LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
0
7
0
0
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 30 Tháng Tư 2014 10:20:00 SA

Nghĩa tình đồng đội

Những ngày này nhân dân Củ Chi đang rạo rực, phấn khởi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng Củ chi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014). Là mảnh đất của những cuộc đối đầu hủy diệt tàn khốc, là nơi chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng thống nhất. Và có biết bao anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh xương máu để làm nên một Củ Chi đất thép thành đồng. Vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân và dân Củ Chi đã dũng cảm bám đất, giữ làng chiến đấu đến ngày toàn thắng. Nhân dịp lễ trọng đại này, chúng tôi có dịp tìm bà Lê Thị Sương, người nữ du kích của một thời đánh Mỹ ở Củ Chi để cùng bà hồi ức về một thời không thể nào quên.

 

Đội nữ du kích Củ Chi thành lập ngày 10/11/1965, dưới sự chỉ huy của đồng chí Tám Châu – Huyện đội trưởng. Lúc đầu chỉ có 3 thành viên là bà Nguyễn Thị Nê (tức Bảy Nê) - xã đội phó Phú Hòa Đông được điều lên làm đội trưởng, bà Trần Thị Nhỡ (tức Út Nhỡ) - xã đội phó Nhuận Đức về làm đội phó và bà Lê Thị Sương (tức Năm Sương). Cả 3 người dắt díu nhau đi khắp nơi “chiêu” quân “tóc dài”, một số chị em lúc đó đang tham gia du kích các xã cũng tình nguyện gia nhập đội, có những người chỉ mới 15-16 tuổi. Qua một thời gian tập hợp, lực lượng được củng cố phát triển lên đến 42 người. Đội nữ du kích Củ Chi có nhiệm vụ cổ vũ phong trào tham gia đánh mỹ, vận động kêu gọi tòng quân, củng cố đơn vị, tham gia du kích, đào hầm địa đạo, tham gia công tác ở điạ phương. Bất cứ những nhiệm vụ gì, công tác gì được giao các chị đều hoàn thành xuất sắc như tải lương thực, đạn dược, cung cấp thông tin chính xác kịp thời không để địch phát hiện. Tuy là nữ nhưng các chị không thua kém gì nam giới, các chị vẫn mạnh mẽ, gan dạ, dũng cảm không chịu khuất phục trước kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Đã ngoài 60 nhưng bà Năm Sương vẫn nhớ rõ từng trận đánh, nhất là trận càn của Mỹ ở ngã 3 cây Điệp- Nhuận Đức. Bằng những phương tiện vũ khí thô sơ như hầm chông hố đinh, lỗ châu mai, ụ chiến đấu, mìn chống tăng - đây là những vũ khí được tái chế từ pháo lép của địch cộng với lối đánh du kích đội nữ đã đánh bại âm mưu của kẻ thù, giết chết 30 tên lính Mỹ và 1 xe tăng. Đúng như lời bài hát Củ Chi đất lửa hoa hồng của nhạc sĩ Quốc Thạnh “giết giặc mỹ bằng pháo bom của Mỹ” làm cho quân thù phải khiếp sợ. Ác liệt hơn là trận Rừng Tre năm 1968, đội nữ phối hợp với tiểu đoàn 7 chỉ trong vòng 11 ngày mà đánh 9 trận, sự đối đầu không tương xứng cả về lực lượng lẫn vũ khí. Trận đánh đã làm 300 quân của Tiểu đoàn 7 phải hy sinh, sự mất mát không gì bù đắp nổi. Có những trận đánh bom làm 4 chị hy sinh, không tìm được thân xác. Thấy đồng đội hy sinh ai ai cũng phải nuốt nước mắt vào trong để rồi biến đau thương thành hành động. Cứ thế, thế hệ này đến thế hệ khác các chị nối tiếp nhau lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương. Từ khi thành lập đến ngày giải phóng đội nữ du kích Củ Chi đã nhiều lần thay thế đội trưởng (những cái tên quen thuộc như Bảy Nê, Bảy Mô, Sáu Trong, Năm Hường). Bà Bảy Nê đã hy sinh trong một trận phục kích của địch và được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặc dù đã 39 năm trôi qua, thế nhưng hình ảnh về những trận chống càn vẫn như in sâu vào tâm trí của những người may mắn còn sống. Như trận Rừng Tre (15/5/1968), đội nữ gồm 5 người phối hợp với tiểu đoàn 7 chống càn. Địch đã huy động lực lượng được hơn 200 xe tăng và máy bay yểm trợ. Trong 11 ngày, đội đã đánh lui 9 trận, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 9 xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Nhưng cũng trong trận đó, 4 người trong đội nữ đã phải nằm lại trên mảnh đất này, còn bà Năm Sương cũng đã bắn đến viên đạn cuối cùng. May mắn sống sót đến ngày chiến thắng, giữ lời thề “người sống giỗ người chết”, bà Sương và mọi người thống nhất lấy ngày sinh của bà Bảy Nê (ngày 10/10 âm lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 đồng đội đã hi sinh và cũng là dịp để họp mặt những người còn sống.

Nhắc về những người đồng đội may mắn còn sống, bà Sương không cầm được mắt, giọng bà nghẹn lại. Bà kể: Sau 20 năm công tác xa quê hương, năm 1995 bà  trở về xin thành lập Ban liên lạc đội nữ du kích Củ Chi để tập hợp chị em, tạo điều kiện để các chị em trong đội chia sẻ buồn vui, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Với vai trò Trưởng ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, bà đã không ngừng tìm kiếm, liên lạc kết nối những người đồng đội lại với nhau.  Đến giờ nhiều đồng đội đã hi sinh vẫn không thể tìm được hài cốt; người còn sống thì quá lứa lỡ thì, về già trong cảnh độc thân; có những người âm thầm gánh chịu hậu quả của chất độc da cam; lại có người chật vật lo toan cuộc sống thường nhật… Càng nghĩ càng thương, càng cảm thấy phải có trách nhiệm đối với những người đã cùng chung chiến tuyến, bà chia sẻ: “âu cũng là nghĩa tình đồng đội với nhau, trong chiến tranh còn đùm bọc nhau được chẳng lẽ trong thời bình này chúng tôi lại bỏ mặc nhau?”. Nói là làm, ngày qua ngày, bà  thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ những người nữ du kích có hoàn cảnh khó khăn. Với các trường hợp chị em khó khăn về nhà ở, bà Sương đôn đáo “gõ” mọi cửa, vận động chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, xin hưởng trợ cấp theo chế độ 290. Bà nghĩ có lẽ việc làm của bà được các chị nữ du kích hy sinh phù hộ nên thời gian qua, bà đã vận động xây dựng được 3 căn nhà tình nghĩa, 4 căn nhà tình thương và không dừng lại ở đó bà còn vận động trợ giúp nuôi suốt đời cho bà Nguyễn Thị Nĩ ở Thái Mỹ, bà Lê Thị Dọi và bà Phạm Thị Lùn cùng ở xã An Nhơn Tây, vận động xây được nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hà ở Phú Hòa Đông, Nguyễn Thị Hương ở Tân An Hội và nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Hạnh ở An Phú, bà Lê Thị Đền và bà Trịnh Thị Gái neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Gái ngụ ấp Ràng, Trung Lập Thượng. Ngoài ra bà còn giúp chị em hoàn tất hồ sơ để được hưởng các chế độ của nhà nước dành cho người có công. Cứ thấy chị em nào khó khăn bà đều sẵn lòng giúp đỡ. Nếu ngày xưa mọi người chung tay giữ gìn quê hương đất nước thì ngày nay trên mảnh đất anh hùng này, bà Sương vẫn tiếp tục góp chút công sức còn lại của mình giúp những người từng “kề vai sát cánh” vượt qua khó khăn, ra sức giữ gìn danh tiếng, giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước của của phụ nữ Việt Nam. Bà Sương từng chia sẻ: “Nguyện vọng Ban liên lạc chúng tôi là Đội nữ du kích Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đội nữ anh hùng”, được hỗ trợ kinh phí để xây dựng  đền tưởng niệm Đội nữ du kích Củ Chi để an ủi vong linh những người đã anh dũng hi sinh, có nơi  cho những người còn sống hàng năm về đây họp mặt. tạc tượng cho ba nữ du kích, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thi Nê (tức Bảy Nê), hy sinh năm 1969; du kích Nguyễn Thị Lan, hy sinh năm 1968, khi tuổi đời mới 18 tuổi; Tô Ngọc Hà, hy sinh năm 17 tuổi, là người con gái đẹp, nết na thay cho những nữ du kích trên Địa đạo Bến Được để mọi người cảm thấy gần gũi, thân thương và kính trọng.  Qua đó góp phần giáo dục con cái truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường của người phụ nữ Củ Chi”

Nguyện vọng của Ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi đến nay đã được Huyện ủy, UBND xem xét và bàn giao Huyện đội thu thập thông tin làm cơ sở để xin cấp trên phê duyệt truy tặng danh hiệu anh hùng cho Đội nữ du kích Củ Chi. Đặc biệt, trong năm 2013 - đám giỗ lần thứ 35 của 24 nữ du kích cũng là năm đầu tiên được tổ chức trang trọng tại Đền Bến Dược. Vậy là chỉ còn nguyện vọng được xây dựng đền tưởng niệm nữ du kích Củ Chi và tạc tượng 3 nữ du kích nữa là Ban liên lạc đã hoàn thành tâm nguyện mang danh tiếng Đội nữ du kích Củ Chi vang mãi đời đời. Để những công lao ấy, chiến tích ấy sẽ mãi là dấu ấn riêng khi nhắc đến nữ du kích Củ Chi và truyền thống ấy sẽ được lưu truyền để con cháu mai sau muôn đời ghi nhớ.

Ngọc Thùy


Số lượt người xem: 3769    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm