/1/1960 của quân và dân Bến Tre giành thắng lợi to lớn, đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) triệu tập các cán bộ lãnh đạo địa phương để học tập kinh nghiệm và phát động phong trào “Học kinh nghiệm Bến Tre, quyết đuổi kịp và vượt Bến Tre để giải phóng đồng bào”. Với đặc điểm là địa bàn chiến lược trọng yếu nằm ở cửa ngõ phía Bắc – Tây Bắc của Sài Gòn – Gia Định, theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 5/1961, Khu ủy quyết định hợp nhất 2 địa phương Gò Vấp và Hóc Môn (Hóc Môn thời kỳ Gò Môn có 1 số xã của huyện Củ Chi và quận 12 ngày nay) thành quận Gò Môn.

Những năm 1961 – 1962, trên địa bàn quận đã thành lập Trung đội Gò Môn gồm 22 đồng chí, 2 đại đội bộ đội địa phương, 2 trung đội trinh sát, 2 đội biệt động 67A, 67B. Với nhiều cách đánh cơ động, đột kích, bất ngờ, dũng cảm, tập trung diệt ác đánh đồn địch ở vùng Gò Vấp, Hóc Môn đã gây tiếng vang lớn ở các khu vực trung tâm tạo điều kiện hoạt động chính trị, binh vận Gò Môn liên tiếp đạt nhiều thắng lợi vẻ vang.

Đến cuối năm 1963, địch đã xây dựng ở Quận Gò Môn 120 ấp chiến lược. Vì  vậy, sau phong trào đấu tranh chính trị là phong trào phá ấp chiến lược và phong trào chiến tranh du kích của Quận Gò Môn phát triển mạnh. Quân và dân Quận Gò Môn đã đi từ phá hỏng, phá rã đến phá toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn Quận. Đặc biệt, Trung đội Gò Môn gồm 22 đồng chí đã chiến đấu oanh liệt, vô cùng dũng cảm bảo vệ an toàn cho cơ quan Quận ủy Gò Môn. Ngày 12/11/1964, tại vùng căn cứ cách mạng ở xã Trung An, địch đã càn quét, tấn công bất ngờ. Chúng dùng thuốc nổ ném xuống địa đạo. Tất cả 22 chiến sĩ Trung đội Gò Môn và khoảng 60 cán bộ chiến sĩ, đồng bào xã Trung An đã anh dũng hy sinh dưới lòng địa đạo. Trong những năm 1965, 1966, 1967, lực lượng vũ trang của Phân khu Gò Môn gồm Tiểu đoàn 2, đội biệt động 67A, 67B đã tham gia nhiều trận chiến, tổ chức “diệt ác phá kềm”, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, nợ máu với nhân dân.

Có thể nói, dù chỉ hình thành và phát triển trong giai đoạn khoảng 9 năm (1961 – 1969), nhưng Đảng bộ và nhân dân Gò Môn đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt, lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà.

Cũng tại vùng đất Trung An này, trong kháng chiến, lực lượng vũ trang và nhân dân Trung An đã tổ chức đánh địch hàng trăm trận, đánh diệt, bức hàng, bức rút 14 đồn, tua, vận động đào rã ngũ 220 binh sĩ Ngụy, phá hủy 20 xe cơ giới các loại, đánh chìm 36 tàu chiến, bắn rơi 61 máy bay, đào trên 10 ngàn mét đường địa đạo, giao thông hào. Quân dân Trung An còn góp hàng ngàn ngày công vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh cho bộ đội, hỗ trợ đắc lực cho quân chủ lực và bộ đội địa phương.

Với những chiến công ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trung An vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm đầu tiên sau giải phóng (năm 1976), 1 Huân chương chiến công hạng III, 5 Huân chương chiến công giải phóng, 1 cờ Thành đồng quyết thắng, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 100 cá nhân được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - “Dũng sĩ diệt cơ giới và máy bay”,… 

NĂNG ĐỘNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Chạy dọc trên những con đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên vườn cây trái xanh tươi, có thể thấy Trung An đang dần thay da đổi thịt, nhất là từ khi được huyện chọn là xã điểm thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.

Chủ tịch UBND xã Trung An – ông Võ Văn Minh vui mừng cho biết: “Đến nay, xã Trung An đã đạt được 12/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bao gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự... Các tiêu chí còn lại đều đạt 50%. Có được thành quả như hôm nay đó là nhờ vào những sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền địa phương, kịp thời tuyên truyền 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đến người dân và đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, nhưng trên hết là sự đồng tình hưởng ứng và hỗ trợ của người dân đã góp phần tạo nên bước đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.

Có thể nói, sự năng động của chính quyền cùng với sự hưởng ứng đồng thuận cao trong nhân dân, mảnh đất Trung An giàu truyền thống cách mạng này ngày càng gặt hái những thành quả kinh tế mới nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi phục vụ xây dựng nông thôn mới. Để phục vụ cho sản xuất và cải thiện đời sống người dân, xã tập trung cho điện khí hóa và hậu điện khí hóa, giao thông thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường học, các công trình công cộng …. Từ việc huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân, xã đã thiết lập nền hạ 15,56km, trên 836 triệu đồng; đặc biệt thi công tuyến đường nội đồng Đất Sét  - An Hòa dài 3km với số vốn gần 1 tỷ đồng để phục vụ sản xuất cho cánh đồng trên 200ha, tạo tiền đề và cơ sở hạ tầng để phát triển định hướng khu du lịch sinh thái vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn.

So với nhiều xã trên địa bàn huyện Củ Chi, Trung An có mức độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá. Hiện nay, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ nuôi, giảm tỉ lệ trồng trọt ở một số cây không đạt hiệu quả, chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây lài, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi… Điều kiện thực tế đó góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở một số tiêu chí như thủy lợi, quy hoạch, điện, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa… và các tiêu chí này đến nay đều đã đạt. Trong tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, Trung An có diện tích đất nông nghiệp chiếm 77,5%, có 1 trang trại chăn nuôi heo, 1 trang trại nuôi cá sấu và cá kiểng. Thương mại dịch vụ có 57 doanh nghiệp sản xuất ở các lĩnh vực may gia công quần áo, làm giày, may giỏ, cơ khí, gốm sứ… Với tình hình thực tế đó cộng với lao động cần cù, sáng tạo của người dân đã làm cho mức sống của người dân trong xã được nâng cao, không còn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau như trước đây.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Trung An không giấu được niềm tự hào của mình: “Từ một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Củ Chi, trong thời chiến, Trung An đã bị tàn phá nặng nề bởi bom cày đạn xới, đường xá phần lớn là đường mòn do người dân tự khai hoang, phục hóa. Trải qua quá trình đổi mới, phát huy nội lực sẵn có là một xã có truyền thống anh hùng, Trung An đã nhanh chóng bắt nhịp và thực hiện ngay vào quá trình đổi mới. Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng hoàn thành 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Số hộ dân sử dụng điện từ lưới điện quốc gia đều đạt 100%. Tất cả các tuyến đường chính của xã đều có bóng đèn điện, mức độ đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất đạt 100%. Chợ nông thôn, bưu điện, hệ thống thông tin liên lạc, tuyên truyền luôn đảm bảo công tác phục vụ  tốt cho người dân. Công tác tăng hộ khá giảm hộ nghèo luôn được chú trọng, đến nay số hộ nghèo còn lại là 424 hộ, chiếm tỉ lệ 8%, giảm trên 600 hộ so với năm 2011”.

Những thành quả bước đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới một lần nữa khẳng định sức mạnh từ lòng dân. Nhân dân Trung An không những kiên cường bất khuất, đoàn kết trong chiến tranh mà còn hăng hái, chung sức, chung lòng trong thời bình. Niềm tự hào dân tộc luôn sôi sục trong trái tim của những người con Trung An, nguyện phấn đấu hết sức mình để mang lại một đời sống mới tốt đẹp hơn, một diện mạo nông thôn mới của giai đoạn hiện nay.

Trải qua gần 50 năm từ trận chiến Gò Môn năm nào, sống trên vùng đất Trung An hào hùng, hình ảnh những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn như âm vang mãi. Xương máu và công sức của thế hệ cha anh đi trước luôn luôn là ngọn đèn soi sáng, là động lực để tuổi trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy những thành quả cách mạng, đưa Trung An sớm trở thành một xã nông thôn mới, xã anh hùng trong thời đại mới.

 

          Quế Trân

 


Số lượt người xem: 5381    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm