LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
4
2
6
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 25 Tháng Tư 2014 9:05:00 SA

Với lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, những cán bộ hội phụ nữ Củ Chi thời chiến tranh đã sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, chúng tôi trở về thăm lại quê hương Củ Chi anh hùng. Mảnh đất nghĩa tình như đang bừng sáng lên theo những lời kể chứa chan tình cảm của những người phụ nữ trung kiên, không tiếc thân mình hy sinh để chiến đấu, giành độc lập cho quê hương đất nước.

 Chính khí tiết và sự anh dũng, kiên cường của các me, các dì trong thời kỳ chiến tranh đã điểm tô thêm vết son sáng ngời cho những trang sử hào hùng của dân tộc, là niềm tự hào của thế hệ phụ nữ hôm nay. Các mẹ, các dì  cùng với các tầng lớp phụ nữ lúc bấy giờ luôn phải đối mặt, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, dũng cảm đương đầu với sự ác liệt của bom đạn kẻ thù để tìm đến cách mạng, tham gia cách mạng, hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng với mong muốn giải phóng đất nước, giải phóng con người để có một cuộc sống mới, độc lập, tự do và vươn đến hạnh phúc. Một trong những người phụ nữ như thế chính là bà Trần Thị Kim Anh mà mọi người và đồng đội vẫn quen với tên gọi là Dì Út Anh, hiện đang sống tại ấp 2 xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi. Những chiến công và đóng góp to lớn của Dì đã được ghi nhận bằng nhiều huân chương như huân chương độc lập hạng ba, huân chương kháng chiến hạng nhất, huân chương quyết thắng hạng nhất, huân chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, huân chương chống pháp hạng 2 và rất nhiều bằng khen, giấy khen .

Xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, dì Út sống trong sự bảo bọc của bà Thím, cuộc sống cũng cơ cực, nhà cửa rách nát, cơm gạo khó khăn. Tuổi thơ của cô bé Út Anh gắn liền với những kỷ niệm cũng như những năm tháng chiến đấu tại ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông – một ấp ven sông Sài Gòn, đường lầy, cây cỏ um tùm lại thường xuyên bị tụi lính Tây đi tàu đổ vô lục soát tìm kiếm cộng sản. Thấy dì Út là con gái, bà Thím ngại chuyện không hay cho cháu mình nên gởi dì Út Anh đi ở mướn cho nhà người cô ở Bà Chiểu, Sài Gòn. Kể về tuổi thơ của mình, dì Út Anh không kiềm được sự xúc động : “nói thật là đi ở mướn chứ thật ra là đi ở đợ để có cơm ăn. Là một cô bé chỉ mới 12 tuổi nhưng tôi phải làm hết việc nhà từ giặt quần áo, chẻ củi, nấu cơm đến đi đổ bô cho người ta đã vậy lại còn thường xuyên bị đòn roi đánh đập. Không chịu nổi, đến năm 13 tuổi trốn khỏi nhà giàu trở về Phú Hòa Đông, rồi theo ghe củi của gì Hai In sống cuộc đời trôi nổi dọc sông Sài Gòn”. Đây là một cơ may cho Dì làm quen với cách mạng với phong trào hoạt động của Hội phụ nữ Cứu quốc. Những ngày đầu tham gia cách mạng với công việc là thư ký phụ cho Ban chấp hành phụ nữ cứu quốc xã Phú Hòa Đông, tham gia đi tập dân quân, đi tập bơi, đi ca hát… Đến năm 1950 trong chiến dịch Lê Hồng Phong trong lúc lính đổ chụp xuống bắt bớ, Dì đem tài liệu phụ nữ giấu dưới biền rồi lặn xuống sông trốn dưới lớp lục bình. Vì không lặn được lâu nên bị địch phát hiện và bắt đem về Thủ Dầu Một. Dù bị địch bắt, đánh đập dã man: đánh nước, đánh điện nhưng bằng sự kiên cường, bất khuất Dì thề chết chứ không thừa nhận, không khai một lời. Đến năm 1952 sau khi được thả ra, dì ra Bưng Biền và xin vô bộ đội để trả thù. Năm 1954 dì lập gia đình và sinh con. Dì chia sẻ thêm: “Chồng cũng đi tham gia kháng chiến, con còn nhỏ nhưng vì trách nhiệm, tinh thần của người lính cách mạng và lòng căm thù giặc sục sôi, tôi quyết gửi con để chiến đấu”. Năm 1958, lúc này tổ chức cơ sở hội phụ nữ hoạt động đều lắng và bí mật, không còn hoạt động theo giới mà tiếp xúc với cán bộ lộ (công khai) để nhận nhiệm vụ. Dì Út Anh với vai trò là Chi hội trưởng Ban chấp hành phụ nữ xã Phú Hòa Đông tham gia vận động chị em đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định Giơnevơ. Năm 1959-1961 là Đảng ủy viên Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng xã Phú Hòa Đông. Dì ngậm ngùi nhớ lại: “nhớ năm đó tôi đang mang thai 7 tháng, nhưng khi nhận được quyết định đi công tác tôi vẫn cố gắng ra đi tham gia hoạt động”. Sau đó dì tiếp tục được tổ chức phân công tác ở Nhà Bè, rồi  vô nội thành, làm Ban cán sự của cánh đô thị Phân khu 23 phụ trách Quận 10, Sài Gòn, làm công tác của Phụ nữ Sài Gòn Gia Định T4, đến sau giải phóng về làm Hội trưởng phụ nữ quận Phú Nhuận, tham gia chiến dịch X2 đánh phá tư sản. Sự gian nan hiểm nguy trong kháng chiến là thế, nhưng dì không lúc nào quên vai trò trách nhiệm của mình trong phong trào phụ nữ là tổ chức cho chị em vào Hội, mời chị em bên kia sông về để nghe Điều lệ Hội, tuyên truyền hướng dẫn đấu tranh, cấp giấy hội viên, giới thiệu chị em đi làm ăn, quan hệ xã hội trong vùng giải phóng. Dì nhớ lại: “Làm phong trào đã khó, nay lại còn khá hơn vạn lần. Là một địa bàn ven sông Sài Gòn nên công tác tập hợp chị em tham gia Hội rất khó, chị em muốn đến với Hội phải bơi từ Phú Hòa Đông qua An Tây, An Thành - Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương. Nhưng bằng lòng yêu nước, các chị cũng rất phấn khởi để tham gia”.

Trở về với cuộc sống thời bình, mặc dù tuổi đã cao nhưng với tinh thần của người chiến sỹ, tâm huyết của người cán bộ Hội năm xưa dì lúc nào cũng mong muốn được cống hiến cho quê hương đất nước nhất là trong phong trào phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ ở tuổi 79 tuổi vẫn cần mẫn ngồi soạn thảo từng bản kế hoạch tuyên truyền cho hoạt động Hội phụ nữ trong xóm ấp làm cho chúng tôi không khỏi xúc động. Dì Út Anh luôn dành trọn tâm huyết để hỗ trợ các con các cháu của mình, từng bước đưa phong trào hoạt động của Hội phụ nữ, tổ hội phụ nữ ấp 2 và Hội liên hiệp phụ nữ xã Tân Thạnh Tây trở thành một trong những cơ sở Hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện riêng cho giới. Ngoài công tác Hội dì còn thường xuyên tham gia vận động các mạnh thường quân để cùng chung tay với Hội phụ nữ và địa phương các xã Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông chăm lo, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp các gia đình có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

Cũng giống với dì Út Anh, dì Tư Lan tên thật là Lê Thị Lan ngụ xã Trung Lập Hạ cũng là người phụ nữ luôn sống hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như bao số phận khác trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, đời sống người dân cũng vô cùng khó khăn, hoàn cảnh gia đình dì cũng như vậy, không ruộng không đất. Sau khi được nghe tuyên truyền vận động đi theo cách mạng, trong tim dì sục sôi lòng căm thù, mong muốn được giải phóng, thoát khỏi nghèo đói và thấy được trách nhiệm của mình nên dì tham gia và vận động những người cùng khổ cùng tham gia để đấu tranh giành độc lập. Đến năm 1960 phong trào Đồng Khởi nổi dậy cô gái trẻ Tư Lan tham gia cách mạng khi chỉ mới 18 tuổi với công việc là nắm tình hình, lo cơm nước, báo tin tức trong địa phương, giữ hầm. Lúc này bà cũng bắt đầu làm quen với công tác phụ nữ, tham gia đi vận động khuyên tiền, vận động phụ nữ, thanh niên tham gia kháng chiến. Bên cạnh đó Hội còn cùng lực lượng phụ nữ các xã về xuống đường để công khai mang khẩu hiệu, vận động đấu tranh trực diện: không bắn pháo ấp chiến lược vì sợ chết heo bò, đấu tranh đòi về vườn đất cũ ở, làm ăn, sinh hoạt bình thường. Đến năm 20 tuổi dì làm công tác hợp pháp ở trong vùng giặc kiểm soát. Năm 1964 phong trào du kích lớn mạnh, Dì bị bắt chuyển về Hậu Nghĩa – Củ chi. Ở trong nhà tù 1 năm dì phải chịu biết bao nhiêu là đòn roi, tra tấn của kẻ thù nhưng với khí tiết của người chiến sỹ cách mạng dì quyết không khai để cho mọi người bên ngoài có thể hoạt động bình thường. Sau khi được trả tự do Dì tiếp tục tham gia cách mạng và làm tổ trưởng Ban cán sự phụ nữ ấp Tây và ấp Đông, xã Tân An Hội lúc bấy giờ (nay là Thị Trấn). Dì nhớ lại: “giai đoạn này rất ác liệt, giặc kiểm soát hàng rào chiến lược. Lúc đó, ban ngày thì đi vận động, ban đêm thì đi cắt kẽm, phá đê, gây tiếng động. Một tổ chỉ có 3 người và tổ du kích mật tham tham gia, tuy không có súng trong tay, chỉ có thể trang bị bằng gậy gộc nhưng dì các đồng đội của mình cũng rất kiên trì, can đảm để làm nhiệm vụ”. Đến giai đoạn năm 1965-1968 dì tham gia vào Ban chấp hành phụ nữ, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh, góp tiền nuôi quân kháng chiến. Năm 1969 khi lực lượng giải phóng không ở ngoài mà phải ở trong ấp chiến lược, dì cũng tham gia vận động từ ấp Đông sang ấp Tây đào hầm nuôi giấu cán bộ, vận động 2 – 3 nhà có 1 hầm để nuôi du kích, kết quả vận động được 20 hầm huyết mạch nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đến tháng 12/1969 trên đường đi họp Ban chấp hành phụ nữ dì lại bị bắt. Dù nhiều lần bị bắt, bị hành hạ, đánh đập nhưng không lần nào bà chịu thừa nhận mình là cộng sản chính vì vậy dì đều được trả tự do.

 

Ngồi nhìn những tấm hình đồng đội năm xưa, dì ngậm ngùi nhớ lại: “Lúc bấy giờ công tác tuyên truyền, vận động tập hợp của phụ nữ, thanh niên tham gia kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày dì tham phải gặp gỡ, trò chuyện 5 – 7 lần, trong đó không ít lần bị gia đình người ta chửi, đuổi nhưng dì vẫn kiên trì từ ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ và cuối cùng cũng tập hợp được thanh niên đi theo bộ đội, tham gia cách mạng giải phóng đất nước, bớt đói khổ”. Trải qua nhiều năm tham gia kháng chiến, vào sinh ra tử cùng đồng đội, trải qua biết bao nhiêu là kỷ niệm nhưng kỷ niệm làm cho dì nhớ nhất chính là lúc chuẩn bị cho đợt giải phóng. Trước giải phóng 1 tháng dì cùng các chị em mua vải may cờ cho gia đình, cơ quan, cho dân cắm hai bên đường trong ngày giải phóng. Dì còn nhớ rất rõ lúc đó may 2 lá cờ lớn, 1 lá cờ cho Ủy ban mặt trận tổ quốc, 1 lá cờ cho Dinh Quận. Ban phụ nữ, tổ du kích và chị quân báo mới mở cửa Dinh Quận, mở cửa nhà giam quận, lượm súng giặc tự trang bị cho mình để giữ cơ sở cho đến 6h chiều. Đến 6h chiều, quân ta về.

Khi được hỏi thêm về chuyện gia đình, dì vui vẻ cười: “Sau ngày giải phóng tôi mới lập gia đình và sinh con”. Dì kể thêm: “nhớ trong khi làm công tác nhiều lần ba dì cũng ép lấy chồng nhưng dì nhất quyết từ chối vì mình còn đang tham gia công tác, đất nước chưa được giải phóng”. Tấm lòng và sự hy sinh cao cả của các dì các chị đã điểm thêm những vết son kiên cường, anh dũng của người phụ nữ. Sự hy sinh của các mẹ, các dì sẽ là tấm gương, là động lực cho phụ nữ hôm nay noi theo, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Diễm Trang


Số lượt người xem: 3283    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm