LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
8
9
1
5
TIN TỨC SỰ KIỆN 28 Tháng Tư 2015 9:30:00 SA

Trung đội Nữ du kích Củ Chi – Những bông hồng trên vùng đất lửa

Trong thời kỳ Mỹ ồ ạt đưa quân vào Việt Nam, quyết xâm lược Việt Nam, Huyện ủy quyết định chỉ đạo cho Huyện đội thành lập Đội nữ Du kích Củ Chi. Chức năng của Đội nữ là xây dựng lực lượng chiến đấu và vận động tòng quân, đưa phong trào đánh Mỹ phát triển. Ngày 10/11/1965 Đội nữ Du Kích huyện Củ Chi chính thức được thành lập. Ban đầu Đội nữ gồm có 3 thành viên là cô Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê) làm đội Trưởng, cô Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) là Chính trị viên và cô Lê Thị Sương, người chiến sĩ đầu tiên của đơn vị. Giặc Mỹ khi đến đất nước Việt Nam, đánh phá không trừ trai gái, lớn bé. Đặc biệt, trên mảnh đất Củ Chi, Mỹ đã dùng chiến dịch “Giết sạch, đốt sạch, phá sạch” để thực hiện cho bằng được mục đích xâm lược nước ta. Vì vậy, tuy là nữ, các cô buộc phải đứng lên cầm súng. Từ khi Đơn vị Trung đội Nữ ra đời đã có rất nhiều chị em trở thành Anh hùng, trở thành Dũng sĩõ không thua kém những nam giới. Hơn thế nữa, vì là nữ, các cô có nhiều lợi thể tham gia chiến đấu trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và binh vận.

 Những Nữ Thủ Lĩnh Vang Danh

Nhắc đến Trung đội Nữ du kích Củ Chi anh hùng không thể không nhắc đến tên cô Võ Thị Mô (Bảy Mô), Trung đội trưởng Trung đội này từ năm 1967 – 1968. Cô Bảy Mô, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, xúc động kể lại. “Thời kỳ đó, Trung đội Nữ đã sát nhập với Tiểu đoàn 7 thực hiện chống càn ở mọi nơi. Ngày xưa có biệt hiệu là Tiểu đoàn lửa, có nghĩa là đi tới đâu là có lửa đạn tới đó. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, mỗi người đi đánh giặc chỉ có một bộ đồ trên người. Chủ yếu tập trung mang súng, đạn dược, vũ khí. Lúc đó, đánh chống càn ở Sa Nhỏ, Đồng Lớn, Trung Hưng,… tụi giặc đổ quân ở đâu là đánh ở đó. Hồi đó, đêm ngày gì cũng nằm chiến hào, mỗi người một cái công sự mà nằm, còn giặc thì cứ 15 – 20 phút lại đổ quân một lần. Mục đích cuộc càn của nó là “Quét sạch, đốt sạch, nhổ cỏ cho sạch” nên tụi nó liên tục đổ quân, đơn vị tôi hành quân tới đâu là tụi nó đổ quân tới đó. Lớp bom đạn, lớp pháo, lớp B52, phải “ăn cơm vắt, uống nước ve”, có khi không có nước mà uống nhưng chị em Đội Nữ vẫn kiên trung, chịu đựng mọi gian khổ. Từ chỗ lấy căm thù làm hành động, mỗi khi đi chiến đấu, chị em đều một lòng thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nên không có chị em nào nao núng trong chiến đấu. Trong chiến tranh đánh Mỹ thì chỉ có 24 chị em Đội Nữ hy sinh. Nhớ nhất là trận đánh Thái Mỹ, người ta thường gọi là “Cường tập công đồn”, chiến trường này có thể nói chỉ dành cho nam giới, nữ giới không đủ sức đánh, không đủ sức “cường tập” nhưng Trung đội Nữ Củ Chi lại đánh nỗi, các chị em đã dũng cảm chiến đấu, dám bò qua mười mấy lớp hàng rào để chiếm lô cốt đầu cầu của địch. Đánh đồn Thái Mỹ tổng cộng ba lần, hai lần đầu thành công bắt sống nhiều tù binh. Nhờ đánh thắng trận đó, Trung đội Nữ được khen tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, còn tôi thì được Huân chương chiến công hạng Ba. Từ thắng lợi đó, Trung đội của tôi tiếp tục đánh trận Phước Hưng, Vườn Trầu, trận chống càn ở Phước Thạnh, Đồng Lớn, rồi trận Rừng Tre.”

Tiếp tục kế thừa truyền thống anh dũng của các nữ đội trưởng trước kia, cô Võ Thị Trong, người Trung đội Trưởng cuối cùng của Trung đội Nữ Củ Chi từ năm 1973 – 1975 cũng không thua kém các chị đi trước. Nơi cô Trong nổi bật lên không chỉ là lòng gan dạ của người lính cầm súng, ở cô còn là sự mưu lược hiếm có. Nghe cô kể chuyện về cuộc đời làm cách mạng với những trận thắng lẫy lừng, những lần công tác mật, những mất mát của bản thân đã lôi cuốn chúng tôi đến kỳ lạ. Cô như bước ra từ phim ảnh và cuộc đời chiến đấu của cô giống như một bộ phim cách mạng. Giác ngộ cách mạng từ khi mới mười hai, mười ba tuổi. Những ngày đầu làm cách mạng cô Võ Thị Trong cùng bạn bè đã tham gia đào chiến hào, vót chông. Lớn hơn một chút, cô tham gia du kích ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng. Khoảng năm 1965 - 1966, Mỹ vào chốt Đồng Dù, đánh phá ác liệt các vùng giải phóng, dân thì bị dồn vào ấp chiến lược. Cũng trong thời gian này, quận Củ Chi thường xuyên biểu dương về tấm gương chiến đấu của chị Tư Gừng, Bảy Mô đã tác động đến tất cả các nữ sống trên đất Củ Chi. Lúc đó cô nghĩ “Tư Gừng, Bảy Mô cũng là nữ, mình cũng là nữ, cùng lứa tuổi đó thì mình cũng không ngại gì cả”. Nghĩ là làm, ngay trong trận đánh đầu tiên, cô cùng đồng đội và Tiểu đoàn Quyết Thắng đã lập được chiến công lớn, bắn bị thương 25 xe cơ giới của địch. Sau trận thắng đó, cô được bằng khen Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3. Chiến dịch Mậu Thân 1968 kết thúc, cơ sở của ta đều đã bị địch bắt gần hết. Từ đó, các anh giao nhiệm vụ cho cô ở lại trong ấp chiến lược xây dựng cơ sở, tổ chức diệt ác. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ theo chỉ đạo “Không cần đánh nhiều, đánh sâu bên trong lòng địch cũng được”, cô đã tổ chức cơ sở trong lực lượng địch, diệt được một ác ôn, vận động 4 phòng vệ dân sự xung kích trở về với cách mạng. Hoạt động tích cực, khoét sâu vào tận hang ổ của địch, cô Trong không tránh khỏi những lần bị bắt, bị tra tấn dã man. Chính đòn roi của giặc đã lấy mất cánh tay trái của cô khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Dẹp đi sự hụt hẫng cá nhân, cô tiếp tục chiến đấu chống giặc thù chỉ bằng “một tay”. Tại xã Trung An, có tên đồn trưởng ấp đồn Bàu Giang nổi tiếng ác ôn khét tiếng. Tiểu đoàn đặc công Gia Định, rồi du kích xã nhiều lần tổ chức trừng trị mà nó cũng không chết. Rút kinh nghiệm từ thất bại của anh em, cô Trong cùng đồng đội, gan dạ vào tận sào nguyệt địch tiêu diệt gọn tên đồn trưởng Thiên ác ôn chỉ trong một phát súng”. Kể từ đó, hình ảnh người “phụ nữ một tay” dẫn đầu đội nữ mặc áo bà ba đen là nỗi ám ánh kinh hoàng đối với bọn giặc.

Những Nữ Du Kích Anh Hùng

 

50 năm về trước, các cô còn ở độ tuổi rất trẻ, chỉ mới mười bảy, mười tám, cái tuổi tràn đầy sức sống nhưng các cô đã tự nguyện dấn thân, đem cả tuổi thanh xuân, cả máu của mình hiến dân cho Tổ quốc. Cô gái trong đoàn Văn Công – Cao Thị Hương, cũng không ngại nguy hiểm đối diện với máy bay của kẻ thù, trở thành người con gái đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi. Cô Hương kể lại: “Khi có chiến tranh, thường người ta hay “trọng nam khinh nữ” nói đàn bà không làm được việc. Vì vậy, tôi mới có suy nghĩ “Nam làm được thì nữ cũng làm được” nên xin trực tiếp cầm súng chiến đấu. Tháng 12/1964, tôi bắt đầu làm du kích xã Tân An Hội. Khi được nhận súng, tôi rất vui nhưng lúc đó, tôi chỉ biết bắn không biết tháo lắp súng, không biết nhắm bắn,… cho nên hằng ngày tôi phải tích cực tập bắn yếu lĩnh. Đến ngày chống càn, các đồng chí nam đi bắn máy bay, không cho tôi đi theo, họ nói tôi là đàn bà con gái, không cho tôi đi nhưng tôi vẫn đi luôn. Tôi nói “Mấy anh bắn được là tôi bắn được”, rồi tôi cầm súng chạy theo. Ba người thanh niên cầm súng chạy trước tôi, mỗi khi thấy máy bay chúi xuống là ba đồng chí đó nằm. Còn tôi, tôi cứ chạy, tôi không nằm, vì tôi biết nếu tôi mà nằm thì tôi không theo kịp họ. Máy bay khi nó bay thì bay hình tam giác nhưng mà khi nó bắn, nó lại chúi bắn từng chiếc. Đồng chí tổ trưởng phân công mỗi người bắn một chiếc. Tôi xí bắn chiếc thứ nhất nhưng các đồng chí lại kêu “Mày là đàn bà con gái, mày bắn chiếc chót”. Vậy mà, hai chiếc máy bay đầu, các đồng chí nam bắn không trúng, đến “chiếc chót” của tôi, tôi bắn liền 4 phát, chiếc máy bay bốc cháy, tôi bắn thêm 3 phát nữa là hạ được chiếc máy bay đó! Hai ba ngày sau, tôi được biểu dương toàn quận Củ Chi là nữ du kích đầu tiên bắn hạ được máy bay, cùng lúc đó tôi cũng được lệnh lên đầu quân cho Trung đội Nữ của huyện.”

Không trực tiếp “cầm súng” chiến đấu như các chị. Cô du kích Nguyễn Thị Thược, xã Đội phó xã An Nhơn Tây đã tận dụng được sự khôn khéo, mềm mại vốn có phái nữ kết hợp cùng với sự gan da, kiên cường trong công tác chính trị, binh vận. Tiếp lời các chị, cô Thược nhỏ nhẹ kể lại: “Hồi mới tham gia, tôi mới có mười hai, mười ba tuổi. Hằng ngày vào ấp chiến lược nắm tin tức, số lính ác ôn báo lại cho các chú. Rồi vừa đi trăn trâu, vừa sưu tầm bom lép để các chú làm vũ khí đánh Mỹ. Lớn hơn một chút, tôi tham gia đào hầm chông, hố đinh, đào chiến hào. Đến trận càn “Tam giác sắt” năm 1966, tôi tiếp tục được các cô, các chú giao nhiệm vụ vận động nhân dân tiếp tục bám trụ đấu tranh, vừa làm công tác mật, nắm tình hình, tin tức báo lên cấp trên và phối hợp cùng anh em tấn công tiêu diệt những tên ác ôn. Trong chiến trận ác liệt từ năm 1967 - 1972, tôi được cử về tham gia phong trào “Ba mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận”, qua quá trình tiếp xúc, vận động chúng tôi đã binh vận được tổng cộng 25 lính trở về, tham gia giúp đỡ lực lượng của mình. Đến năm 1968, tôi làm xã Đội phó xã An Nhơn Tây cho đến ngày giải phóng. Có thể nói, trong những ngày chiến tranh ác liệt, những người du kích cứ lên đến chức Chỉ huy xã đội được khoảng “mười bữa nửa tháng” là hy sinh. Có lẽ vì tôi được giao làm công tác mật kết hợp với binh vận nên tôi mới được sống đến ngày nay, cứ nếu cầm súng như các anh chắc giờ cũng đã chết”.

“Gái Chích” chính là tên gọi mà các chị trong Trung đội Nữ trìu mến dành cho cô Lê Thị Gái, cô em “gái” nhỏ có một “chích” xíu của các chị đội Nữ. Tuổi tuy nhỏ nhưng ý chí kiên cường, dáng người “be bé” nhưng có tinh thần “thép”. “Cô quê quán Phú Hòa Đông, tham gia cách mạng năm 1969. “Lúc đó, mấy anh, mấy chú nhờ mình làm dùm, đi gài trái, rải truyền đơn, bò vô đồn gỡ lựu đạn cho mấy anh, mấy chú. Đến năm 1971, cô bị lộ nên mấy chú đưa ra luôn, từ đó, cô cũng tham gia đánh nhiều trận chung các chị với Tiểu đoàn Quyết Thắng. Công tác hậu cần những năm 1971 – 1972 khổ lắm, mình đâu có làm ban ngày được, mình chỉ lén ban đêm đi làm, phơi lúa cũng ban đêm, rồi phải đào hố, đào hầm giấu lúa. Lúc đó, mình không có trâu bò, mình toàn phải mượn trâu bò của mấy anh bên an ninh, nhờ mấy anh bên C25 làm phụ đơn vị Nữ. Bộ đội no đói gì cũng do hậu cần mình sản xuất. Mỗi tổ sản xuất luôn phải cố gắng làm sao cho anh em có rau xanh, có gạo để ăn. Trong tăng gia sản xuất cực khổ đủ cái, những lúc nước ngập phải vớt từng bông lúa. Đến lúc đập mình cũng đâu có biết đập, phải nhờ mấy anh C25 đập dùm, rồi sau đó, đi cắt lúa trả công cho mấy anh. Mình cũng phải tập xay gạo, giã gạo. Những lúc thiếu gạo phải đi đào mì, đào nần, trồng khoai lang, trồng bắp ăn, rau lang độn trừ cơm. Hồi đó, món mặn chỉ có bột ngọt, muối với khô cá mối. Mà mỗi bữa ăn, mỗi người chỉ được miếng cá khô nhỏ bằng ngón tay, vậy mà vui lắm. Gian khổ, khó khăn vậy mà ai cũng ráng, không ai bất mãn, chán nản gì hết. Nếu mà chán nản thì đâu có sức mà chiến đấu được. Còn cô, các chị đi đánh trận nào mà không cho cô đi theo, phải ở nhà là cô chịu không được, nghe nó nôn nao, khó chịu buộc mình phải đi theo. Dù biết đi xong rồi về sẽ bị kiểm điểm nhưng vẫn đi. Nghe cái mùi thuốc súng, thấy cây súng là mê lắm”.

Từ khi đơn vị Đội Nữ ra đời năm 1965 và kết thúc chiến đấu năm 1975 là gần thập kỷ đầy biến động trong lịch sử đất nước. Tổ quốc trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất, vậy nhưng các cô vẫn kiên trì bám trụ trên vành đai diệt Mỹ. Sau ngày giải phóng, khi trở về với cuộc sống đời thường, “buông tay súng” các cô thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, cầm lấy “tay cuốc tay cày” xây dựng quê hương, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Đến nay, đã 40 năm hòa bình thống nhất, các cô giờ đây đã trở thành bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn cố gắng là điểm tựa để cho thế hệ con cháu cùng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ đất nước. Phát huy, trí tuệ, tài năng, sức khỏe của thế hệ trẻ để cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng, sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nơi quê hương Củ Chi “đất lửa hoa hồng”.

Thiên Lý


Số lượt người xem: 10851    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm