LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
8
6
9
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Tư 2014 9:20:00 SA

Vững tin, bền chí trong thoát nghèo và phát triển kinh tế

39 năm giải phóng với 22 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về xoá đói giảm nghèo, từ gần 25% hộ dân đói nghèo so tổng số dân toàn huyện, trong đó 8,5% hộ phải cứu đói thường xuyên, đến nay Củ Chi còn 9.453 hộ nghèo theo tiêu chí mới của Thành phố (thu nhập 16 triệu/người/năm), chiếm 9,99% tổng số hộ dân.

 Sau ngày giải phóng, mọi người mọi nhà đều gặp phải những vấn đề khó khăn về kinh tế, phải làm sao để tiếp tục sản xuất, khôi phục kinh tế. Trước thực trạng đó, Củ Chi đã phải giải quyết 2 vấn đề cấp thiết là tháo bom mìn khai hoang phục hóa đồng thời tổ chức lại sản xuất để giúp dân có cái ăn và xây dựng nhà ở. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân, bằng ý chí tự lực tự cường, sau 15 năm giải phóng, năm 1990, toàn huyện có khoảng 75% hộ có cuộc sống no đủ, trong đó nhiều hộ khá giả thu nhập cao. Tuy nhiên vẫn còn 25% hộ dân đói nghèo với 8,5% hộ phải cứu đói thường xuyên. Trước tình hình đó, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra mục tiêu “Phấn đấu thu hẹp sự cách biệt giàu nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn”. Từ định hướng này, Củ Chi là một trong những huyện đầu tiên khởi xướng thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo từ năm 1992 đến nay.

Thực hiện mục tiêu trên, huyện đã tổ chức điều tra thí điểm tại ấp Cây Sộp xã Tân An Hội kết hợp nắm tình hình chung, đã ước tính hộ nghèo đói trong toàn huyện chiếm khoảng 15 – 20% (khoảng 7.000 – 8.000 hộ). Từ đó xác định những nguyên nhân trực tiếp đưa họ đến đói nghèo, đề ra những phương thức hỗ trợ khác nhau, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo xây dựng những dự án nhỏ giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động khác. Thực tế qua thí điểm tại 30 hộ dân nghèo ở Cây Sộp đã chứng minh hướng đi của huyện là đúng. Với số vốn 10 triệu đồng ban đầu cộng với sự chung tay góp sức của bà con, sự chăm lo của các tổ chức đoàn thể, sau một năm cuộc sống của số hộ này đã dần ổn định.

Trên cơ sở đó, huyện chủ trương phát huy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, chú trọng đến công tác giải quyết việc làm kết hợp với phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, nguyên liệu tại chỗ, có chính sách đầu tư các đơn vị sản xuất công nghiệp nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn cũng có sự biến đổi và hướng đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ. Các khu công nghiệp tập trung cũng đã thu hút nhiều đơn vị đến đầu tư giải quyết việc làm ổn định cho số lao động trẻ. Thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội gắn liền với việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo – hộ nghèo. Các đoàn thể xã hội như  Hội Cựu Chiến Binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tạo mọi điều kiện, huy động mọi tiềm lực trong hội viên, đoàn viên của mình để chăm lo cho nhau bằng các phong trào như : “liên kết vốn”, “người có giúp người khó”, “vì người nghèo”, “giúp nhau làm kinh tế gia đình”; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phân công cán bộ theo dõi, nhắc nhở giúp đỡ bà con làm ăn có hiệu quả. Được sự trợ sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm động viên, giúp đỡ kịp thời của các tổ chức đoàn thể đã có sự tác động tích cực thúc đẩy và khơi dậy ý thức vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Cụ thể thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 – 2015), huyện đã huy động nguồn vốn quỹ xóa đói giảm nghèo và ngân hàng chính sách xã hội huyện với số vốn trên 126 tỷ đồng cho 12.498 lượt hộ nghèo vay vốn để chăn nuôi, buôn bán, sản xuất kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ hơn 8.800 lượt học sinh vay vốn với tổng số tiền gần 81 tỷ đồng và trên 1 tỷ đồng hỗ trợ 37 lượt hộ nghèo vay xuất khẩu lao động từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, huyện còn giải quyết việc làm cho hơn 58.000 lao động, trong đó gần 10.000 lao động thuộc hộ nghèo; phối hợp với các đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín, giới thiệu 2.022 lao động làm việc nước ngoài có thời hạn, trong đó có 71 lao động thuộc hộ nghèo; cấp gần 182.600 thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, trợ cấp chi phí học tập cho học sinh nghèo với số tiền hơn 7.428 tỷ đồng; chống dột và sữa chữa 37 căn nhà, xây tặng 1.146 căn nhà tình thương cho hộ nghèo trên toàn huyện, nâng tổng số nhà tình thương được xây tặng lên 5.806 căn nhà. Để công tác giảm nghèo bền vững, huyện còn tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2009 – 2013, huyện đã đã đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo và phát triển giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế…. với tổng số giá trị gần 2.219 tỷ đồng.

Để tổ chức và quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách, pháp luật, tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại qua việc hưởng lợi từ các chính sách, như: tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, dạy nghề, đất sản xuất, đất ở, nhà ở... dẫn đến tình trạng không muốn thoát nghèo của không ít hộ dân và địa phương. Vì vậy,  ngoài việc thành lập ban giảm nghèo, tăng hộ khá với hệ thống cán bộ giảm nghèo từ huyện đến xã, huyện còn thành lập tổ tự quản giảm nghèo. Tổ tự quản giảm nghèo vừa đại diện cho người nghèo, vừa quản lý trực tiếp hộ nghèo theo danh sách chương trình ở từng tổ dân phố, tổ nhân dân. Hiện toàn huyện có 566 tổ tự quản giảm nghèo với hơn 20.000 hộ nghèo, cận nghèo tham gia sinh hoạt. Cũng từ đó đã góp phần đưa các chính sách, pháp luật về giảm nghèo đến gần với người nghèo hơn nữa.

Bằng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp bà con nông dân thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống, vươn lên khá giả. Trong vòng 5 năm từ 2009 đến 2013 đã giảm được 20.892 hộ nghèo. Hàng năm có trên 7 ngàn hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, vươn lên khá giả. Và nhất là đã định hình một số mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao ở các địa phương để làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới. Cụ thể: năm 1990 huyện mạnh dạn lập phương án giảm nghèo từ chăn nuôi bò sữa và chọn xã Tân Thạnh Đông làm thí điểm sau đó nhân rộng tại các xã. Sau khi chọn những hộ nghèo có lao động tích cực trong sản xuất, chí thú làm ăn để vượt nghèo, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, cử cán bộ thú y cùng mua bò giống với yêu cầu bò đang mang thai từ 7 tháng trở lên. Sau khi kiểm tra con giống, huyện cho mỗi hộ mượn vốn tương đương giá trị vật nuôi. Nguồn vốn được thu hồi dưới nhiều hình thức có thể trả góp hàng tháng, quý hoặc trả 1 lần vào cuối kỳ nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo có thể vừa trả vốn vừa trang trải chi tiêu trong gia đình. Qua mô hình chăn nuôi bò sữa, đã có thu hút nhiều hộ nghèo thực hiện chăn nuôi bò sữa. Đến nay nhiều hộ nghèo sau khi hoàn vốn vẫn có tích lũy với đàn bò sữa trị giá hàng trăm triệu đồng như hộ ông Nguyễn Hòa Bình ngụ ấp 2A, và Võ Thị Huệ, ông Nguyễn Văn Sỹ ngụ ấp 6 xã Tân Thạnh Đông, hộ ông Huỳnh Văn Phía, ấp Hội Thạnh xã Trung An và hộ ông Phan Thanh Dũng, ấp 1A xã Tân Thạnh Tây…

Bên cạnh mô hình chăn nuôi bò sữa, huyện đã chủ trương hợp tác với các công ty có chức năng xuất khẩu lao động để tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với mức vay ưu đãi, sau 3 năm làm việc tại nước ngoài và hoàn vốn, các lao động tích lũy bình quân từ 200 đến 300 triệu đồng, đồng thời được trang bị nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp. Rất nhiều lao động đã vươn lên thoát nghèo. Như anh Phan Tiến Dũng, ngụ ấp Bình Thượng 2, xã Thái Mỹ sau khi đi xuất khẩu lao động, anh đã tích lũy được số vốn và đầu tư vào chăn nuôi bò sữa. Qua 4 năm nuôi bò sữa, từ 4 con bò sữa anh đã phát triển đàn bò lên đến 15 con. Hiện kinh tế gia đình đã ổn định và vươn lên khá giả.

Bên cạnh đó, huyện còn chủ trương giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế từ các nghề truyền thống đặc thù riêng của huyện như: tráng bánh tráng, đan đát truyền thống. Với mô hình tráng bánh không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tại địa phương mà còn kéo theo sự phát triển của các dịch vụ mua bán gạo, chất đốt, đan liếp, thu mua bánh tráng. Nhiều hộ đã phát triển từ lò tráng bánh thủ công năng suất thấp sang đầu tư máy tráng bánh, từ đó thu nhập của người dân cũng tăng lên, đặc biệt là người dân nghèo. Nghề đan đát cũng vậy, tận dụng lợi thế Củ Chi có nhiều tre trúc, người dân có thể sử dụng nguyên liệu tại chỗ để tạo mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Đan đát lại là công việc nhẹ nhàng nên có thể huy động mọi người trong gia đình cùng làm, kể cả người già và trẻ em, tận dụng được sức lao động và thời gian rảnh rỗi trong ngày để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện toàn huyện có 408 hộ nghèo thực hiện nghề đan đát, từng bước ổn định cuộc sống.

           Với các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế, trong những năm qua đã góp phần giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, mức sống ngày càng được nâng cao. Cụ thể từ 8,5% hộ phải cứu đói thường xuyên năm 1990, đến cuối năm 1994, huyện đã hoàn thành cơ bản việc xóa hộ đói. Từ năm 1995 – 2003, Củ Chi thực hiện chống tái đói và giảm nghèo. Cuối năm 2013 toàn huyện còn 1.494 hộ nghèo (thu nhập 12 triệu đồng/người/năm), kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28,4% đầu năm 2009 xuống còn 1,58% vào cuối năm 2013, hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giai đoạn 3, về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đảng bộ huyện 2010-2015 đã đề ra. Xét theo tiêu chí mới của thành phố với chuẩn thu nhập 16 triệu đồng/người/năm, hiện huyện có 9.453 hộ nghèo, chiếm 9,99% tổng số hộ dân.

Với sự chung tay, bền chí, quyết tâm vượt qua đói nghèo của người dân “vùng đất thép” và sự quan tâm, trợ sức của các cấp chính quyền, đoàn thể, mức sống của người dân Củ Chi ngày nay đã ngày càng được nâng cao. Sau 39 năm xây dựng và phát triển giờ đây cuộc sống của người dân Củ Chi đã không còn cái cảnh ăn bửa nay lo bửa mai, ăn để sống, mà đã thật sự được hưởng thụ thành quả lao động của mình và góp phần xây dựng huyện Củ Chi ngày càng giàu đẹp, văn minh. Người xưa thường nói dân giàu thì nước mạnh quả là không sai. 

Ngọc Thùy


Số lượt người xem: 3116    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm