LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
5
3
3
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 01 Tháng Năm 2015 2:05:00 CH

Gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp giúp ổn định sản xuất

Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, trong nhiều năm qua huyện Củ Chi đã và đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính cũng như đáp ứng về nguồn lao động.

 

Hiện huyện Củ Chi có trên 2.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với gần 50 ngàn lao động. Phần lớn người lao động ngày càng ý thức việc thi đua sản xuất vì sự phát triển chung của doanh nghiệp và ổn định đời sống bản thân người lao động, từ đó mà quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tuy nhiên do bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và khó khăn chung của kinh tế trong nước, bên cạnh số doanh nghiệp được thành lập sản xuất kinh doanh thuận lợi, hàng năm số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động hoặc chuyển đi nơi khác cũng không ít.

Trước tình hình đó, trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Như thực hiện giãn, giảm nợ thuế; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng; cải cách thủ tục hành chính. Thường trực Huyện ủy, đại diện các phòng, ban cơ quan chức năng và đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện, hàng năm cũng đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết trực tiếp các kiến nghị của doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất.

Đặc biệt, 3 năm qua Huyện Củ Chi làm tốt chương trình “Gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp” giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất. Chương trình thật sự điểm sáng trong hoạt động của địa phương hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tiếp tục ổn định sản xuất. 3 năm qua đã có 74 doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ vốn với số tiền 759,4 tỷ đồng. Nếu như năm 2013, huyện đã giúp cho 16 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh trên địa bàn (doanh nghiệp vừa và nhỏ) được nhận vốn vay ưu đãi, với tổng số tiền là 267,7 tỷ đồng thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên 22 doanh nghiệp với tổng số vốn vay lên tới 428,8 tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả đạt được, đến năm 2015 thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ tịch UBND Thành phố, Lê Hoàng Quân về đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Huyện tiếp tục làm cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Đã giúp cho 32 doanh nghiệp nhỏ và nông dân sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được nhận vốn với tổng số tiền là 62,9 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi không quá 10% một năm.

Từ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, gắn kết với doanh nghiệp, trong thời gian qua huyện Củ Chi đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngược lại khi doanh nghiệp kinh doanh phát triển ổn định cũng đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của huyện trên các phương diện tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội; góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đúng hướng. Cụ thể, năm 2014 kinh tế của Huyện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 20,65% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước ước đạt 123% với phần đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất kinh doanh phát triển, chăm lo tốt cho người lao động, được huyện và tổ chức công đoàn tuyên dương các cấp. Đặc biệt ngày càng có nhiều nông dân (sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) được nhận vốn vay ưu đãi làm ăn vươn lên khấm khá, mở rộng quy mô sản xuất, giúp giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Điển hình như ở trại chăn nuôi heo Gia Phát của anh Trầm Quốc Thắng (thành viên của Hơp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong), ấp 8 xã Tân Thạnh Đông. Vào khoảng 1997 trại chăn nuôi heo Gia Phát có khoảng 180 heo nái, đàn nái tăng dần đến 2010 là 600 con nái và 3.000 heo thịt. Đến năm 2012 với tình khó khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, anh Thắng gặp khó khăn về vốn trong việc tiếp tục chăn nuôi tăng sản lượng tổng đàn. Theo anh Thắng vốn đầu tư chăn nuôi heo rất cao, để nuôi 1 con heo nái cho ra heo con, heo thịt thì phải cần 80 triệu đồng/nái, vì vậy để duy trì hoặc mở rộng sản xuất cần rất nhiều vốn.

Trong lúc gặp khó khăn về vốn anh Thắng được UBND huyện giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Anh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Củ Chi, Phòng kinh tế huyện, Sở nông nghiệp Tp HCM duyệt dự án vay vốn có hỗ trợ lãi vay để sản xuất heo giống với tổng số vốn mới cho dự án là 38,5 tỷ đồng, trong đó ngân hàng hỗ trợ cho anh 20 tỷ đồng.

Khi nhận được vốn anh Thắng mạnh dạn nhập 82 con heo giống từ Mỹ, Canada và Đài Loan và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình chăn nuôi heo công nghiệp và sản xuất heo sạch của Viện khoa học miền Nam, nhằm cung ứng ra thị trường nguồn sản phẩm heo sạch, chất lượng; tạo ra đàn heo giống mới, kháng bệnh có khả năng sinh sản và sinh trưởng cao. Từ cơ sở hạ tầng cũ với 600 nái và 3.000 heo thịt và qua nhập khẩu 82 con heo giống nước ngoài, đến nay trại chăn nuôi heo của anh Thắng đã nâng cấp và mở rộng trang trại lên công suất 1.080 heo nái và 21.000 heo thịt và hậu bị, cung cấp nguồn heo giống, heo con cho Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, thị trường Tp HCM và các tỉnh lân cận.

Anh Trầm Quốc Thắng phấn khởi cho biết, bên cạnh được hỗ trợ vốn, anh còn được Sở nông nghiệp, Chi cục Thú y Thành phố cung cấp những thông tin về dịch tễ cũng như chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình chăn nuôi heo VietGap, được công ty Vissan bao tiêu hoàn toàn sản phẩm heo thịt. Với đà phát triển này cùng với việc tiếp tục được UBND huyện giới thiệu nhận vốn vay ngày càng lớn từ Chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện, hướng tới trang trại của anh Thắng tiếp tục mở rộng sản xuất, nhập giống mới và lai tạo giống chất lượng hơn. Đặc biệt chú ý trong việc xử lý chất thải bảo vệ môi trường xung quanh, giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lao động cũng như phát triển kinh chung của địa phương

Hay như ở cơ sở mây tre lá Thiên Long chuyên sản xuất sọt tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan của bà Lê Thị Huých (ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ). Bắt đầu từ nghề đan lát của gia đình, năm 1992 bà Huých thành lập cơ sở Thiên Long với lao động chủ yếu là người thân trong gia đình. Đến năm 2013 ngoài người thân cơ sở của bà còn nhận khoảng 30 lao động làm việc tại chỗ và hơn 200 lao động lãnh hàng về nhà làm. Do sản phẩm sọt tre chất lượng, có uy tính nên ngày càng có nhiều khách hàng Đài Loan đặt mua và để mở rộng sản xuất khi đó cơ sở gặp khó khăn về nguồn vốn.

 

 Kịp thời lúc đó bà Lê Thị Huých được địa phương, UBND huyện giới thiệu nhận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Chi nhánh Củ Chi) qua chương trình “Gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp” với số tiền 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn này bà mạnh dạn đầu tư, nhập nguyên liệu giao cho nhiều lao động địa phương nhận về nhà làm, đáp ứng nhu cầu số lượng sọt tre của nhiều khách hàng. Đến nay cơ sở Thiên Long có 45 lao động làm việc tại cơ sở và 1.200 lao động nhận hàng về nhà làm, mỗi tháng xuất khoảng 94.500 sọt sang thị trường Đài Loan. Theo bà Lê Thị Huých, nếu sản xuất kinh doanh thuận lợi, trừ các khoảng chi phí cơ sở thu lợi mỗi năm khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở còn giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 1.245 lao động, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Hiện 45 lao động làm việc tại cơ sở có thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng; với 1.200 lao động nhàn rỗi nhận hàng về nhà làm thu nhập khoảng 2,7 triệu đồng/người/tháng. Công việc làm ăn thuận lợi, một năm sau ngày vay vốn bà đã trả hết vốn vay cho ngân hàng.

Bà Lê Thị Huých chia sẻ: “Với người sản xuất kinh doanh nguồn vốn rất là quan trọng. Đang lúc tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng vốn hiện có không đủ mua nguyên liệu, thuê mướn nhân công thì được địa phương giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất từ ngân hàng xem như khó khăn đã được giải quyết. Khi đó tôi không phải lo về vốn nữa mà tập trung làm sao để sản xuất ra nhiều sản phẩm, chất lượng, đáp ứng số lượng đơn đặt hàng cũng như giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo tôi thì chương trình “Gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp” này rất là hay, giúp cho doanh nghiệp mà nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết khó khăn về vốn để ổn định sản xuất”.

Chương trình gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp mang lại ý nghĩa thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với ý nghĩa thiết thực đó, hy vọng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tiếp tục được UBND huyện làm cầu nối, tháo gỡ khó khăn về vốn, ổn định sản xuất, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Củ Chi, phát triển chuyển dịch kinh tế đúng hướng.

Ngọc Nữ 


Số lượt người xem: 3079    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm