LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
8
5
2
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 15 Tháng Tư 2013 9:30:00 SA

Sống không chỉ cho riêng mình

Nhắc đến Đội nữ du kích Củ Chi, mọi người đều hình dung ra hình ảnh những người nữ anh hùng, gan dạ, bất khuất nhưng chẳng ai ngờ được những người vang danh khắp năm châu ấy chỉ là những người phụ nữ hiền dịu. Gặp gỡ người nữ du kích Củ Chi Lê Thị Sương, tôi chợt nhớ lại những câu thơ mà nhà thơ Xuân Thúy đã từng đề tặng cho phụ nữ:
“Vừa hiền, vừa dịu lại vừa tươi
Mà lúc xông pha mạnh tuyệt vời
Đánh giặc giữ nhà, xây dựng nước
Đảm đang lừng lẫy bốn phương trời”

 

 

 

Góp sức trẻ làm nên chiến thắng

Thắp nén nhang cho vong linh của 24 người nữ du kích đã hi sinh, tôi và bà bắt đầu câu chuyện về một thời máu lửa. Bà kể “Đội nữ du kích Củ Chi thành lập ngày 10-11-1965. Khi ấy chị Nguyễn Thị Nê (tức Bảy Nê) - Xã đội phó Phú Hòa Đông được điều lên làm đội trưởng, chị Trần Thị Nhỡ (tức Út Nhỡ) - Xã đội phó Nhuận Đức về làm đội phó. Rồi 2 người đến vận động bà (Năm Sương) tham gia, lúc đó bà đang hoạt động trong Đội du kích xã Trung Lập Thượng và vừa tròn 18 tuổi. Thế là 3 người dắt díu nhau đi khắp nơi “chiêu” quân “tóc dài”, một số chị em lúc đó đang tham gia du kích các xã cũng tình nguyện gia nhập đội, có những người chỉ mới 15-16 tuổi”. Bà nhớ nhiệm vụ đầu tiên của bà là trận chống càn ở Phú Hòa Đông. Vì là nhiệm vụ đầu tiên nên bà cũng run và hồi hộp lắm, nhưng cố trấn an và hình dung địch như những tấm bia tập bắn rồi cứ thế mà chiến đấu. Lần đó, bà và đội đã tiêu diệt được 3 tên lính, thu giữ 3 cây súng của địch và đặc biệt không có thương vong về người. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tiên, bà vui mừng, háo hức lắm. Bà như được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Rồi những lần sau bà phải cải trang thành nhiều vai như người bán hàng rong, mò cua bắt ốc, đưa thư… để tiếp cận được với địch, từ đó bà nghiên cứu những mặt mạnh, mặt yếu của lực lượng địch. Và cuối cùng bà chỉ huy các chị em đánh úp vào lực lượng địch, tiêu diệt địch mà không gây ra một tiếng động nào. Như lần bà cải trang thành người mua bán, tiếp cận ngay trong lòng địch. Qua thời gian, bà nắm được kẻ hở của địch, bà đột nhập, diệt được đồn trưởng Hòa Phú chỉ bằng 1 phát súng. “Ngày ấy, bọn địch sợ khiếp vía mỗi lần nghe nhắc đến Đội nữ du kích Củ Chi”- bà Sương tự hào kể lại. Rồi bà trầm giọng và nhìn về phía bàn thờ, nghẹn ngào tiếp tục câu chuyện. Bà kể không phải lúc nào chiến thắng cũng không có thương vong. Chiến tranh đã lấy đi sự sống của 24 chị em trong Đội nữ du kích. Mặc dù đã 38 năm trôi qua, thế nhưng hình ảnh về những trận chống càn vẫn như in sâu vào tâm trí bà. Như trận Rừng Tre (15-5-1968), đội nữ gồm 5 người phối hợp với Tiểu đoàn 7 chống càn. Địch đã huy động lực lượng được hơn 200 xe tăng và máy bay yểm trợ. Trong 11 ngày, đội đã đánh lui 9 trận, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 9 xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Nhưng cũng trong trận đó, 4 người trong đội nữ đã phải nằm lại trên mảnh đất này, còn bà cũng đã bắn đến viên đạn cuối cùng. May mắn sống sót đến ngày chiến thắng, giữ lời thề “người sống giỗ người chết”, bà và mọi người thống nhất lấy ngày sinh của bà Bảy Nê (ngày 10-10 âm lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 đồng đội đã hi sinh và cũng là dịp để họp mặt những người còn sống.

Hết lòng vì đồng đội

Đã 38 năm đất nước ngưng tiếng súng nhưng có những sự day dứt vẫn in hằn theo thời gian. Nhắc về những người đồng đội may mắn còn sống, trong lời kể của bà như chứa đựng những sự xót xa. Với vai trò Trưởng ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, bà đã không ngừng tìm kiếm, liên lạc kết nối những người đồng đội lại với nhau. Và rồi bà cảm thấy chua xót trước thực tại đau lòng. Bà kể “đến giờ nhiều đồng đội đã hi sinh vẫn không thể tìm được hài cốt; người còn sống thì quá lứa lỡ thì, về già trong cảnh độc thân; có những người âm thầm gánh chịu hậu quả của chất độc da cam; lại có người chật vật lo toan cuộc sống thường nhật…”. May mắn còn sống và lành lặn trở về sau chiến tranh, bà tâm niệm “còn sống ngày nào thì sẽ cố gắng hết sức mình để giúp đỡ những người đồng đội khó khăn khác, cố gắng tìm thêm được nhiều hài cốt của đồng đội, an ủi vong linh của những người nằm xuống”. Thật vậy, bà thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ những người nữ du kích có hoàn cảnh khó khăn. Với các trường hợp chị em khó khăn về nhà ở, bà Sương đôn đáo “gõ” mọi cửa, vận động chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, xin hưởng trợ cấp theo chế độ 290. Thời gian qua, bà đã tích cực “gõ” mọi cửa xin được nhà tình nghĩa và trợ giúp nuôi suốt đời cho bà Nguyễn Thị Nĩ ở Thái Mỹ, vận động xây được nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hà ở Phú Hòa Đông, Nguyễn Thị Hương ở Tân An Hội và nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Hạnh ở An Phú. Ngoài ra bà còn giúp chị em hoàn tất hồ sơ để được hưởng các chế độ của nhà nước dành cho người có công. Cứ thấy chị em nào khó khăn bà đều sẵn lòng giúp đỡ. Nếu ngày xưa mọi người chung tay giữ gìn quê hương đất nước thì ngày nay trên mảnh đất anh hùng này, bà Sương vẫn tiếp tục góp sức mình giúp những người từng “kề vai sát cánh” vượt qua khó khăn, ra sức giữ gìn danh tiếng, giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước của của phụ nữ Việt Nam. Bà chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi cũng như những chị em còn sống trong đội là xây dựng được đền tưởng niệm Đội nữ du kích Củ Chi cũng như được phong tặng danh hiệu “Đội nữ anh hùng”. Đền tưởng niệm cũng là để an ủi vong linh những người đã anh dũng hi sinh cũng như là “ngôi nhà chung” cho những người còn sống họp mặt về đây. Qua đó góp phần giáo dục con cái truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường của người phụ nữ Củ Chi”.

 

Ngọc Thùy

 


Số lượt người xem: 4657    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm