LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
0
5
0
7
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 26 Tháng Tư 2015 9:05:00 SA

Củ Chi kế thừa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Đại đoàn kết dân tộc, chính là đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa.

 ĐOÀN KẾT TRONG CHIẾN ĐẤU

Học tập tư tưởng đoàn kết của Bác, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đoàn kết một lòng, dũng cảm hy sinh, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tất cả mọi người, trẻ già, trai gái một lòng tham gia cách mạng. Lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ du kích, có cả những người trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, càng khiến họ đoàn kết, tay cày, tay súng, bám vườn, bám đất chiến đấu và cuối cùng quân dân Củ Chi đã chiến thắng.

Nhớ về những năm tháng gian khổ, giặc đã ném xuống vùng đất Củ Chi khoảng 240.000 tấn bom đạn, bình quân mỗi người dân “gánh” 1,5 tấn. Sức tàn phá ghê gớm là vậy nhưng không lay chuyển được ý chí, tinh thần đoàn kết của người dân Củ Chi”. Ác liệt là thế, nhưng người dân Củ Chi chưa bao giờ bị khuất phục. Địch càng đàn áp, ruồng bố, gom vào ấp chiến lược bằng mọi cách nhưng người dân Củ Chi vẫn đoàn kết một lòng theo Đảng. Họ đã đóng góp lương thực để tiếp tế cho cán bộ, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ ngay tại nhà mình. Tới lúc địch kiểm soát thì người dân dùng trâu để đi tiếp tế, dùng trẻ con để làm giao liên... Lương thực, thực phẩm được người dân cột vào cổ trâu, bọn lính đâu dám bén mảng gần trâu vì sợ trâu húc, thế là hàng hóa được đưa vào chiến khu trót lọt. Trong khi đó, với trẻ con thì bọn lính ít kiểm soát hơn nên được giao mang thư từ, tài liệu liên lạc giữa chiến khu với bên ngoài. Có thể nói, lúc bấy giờ, từ người già đến trẻ em, nam nữ thanh niên cùng đoàn kết với nhau để tham gia kháng chiến, tiếp tế cho cách mạng.

Qua nhiều năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống. Toàn thắng thuộc về dân tộc ta, tự do thuộc về nhân dân ta. 40 năm sau, Củ Chi đã thay màu áo mới, mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ.  Ở thời bình Đảng bộ, chính quyền và người dân Củ Chi tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng quê hương Củ Chi ngày càng văn minh, nghĩa tình.

ĐOÀN KẾT TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của những người đi trước qua các thời kỳ lịch sử, thời gian qua các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện không ngừng phát huy truyền thống Cách mạng của quê hương Củ Chi anh hùng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Thành phố và Trung ương phát động…

Nổi bật là hoạt động của hệ thống mặt trận đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thông qua các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Từ các cuộc vận động và phong trào thi đua đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú ở khu dân cư, tình đoàn kết của nhân dân trong các ấp, khu phố được củng cố; phát huy mọi nguồn lực trong dân để đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Điều đó thể hiện rõ qua những kết quả mà 40 năm qua Củ Chi đã đạt được từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đến nay trên địa bàn huyện có trên 77.414 /83.628 hộ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,56 %. Các mô hình, điển hình làm theo Bác tiếp tục được duy trì và ngày càng phát huy tác dụng. Đặc biệt, hệ thống mặt trận và các tổ chức thành viên đã lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên đã huy động được sức dân trong việc đóng góp đất đai, vật kiến trúc, ngày công, góp vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, đem lại hiệu quả thiết thực… Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua, đã có 6.287 hộ dân tự nguyện hiến trên 750.000 m2 đất, trị giá trên 355 tỷ đồng để xây dựng trường học, mở rộng đường giao thông; đóng góp kinh phí thực hiện 495 tuyến đường giao thông nông thôn dài 640 km; duy tu sửa chữa, nâng cấp 118 tuyến kênh, mương thủy lợi với 141,13 km (trong đó hệ thống kênh Đông là 37,2km); đóng góp hàng ngàn ngày công để dọn vệ sinh trên 340 tuyến đường và xây dựng 87 tuyến đường kiểu mẫu.

 

Riêng đối với cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo” đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tương thân tương ái của dân tộc và trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Hàng năm Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội vận động “Quỹ vì người nghèo” số tiền trên 10 tỷ đồng để chăm lo cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ nguồn quỹ vận động được cùng với các nguồn hỗ trợ khác huyện đã xây và sửa chữa 4.258 căn nhà tình nghĩa và 6.170 căn nhà tình thương với kinh phí đến 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ vì người nghèo của huyện còn hỗ trợ tặng quà cho học sinh nghèo, khám, chữa bệnh, tặng quà cho hộ chính sách, hộ nghèo nhân dịp lễ, tết... Đến nay, huyện còn 3.829 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,78% tổng số hộ dân; còn 9.712 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,58% tổng số hộ dân toàn huyện. MTTQ các cấp trong huyện còn tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy dân chủ; kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của dân với Đảng và nhà nước, đồng thời phối hợp, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong nhân dân, đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là các đối tượng chính sách hộ nghèo.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, để tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ông Dương Văn Tháo - Chủ tịch MTTQ huyện cho biết: “Thời gian tới, ngoài tuyên truyền chung cho mọi người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì hệ thống MTTQ các cấp trong huyện tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, lựa chọn những nội dung thật cụ thể, phù hợp từng đối tượng vận động. Bên cạnh đó, cơ sở cần phối hợp tổ chức khảo sát, rà soát, nắm chính xác các đối tượng vận động để xây dựng mô hình phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân trên từng địa bàn dân cư. Tổ chức sơ, tổng kết mô hình để đánh giá và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Thêm vào đó, MTTQ từ huyện đến cơ sở cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và các ngành để tổ chức triển khai động bộ nhằm đạt hiệu quả cao trong thực hiện cuộc vận động”.

Có được đổi thay ở Củ Chi hôm nay là kết quả của sự đoàn kết, đồng thuận rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Những kết quả trên đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân Củ Chi. Vùng “đất chết” ngày nào giờ đây đã hồi sinh, bừng sáng với nhiều công trình xây dựng, các khu công nghiệp và khu nông nghiệp công nghệ cao mang tầm quốc gia, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Cơ sở vật chất phục vụ người dân đầy đủ, đi lại thuận tiện, thông thoáng, cuộc sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn Củ Chi ngày càng được nâng lên. Nhìn chung, trong những năm qua nhờ thực hiện tốt các phong trào và các cuộc vận động nên hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được kiện toàn củng cố. Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước đối với dân ngày càng gắn bó. Từ đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn huyện được phát huy, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến giải phóng dân tộc; Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới – Đó là danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi vì đã có những công lao to lớn trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển quê hương Củ Chi sau ngày giải phóng. Danh hiệu đó một lần nữa khẳng định bản lĩnh, sự anh dũng hy sinh, óc mưu trí sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã kiên định phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua  

Ngọc Nữ 


Số lượt người xem: 3582    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm