LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
4
4
1
7
TIN TỨC SỰ KIỆN 16 Tháng Tư 2013 9:40:00 SA

Chuyện về ông Sáu cụt – Nguyễn Văn Nù: Một tấm lòng trung hiếu

Những cựu chiến binh một thời cầm súng, đối diện với cái chết trong chiến tranh, nhưng nay trở về thời bình, họ đã vượt qua khó khăn của cuộc sống đời thường, làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới đang là bản lĩnh, là phẩm chất của nhiều thương binh. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nù – là một người như thế.

 

 

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được sự giới thiệu của đồng chí Khâu Sĩ Nam – Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh huyện và tìm đến người cựu chiến binh thương binh 2/3 Nguyễn Văn Nù - ấp Trung Hiệp Thạnh – xã Trung Lập Thượng. Đi theo con đường hai bên là lúa nặng trĩu hạt, cùng cái nắng vàng rực rỡ của tháng 4 lịch sử, gặp người thương binh này càng cho chúng tôi cảm xúc khó tả về một tấm gương thương binh kiên cường trước kẻ thù trong thời chiến và đầy ý chí, lòng quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình trong thời bình.

Ông sinh năm 1949 tại ấp Tầm Lanh (nay là ấp Trung Hiệp Thạnh) xã Trung Lập Thượng. Lớn lên trong lúc chiến tranh hỗn loạn, Nguyễn Văn Nù mới 17 tuổi đã tự nguyện tham gia công tác du kích tại địa phương. Đến giữa năm 1969, ông bị trọng thương trong lúc đang làm nhiệm vụ chế tạo trái nổ để phục vụ công tác chiến đấu, bị cắt bỏ 1/3 cánh tay phải. Dù bị tàn phế nhưng khi nhìn thấy cảnh giặc Mỹ và ngụy quyền càn quét xóm làng, lòng yêu nước tiếp thêm sức mạnh cho ông tiếp tục tham gia cách mạng tại địa phương. Ông được giao nhiệm vụ làm công tác cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng an ninh Công an huyện Củ Chi. Đến giữa năm 1971, ông bị địch bắt tại ấp Đồn cùng với số vũ khí mang theo để chuẩn bị tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ. Bị địch chích điện tra tấn dã man, bao phen chết đi sống lại, ấy vậy mà ông vẫn kiên định, quyết chí bảo vệ cơ sở nằm vùng đến cùng cho dù bản thân có phải hy sinh. Mặc dù khổ sai trong tù nhưng ông cùng các đồng chí khác quyết đả đảo chính quyền ngụy Sài Gòn trao trả tù nhân viên – nhân sự về phía chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó, ông bị tòa án ngụy quyền kêu án 20 năm tù khổ sai tại Côn Đảo với các tội: tái hoạt động, gia nhập hiệp Đảng, tàng trữ vũ khí bất hợp pháp, mưu toan cố sát. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 1/5/1975, ông được đưa về đất liền đi an dưỡng, học tập.

Sau đó ông trở về địa phương, người lính năm xưa quyết tâm lập nghiệp trên quê hương mình. Ông lập gia đình cùng người bạn đời Ngô Thị Khỏi thương binh ¾, là đồng đội cũ từng tham gia công tác vận lương, tải đạn chung tay xây dựng mái ấm gia đình. Trong tay 2 vợ chồng chỉ là 2 bàn tay trắng với biết bao nỗi lo toan cho cuộc sống thường ngày. Nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, vợ chồng ông quyết tâm không để cái đói cứ bám mãi. Vừa tham gia công tác đoàn thể là cán bộ chính sách, làm đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia tổ an ninh, ông vừa chăm lo sản xuất kinh tế để cải thiện đời sống gia đình. Thời gian đầu ông làm rất nhiều công việc: Từ thợ cày thuê, người cấy thuê, cắt lúa mướn, cắt trúc về lấy mành đan lát, đêm về đi soi ếch, soi cá trong xã rồi đến các vùng lân cận như Dầu Tiếng, Long An… Tuy nhiên, tất cả các công việc lúc đó vẫn không đủ tiền để ông trang trải cho cuộc sống gia đình. Vợ chồng ông vẫn không nản, quyết chí mướn 1,5 mẫu ruộng để sản xuất nông nghiệp. Nhìn thấy đám ruộng khô cằn bị bỏ phế, ông đã nghĩ ngay đến việc khoan giếng lấy nước tưới tiêu phục vụ canh tác cho việc trồng lúa và đậu phộng. Những năm tháng khó khăn đó gia đình ông phải ăn cơm độn khoai mì (cơm thì ít mà khoai thì nhiều). Đến khi có nước kênh đông, cuộc sống gia đình mới đỡ hơn một chút. Ông trồng thêm các giống rau ngắn ngày như: dưa leo, đậu phộng, rau ăn sống, rau gia vị xen canh với trồng lúa, nuôi bò cỏ, quần quật với công việc đồng án. Ngoài ra, để nuôi bảy người con, quyết không vì cái nghèo mà để các con thất học, hàng đêm, người cựu chiến binh thương binh “tàn nhưng không phế” này không bao giờ có ý nghĩ chịu khuất phục cái khó. Mỗi đêm ông còn đi đặt lờ bắt ếch, đánh cá mang ra chợ bán kiếm tiền. Ở khắp các chợ Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Phước Thạnh... không nơi nào chưa có dấu chân ông. Nói đến công việc đồng áng, ai cũng nể phục ông. Dù bị thương mất cánh tay nhưng công việc ông làm như người bình thường. Lúa mà ông trồng năm 4 vụ. Mỗi vụ thu hoạch 9 tấn lúa. Sau khi trừ chi phí, khoản tiền thu được mỗi vụ từ 15 đến 20 triệu đồng. Còn 10 cao đất trồng rau ăn sống, rau gia vị cũng cho thu hoạch gần 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra vợ chồng ông còn có những khoản thu khác từ tiền lương thương binh của 2 vợ chồng, tiền xới đất từ đôi trâu, sau này đổi thành máy xới. Hiện tại, trung bình mỗi năm ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ việc đồng áng.

 Thật không kể xiết những khó khăn, vất vả ban đầu và sau 25 năm, vợ chồng ông đã có tiền để mua lại đám ruộng đã thuê và mua thêm 5.000 m2 đất cất nhà ở. Ngôi nhà ngói khang trang trị giá khoảng nửa tỷ đồng thay cho ngôi nhà lợp bằng 2 tấm tôn cha mẹ cho vào năm mới lập gia đình. Đó là kết quả có được sau những năm tháng chịu thương chịu khó. Đến nay gia đình ông đã thật sự ổn định. Cả bảy người con của ông đều ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm. Nói đến cựu chiến binh Nguyễn Văn Nù – mọi người đều dành cho ông tình cảm chân thành. Mọi người quen gọi ông bằng tên thân mật - ông Sáu Cụt. Dù gia cảnh ngày nay đã khá giả, nhưng vợ chồng ông Nù vẫn không quên thuở hàn vi. Vợ chồng ông thường giúp bà con xóm ấp mượn tiền không lấy lãi để họ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, hay cho mượn bò cày kéo rơm và chỉ dẫn phương pháp cày cấy trồng trọt.

Chiến tranh đã qua đi, những người cựu chiến binh như ông Nù, vẫn cố gắng vươn lên để sống có ích cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp,... đó là điều đáng trân trọng. Giờ ở tuổi xế chiều, những thành tích của ông được nhà nước ghi nhận và phong tặng Huy chương dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3 được ông coi như là những kỷ vật. Cùng ký ức những năm mặc áo lính, giữa sự sống và cái chết, giữa những làn đạn của quân thù, tình người, tình đồng chí mặn nồng, ân nghĩa, ông cảm thấy mắt mình cay cay khi những ngày tháng đó ùa về trong ký ức những ngày 30/4 lịch sử này. Chào tạm biệt ông - người cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Nù gởi đến thế trẻ hôm nay sự tự hào về con người – đất nước Việt Nam, niềm tin yêu trong cuộc sống và đức tính cần cù, sáng tạo, tự vươn lên bằng chính sức mình, xây dựng gia đình mình, góp sức cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

Kiều Ngân

 


Số lượt người xem: 4644    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm