LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
4
1
8
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 26 Tháng Tư 2013 2:20:00 CH

Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó chủ tịch UBND huyện – Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi

38 năm sau ngày giải phóng, vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đã từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn Củ Chi ngày thêm khởi sắc. Đó còn là kết quả của những chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới. Phóng viên bản tin đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện – Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi, xin giới thiệu cùng bạn đọc:

 

 

 

Hỏi: Thưa đồng chí, cùng với cả nước và thành phố Hồ Chí Minh, Củ Chi đã hưởng ứng rất tích cực ngay sau khi phát động chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện đã đạt những kết quả nhất định. Xin đồng chí chia sẻ về những nét nổi bật qua thực hiện chương trình?

Trả lời:

Việc xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi đã bắt đầu từ những ngày đầu sau giải phóng. Thời điểm đó, Huyện ủy – Ủy ban đã có những chương trình xây dựng để biến hàng ngàn hecta đất chết, vùng oanh tạc trắng thành vành đai lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân Củ Chi nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Điển hình trong những năm 1980 – 1990 có chương trình khai hoang phục hóa, xây dựng kênh đông Củ Chi, chương trình phát triển bò sữa, chương trình phát triển rau an toàn. Đầu thế kỷ 21, xây dựng nông thôn mới được cụ thể hóa qua chương trình 4 hóa (công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, dân chủ hóa) triển khai trên địa bàn Thái Mỹ. Đến 2007, chương trình nông thôn mới được triển khai trên địa bàn ấp Chánh xã Tân Thông Hội và sau này (2010 – 2015) được nhân rộng tại những xã còn lại. Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cụ thể với 19 tiêu chí tổng thể và 39 tiêu chí nhỏ. Trong từng tiêu chí được định lượng và nội hàm tiêu chí rõ ràng, chi tiết.

Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, thành công lớn nhất đó chính là sự đồng tình ủng hộ của người dân. Thông qua việc lấy phiếu khảo sát mức độ hài lòng thì đã có trên 90% người dân các xã đều ủng hộ chương trình này. Thứ hai là sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong mỗi tiêu chí. Từ tiêu chí quy hoạch, phát triển sản xuất, phát triển văn hóa cho đến xây dựng hệ thống chính trị đều có sự tham gia của các ban ngành đoàn thể huyện. Thành công kế tiếp đó là huyện đã hình thành được đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có nhiều kỹ năng trong xây dựng nông thôn mới.

Qua 3 năm triển khai thực hiện đến nay, huyện có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí (gồm xã Tân Thông Hội và xã Thái Mỹ), 18 xã còn lại có 9 xã đạt trên 10 tiêu chí, xã đạt thấp nhất cũng là 6 tiêu chí. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà trong xây dựng nông thôn mới.

  

Hỏi: Trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, quần chúng nhân dân giữ vai trò hết sức quan trọng, cùng chung tay góp sức thực hiện hiệu quả các tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đây, đồng chí có thể cho biết cách làm cụ thể, cũng như kinh nghiệm hay trong huy động nhân dân cùng thực hiện?

Trả lời:

Bác Hồ đã từng dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Điều này đã được các ban ngành đoàn thể Củ Chi cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể nhằm tăng tính chủ động của người dân được thể hiện qua 5 biết trong xây dựng nông thôn mới. Đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân trực tiếp hưởng lợi từ thành quả xây dựng nông thôn mới". Nếu như trước đây trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có một số nội dung tưởng chừng như chỉ do một số ban ngành, đơn vị đơn độc thực hiện; đến nay phải có sự tham gia của người dân. Cụ thể là trong việc thực hiện quy hoạch về điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong xây dựng hạ tầng, người dân bàn những công trình hạ tầng nào đưa vào xây dựng trước phục vụ cho đời sống dân sinh. Mặt khác tham gia giám sát công trình hạ tầng trong quá trình thi công công trình. Hoặc là trong phát triển sản xuất, thông qua chính sách của thành phố giúp bà con định hướng mục tiêu sản xuất có sự tham gia hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật của các Sở ban ngành thành phố, huyện.

Điểm nhấn quan trọng nữa là quan điểm “làm dân tin”. Điều này được thể hiện rất rõ qua công khai minh bạch dự án, kinh phí, thời gian thi công, thời gian hoàn thành công trình,... Từ đó người dân biết được hiệu quả, hưởng lợi từ các công trình. Thông qua minh bạch hóa các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đã huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng tại 2 xã Tân Thông Hội và Thái Mỹ đã có khoảng 2.600 hộ tự nguyện tham gia hiến đất, vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng trị giá trên cả trăm tỷ đồng.

 

Hỏi: Những kết quả Củ Chi đạt được trong thời gian qua là thành tựu rất quan trọng để xây dựng Củ Chi ngày thêm phát triển trên bước đường đổi mới, như vậy huyện sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để vừa nâng chất các tiêu chí đã đạt được vừa thực hiện hiệu quả những tiêu chí chưa đạt, thưa đồng chí?

 

Trả lời:

Trên cơ sở thành tựu đã đạt được qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy cũng đã đề ra Nghị quyết cụ thể. Trước mắt trong năm 2013, ngoài nâng chất các tiêu chí đã đạt đối với 2 xã nông thôn mới Tân Thông Hội và Thái Mỹ, 18 xã còn lại mỗi xã phấn đấu đạt thêm từ 4 đến 8 tiêu chí. Đến cuối năm 2013, các xã đều đạt từ 13 đến 17 tiêu chí. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đề ra những giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: không riêng gì Tân Thông Hội, Thái Mỹ mà 18 xã còn lại tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng những tiêu chí đã đạt được. Như về tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất: trước đây hàng nông sản chỉ bán tại chợ truyền thống, giờ nâng cao chất lượng tiêu chí này thì chúng ta phải phấn đấu hàng nông sản phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP Euro, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể cung cấp lượng hàng hóa dồi dào và chất lượng cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn trong và ngoài huyện. Ở lĩnh vực đào tạo nghề, quan tâm nâng cao chất lượng tay nghề của công nhân tạo điều kiện để họ nâng tay nghề từ bậc 3, 4 lên bậc 5, 6, ... tăng hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm nhằm tạo giá trị hàng hóa cao hơn. Hay với những tuyến đường đã được nâng cấp, bê tông nhựa nóng thì tiếp tục trồng cây xanh để tạo mảng xanh, giao đoàn viên hội viên các ngành đoàn thể quản lý sạch đẹp, an toàn,...

Thứ hai: tiếp tục tăng cường nội hàm vận động thuyết phục người dân trong việc phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới. Dự kiến cuối tháng 4/2013, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện hoàn thành cẩm nang 3 biết (biết trao đổi, biết làm, biết cơ chế phối hợp) trong xây dựng nông thôn mới. Tức là biết tiêu chí để làm, biết nội hàm để hướng dẫn trong thực hiện nội dung tiêu chí đó, biết cơ chế phối hợp giữa người dân với các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa thành viên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã với các ban ngành đoàn thể huyện…

Thứ ba: quan tâm thực hiện công tác đào tạo tập huấn. Theo đó triển khai công tác đào tạo nghề theo Quyết định 3639/QĐ – UBND ngày 16/7/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020”, Quyết định số 2041/QĐ – UBND ngày 18/4/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng 2020”.

Thứ tư: chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện năm 2013. Dự kiến sẽ mở 12 lớp tập huấn với hơn 1.000 cán bộ từ huyện đến xã, ấp tham gia. Tập trung vào các nội dung, chuyên đề như xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý dự án, tuyên truyền vận động, các thiết chế cơ sở văn hóa…

Với những giải pháp vừa nêu trên cùng sự tham gia của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới ở Củ Chi trong thời gian tới. Qua đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn Củ Chi trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì một Củ Chi năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát triển bền vững.

 

Xin cảm ơn đồng chí!

 

Bích Ngân (thực hiện)

 

 

 


Số lượt người xem: 6181    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm