LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
6
3
5
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 04 Tháng Năm 2015 2:20:00 CH

Giáo dục Củ Chi vươn lên từ lòng đất

Ngày 30/4/1975 cột mốc lịch sử chấm dứt vĩnh viễn sự cai trị của thực dân, đế quốc bằng chiến thắng lịch sử vĩ đại mùa xuân năm 1975. Sau 40 năm của ngày đại thắng, người dân Củ Chi đang hân hoan bởi bây giờ đã khoác màu áo mới với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao. Trong nhiều niềm vui mới thì những người con Củ Chi đang tự hào bởi đã gây dựng được hệ thống giáo dục ngày càng hiện đại, chất lượng cao góp phần nâng cao dân trí, đào tạo những người con vùng Đất Thép thành những nhân tài, người có ích cho xã hội.

 Học trong lòng đất!

Mảnh đất Củ Chi là một trong những nơi gánh chịu những trận càn quét ác liệt nhất của quân địch. Trước muôn vàn khó khăn của chiến tranh, nhưng giáo dục Củ Chi vẫn nở hoa và phát triển rực rỡ. Đặc biệt là những năm đầu 1972, Trung ương Cục đã chi viện cho Củ Chi một đội ngũ giáo viên được đào tạo tại miền Bắc. Hai lớp học đầu tiên được xây dựng tại ấp Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng) và ấp Phú Thuận (xã Phú Mỹ Hưng) với mục đích thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo cho các xã khác. Gặp nhà giáo Nguyễn Khắc Hiền, một nhà giáo đi B vẫn còn nguyên cảm xúc những ngày tháng trực tiếp đứng lớp giai đoạn này. Ông nhớ lại: “Hồi đó làm giáo dục vất vả lắm, chiến tranh mà. Để động viên con em nhân dân đi học, trước lúc mở lớp các thầy cô giáo phải hòa vào sống cùng dân, đào công sự, dọn dẹp các vết tích của chiến tranh rồi tiến tới tổ chức học hát, học múa… Lớp học được mở tại nhà dân, bàn ghế là thùng đạn, thùng pháo, còn bảng viết là tấm ván ghép lại. Nhưng sinh hoạt tập thể vui lắm, khiến học sinh mê đi học, rồi ba mẹ cũng động viên, thích cho con đi học luôn”. Học trên mặt đất không được thì chuyển xuống hầm. Các lớp học lại được xây dựng thành các nhà hầm để chống oanh kích và pháo kích. Thầy cô giáo, học sinh và mọi người thi đua đào hầm phục vụ cho việc học tập. Cũng tại những căn hầm này, các em học sinh đang ngày đêm nắn nót từng con chữ và trau dồi những kiến thức quý báu cho tương lai. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng thi đua học tập. Sự chủ động, nhiệt tình của những thầy cô giáo tại vùng giải phóng đã mang lại thành quả hết sức mong đợi. Khi mở lớp chỉ có khoảng 20 em học sinh và một lớp bổ túc khoảng 4 em. Vậy mà đến cuối năm 1974 đầu năm 1975 đã có 284 em học sinh theo học. Ngoài ra còn có các lớp bổ túc ban đêm cho các học viên. Lớp học được mở ra rộng khắp, khí thế học tập lên cao, hân hoan chờ đón ngày tự do được học tập trên mặt đất với ánh sáng của niềm tin đại thắng.

Những ngày đầu gian khó!

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng Đất Thép là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Chính quyền cách mạng tuy đã có hệ thống giáo dục của mình nhưng trường lớp phần lớn đã bị phá hủy hoàn toàn. Vấn đề phát triển mạng lưới trường lớp đặt ra một cách hết sức cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh, chính quyền và nhân dân đã khẩn trương xây dựng 24 phòng học bằng khung nhà lắp ghép để tiếp nhận tất cả con em trong độ tuổi đi học đến trường. Năm học 1976 – 1977, thành phố và cơ quan UNICEF đã đầu tư xây dựng 51 phòng học bán kiên cố tạo thêm điều kiện cho các em học tập. Những năm tiếp theo, nhiều phòng học đã liên tiếp được đầu tư xây dựng. Sau 5 năm giải phóng, Củ Chi đã có 492 phòng học. Nhưng cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, thời điểm này là Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Sau giải phóng trường lớp liên tiếp được xây dựng. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đi học đông cho nên lớp học ngày có 3 ca. Trong đó, có đến 119 lớp học ca trưa, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của các em”. Bằng sự nỗ lực hết mình đầu tư cho giáo dục, 15 năm sau giải phóng huyện đã giải quyết được tình trạng trường học ba ca, chấm dứt lớp học ca trưa giúp các em có thời gian, môi trường học tập ổn định và tốt hơn.

Giáo dục nở hoa!

 

Mùa xuân sau 40 năm đại thắng, những người dân Củ Chi lại phấn khởi đón nhận nhiều niềm vui và hạnh phúc khi những quả ngọt của sự nghiệp “trồng người” đang chín rộ. Nhìn lại những năm qua với đầy nỗ lực và tự hào khi mà ngành giáo dục huyện tiếp tục gặt hái nhiều thành tích mới. Chất lượng giáo dục các bậc học tiếp tục được nâng cao. Bên cạnh đó, trường lớp được đầu tư, xây dựng góp phần làm cho quê hương Củ Chi khoác thêm chiếc áo mới hiện đại khang trang. “Củ Chi là một trong những địa phương có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia so với quận, huyện khác trong thành phố. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành giáo dục mà còn là bước đệm để giáo dục Củ Chi phát triển hơn nữa” đồng chí Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố đã nói trong lễ đón nhận trường chuẩn Quốc Gia tại trường mầm non Hòa Phú. Thật vậy! Đến nay, toàn huyện đã có 45 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất đạt chỉ tiêu Nghị Quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Trong đó, có 19 trường đạt chuẩn quốc gia theo 5 tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Không chỉ mạng lưới trường lớp phát triển vượt bậc mà phong trào học tập luôn được mọi thế hệ học sinh Củ Chi phát huy. Các em hăng say học tập rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng với truyền thống của ông cha. Nổi bật như năm 2012, chúng ta không khỏi tự hào khi huyện đã  được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục các bậc học. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 99,78% học sinh tốt nghiệp THCS. Chất lượng giáo dục nâng cao thể hiện rõ nét ở số lượng học sinh giỏi ở các cấp học đều tăng. Tiêu biểu như bậc mầm non bé khỏe, bé ngoan tăng 0,88% so với cùng kỳ hay bậc tiểu học học sinh giỏi tăng 2,98%, riêng bậc THCS có đến 300 học sinh được công nhận học sinh giỏi cấp huyện, 47 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Không những vậy, quả ngọt của ngành giáo dục còn được thể hiện rõ nét khi năm nay có đến 1.346 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt 59,98% (tăng 3,75% so với năm học trước), trong đó, có 608 em đậu vào các trường đại học công lập. Đây chính là sự thành công bước đầu tạo tiền đề cho học sinh phấn đấu học tập để trở thành những người con có tài, có đức cống hiến cho vùng đất anh hùng.

Những thành quả của giáo dục hôm nay đạt được là những quả ngọt cho sự nỗ lực không ngừng của Chính quyền và nhân dân Củ Chi dành cho công tác “Trồng người”. Có thể nói, 40 năm không dài so với sự nghiệp “trăm năm trồng người”, nhưng những thành tựu mà ngành giáo dục huyện đạt được đáng được ghi nhận. Giáo dục Củ Chi đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong việc đào tạo ra những thế hệ tương lai vừa hồng, vừa chuyên để làm công dân tốt, phục vụ cho công cuộc xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh và giàu đẹp.

THU HÀ


Số lượt người xem: 3242    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm