LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
2
6
4
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Tư 2015 9:15:00 SA

Những người lính Trung đoàn Thép ngày ấy và bây giờ

Trong ký ức của mình, những người cựu chiến binh Trung đoàn Thép không bao giờ quên những hình ảnh của ngày này 40 năm trước (29/4/1975) khi Trung đoàn hành quân tiến bước trong niềm tin quyết thắng, mở đường cho các cánh quân chủ lực giải phóng hoàn toàn Củ Chi, Hóc Môn tiến thẳng vào Sài Gòn chiếm giữ Tòa đô chính Gia Định.

 KÝ ỨC VẪN CÒN SỐNG MÃI

Trong một lần tham dự buổi họp mặt của Trung đoàn Củ Chi Đất thép, tôi được ngồi tâm sự cùng với ông, người một thời đã từng trải qua những năm của mưa bom bão đạn trong chiến tranh. Người chiến sĩ ấy chính là đại úy Tô Văn On. Sinh ra và lớn lên trên vùng “Đất thép” Củ Chi, mặc dù đã ở cái tuổi ngoài 70 nhưng ở ông vẫn một giọng nói sang sảng, đôi mắt cương nghị của một người chiến sĩ kiên trung.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bồi hồi nhớ lại: “Năm tui 2 tuổi thì bà già mất, ông già đi bộ đội 1945, cho nên mình cũng không được ăn học. Năm 1962 ông già cho tui đi học thiếu sinh quân ở miền Bắc, khi lên đến điểm tập trung thì nhận được tin là ông già bị giặc bắn chết. Tui vô trình với điểm tập trung là xin được về chôn cất ba. Sau đó tui xin đi du kích. Nhưng ông xã đội trưởng không cho đi, vì lúc đó tui còn rất nhỏ. Tui nói không được phải cho tui trả thù cho ba tui, chứ giờ không còn cách nào khác hết. Ổng thấy tôi quyết tâm quá nên cho tôi làm thư ký. Tui nói mẹ con chết, cha đi kháng chiến, con ít học, con học dở lắm, không biết viết. Cái ổng nói, thôi tao viết sao mày viết vậy”.  Năm ấy cậu bé On tròn 17 tuổi. Có lẽ đây là kỷ niệm theo suốt cuộc đời kháng chiến của ông và cho đến tận bây giờ. Mỗi lần nhắc lại, đôi mắt ông đượm buồn, giọng trầm hẳn xuống. Một sự mất mát quá lớn khi người cha dìu dắt ông từ thưở bé đã nằm lại nơi chiến trường, còn ngoài kia hàng vạn số phận con người không nhà cửa cũng vì chiến tranh. Lòng căm thù bọn ngụy quân, ngụy quyền chính là động lực thôi thúc ông quyết tâm theo cách mạng.

Năm 1964, ông tham gia Tiểu đoàn Quyết Thắng thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Bằng đôi mắt trĩu nặng suy tư ông nhớ lại chiến dịch Mậu Thân 1968, sau hai đợt tiến công vào nội thành, những đồng đội của ông trong Tiểu đoàn lần lượt ngã xuống, riêng ông bị thương nặng. Đến năm 1970, ông được chuyển về làm cán bộ Công an huyện Củ Chi và trước khi tham gia vào Trung đoàn Củ Chi đất thép ông đang giữ chức vụ Bí thư, Trưởng Công an xã Trung Lập Thượng. “Tui còn nhớ như in đầu năm 1975, đồng chí Ba Luân – Bí thư Huyện ủy gọi tất cả các bí thư ở các xã lên quán triệt. Ông nói: “Đảng và nhà nước ta quyết tâm giải phóng Sài Gòn, ở các nơi khác như Huế, Đà Nẵng đã giải phóng hết rồi, mình là người Củ Chi, mà Củ Chi là của Sài Gòn mà không tham gia thì không ra trò trống gì cả”. Nói là nói vậy chứ nghe đi giải phóng Sài Gòn thì bừng bừng khí thế rồi, dù trong bụng tụi tui còn chút lo như trận đánh Mậu Thân năm 1968”  - ông On tự hào kể lại.

Sau thời gian chuẩn bị lực lượng, sáng ngày 25/2/1975, Trung đoàn Củ Chi nhận lệnh tập kết tại xã An Phú. Ngồi đối diện, tôi có thể cảm nhận được khí thế bừng bừng của quân ta lúc đó thông qua từng cử chỉ hành động của ông. “Lúc đó một cánh quân chủ lực gồm pháo, xe tăng đã về từ lúc nào. Thấy cảnh tượng như vậy, bao nhiêu lo lắng trong tui tan biến hết. Anh em tụi tui gồm 3 đại đội với hơn 1.000 quân mừng khôn tả, reo hò vì tin chắc ngày giải phóng Sài Gòn tới nơi rồi. Vừa lúc đó, nhận lệnh Trung đoàn trưởng, tụi tui đi trước mở đường cho quân chủ lực theo hướng Tỉnh lộ 15 để bao vây Đồn Tân Thạnh Đông với khoảng 100 tên lính, nằm giáp với huyện Hóc Môn. Lúc tới đồn, mình phát loa kêu gọi đầu hàng, vận động gia đình ngụy quân nhưng chúng đâu chịu nghe, cứ nghĩ tình hình cũng như đợt Mậu Thân. Đến lúc thấy quân chủ lực, xe tăng rầm rầm tiến đến thì xin hàng cũng không kịp nữa” - ông On nhớ lại.

Ngày hôm đó, Trung đoàn Củ Chi tiếp tục tiến quân về Trung tâm huấn luyện Quang Trung (huyện Hóc Môn) của địch. Trong đêm 29 khi kéo quân xuống Hóc Môn, Trung đoàn ém quân chờ đến rạng sáng ngày 30/4, cùng với quân chủ lực, Trung đoàn Củ Chi bắt đầu nổ súng ở vòng ngoài. Không bao lâu sau, dưới lưới đạn trấn áp, khoảng 40 ngàn ngụy quân lột bỏ quần áo lính, giơ tay đầu hàng chạy ra ngoài cổng trước khí thế ngút trời của hàng ngàn chiến sĩ quân Giải phóng.

Các chiến sĩ của Trung đoàn Củ Chi nhanh chóng phát cho từng binh lính đầu hàng quyển “Chính sách khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời” và đồng thời cấp tốc trưng dụng hơn 100 xe vận tải quân dụng GMC và binh lính lái xe của chế độ cũ để đưa quân chủ lực và các chiến sĩ Trung đoàn tiến vào nội thành. Trên những con đường qua quận Gò Vấp để tiến về Tòa đô chính Gia Định, người dân tràn ra hai bên đường reo hò “quân giải phóng về Sài Gòn rồi”. Đúng 11 giờ 40 phút, Trung đoàn Củ Chi đã hoàn thành nhiệm vụ cắm lá cờ giải phóng trên Tòa đô chính Gia Định”.

NGƯỜI LÍNH TRUNG ĐOÀN THÉP VỚI TINH THẦN THÉP

 

Góp phần vào những chiến thắng oanh liệt của Trung đoàn Củ Chi Đất thép không thể không nhắc đến chiến công của một lực lượng, đó chính là những chiến sĩ trinh sát dẫn đường. Nhân vật mà chúng tôi muốn nói đến là Trung úy Hoàng Song Lam. Tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới lên 10 tuổi, ông Lam đã làm giao liên với nhiệm vụ đưa thư từ tại Đội biệt động 67A Sài Gòn – Gia Định. Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, trong một lần đi liên lạc ông đã bị giặc bắt tra tấn. Tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng ông Lam khi ấy một mực không khai. “Có lẽ vì ảnh hưởng từ cha tui, cả gia đình tui từ già đến trẻ ai cũng tham gia cách mạng. Mình lớn lên cũng đi theo truyền thống gia đình như lẽ tự nhiên thôi. Mà đã xác định đi thì không sợ gì hết” – ông Lam cười hiền chia sẻ.

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông được phân công về xã đội Tân Thông Hội. Đến năm 1972 ông về công tác tại Quân báo Củ Chi. Năm 1975, chàng thanh niên 21 tuổi Hoàng Song Lam bắt đầu với nhiệm vụ mới tại Trung đoàn 2 tên gọi khác của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép. Tại đây, ông được phân công hoạt động trinh sát với nhiệm vụ là bám sát địch, theo dõi hoạt động của địch và trinh sát dẫn đường cho đơn vị hành quân. “Khi Trung đoàn Củ Chi được lệnh đánh chiếm Tân Thạnh Đông thì tui nhận nhiệm vụ trinh sát dẫn đường cho Tiểu đoàn 3 đi từ An Nhơn Tây tiếp cận Tân Thạnh Đông và đảm bảo hành quân không lạc đường. Tháng 3/1975, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tui làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường Tiểu đoàn 3 đánh giải phóng Cầu Xáng, Trung tâm huyện Quang Trung (Hóc Môn). Đến sáng ngày 30/4/1975 tui được lệnh lấy các xe của địch chở Trung đoàn ta đánh chiếm Tòa Đô chính Gia Định” – ông Lam nhớ lại.

Khi nhìn về một góc trời xa xăm, đâu đó có những đồng đội ông đã nằm xuống cho đất nước này mãi màu xanh đã khiến ông không khỏi đau đáu, ray rứt. Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất? Ông Lam trầm tư trong giây lát để hồi tưởng lại những trận đánh mà ông đã đi qua. Ông kể, khoảng đầu năm 1975, ông dẫn đoàn cán bộ về họp dân ở Củ Chi. Ông được giao nhiệm vụ án ngữ, giữ cho hội nghị diễn ra an toàn. “Tui và các đồng chí Thủ, đồng Chí Lai, đồng chí Cường… đi vô Quốc lộ 22 án ngữ. Hai bên là nhà dân có rào dây kẽm gai. Tui bàn với các đồng chí là cắt dây kẽm để khi bị địch đánh úp thì có đường thoát chạy. Một lúc sau chỉ còn tui và đồng chí Cường, cũng là lúc cả đội quân của địch tiến đến. Lúc đó tui nghĩ nếu mình chạy thì mấy chú ngoài kia sẽ chết. Vừa thấy bóng thằng địch tiến đến tui và đồng chí Cường nhanh tay bóp cò. Tên chỉ huy bị bắn hạ, nên cả đội quân nhao nháo, bắn loạn xạ. Cuối cùng tôi và đồng chí Cường đã thoát khỏi vòng vây của địch”. Chỉ có lòng kiên cường, một tinh thần thép, mưu trí dũng cảm mà những người chiến sĩ trinh sát như ông Lam mới có thể chiến thắng kẻ thù trong giờ phút sinh tử như thế.

PHÁT HUY BẢN CHẤT NGƯỜI LÍNH BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Hôm nay, trang sử mới của dân tộc đã được mở ra, trang của sự đổi mới, phát triển và hội nhập khá vững chãi với thế giới trong quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cao độ, hình ảnh người lính “Bộ đội cụ Hồ” vẫn vẹn nguyên với vai trò tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới cùng toàn Đảng, toàn dân. Những người lính như Đại úy Tô Văn On, Trung úy Hoàng Song Lam luôn giữ một trái tim nồng nhiệt của người con Đất thép dành trọn cả cuộc đời cho đất nước. Cả hai ông xưa là đồng đội, nay tiếp tục cùng nhau xây dựng quê hương Củ Chi giàu đẹp. Đại úy Tô Văn On ngày ấy hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện. Còn người chiến sĩ với “tinh thần thép” Hoàng Song Lam lại là một hội viên tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi.

Phát huy vai trò của người lính Bộ đội Cụ Hồ, những người lính Trung đoàn thép năm xưa luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương, tích cực tham gia xây dựng và phát triển Hội cựu chiến binh huyện, phối hợp với các đoàn thể địa phương chăm lo đời sống, phát triển kinh tế gia đình của các hội viên. Xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục cho các thế hệ sau về truyền thống kiên trung, bất khuất, tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

Với trang sử vẻ vang 40 năm của Trung đoàn thép, những người con Củ Chi luôn tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường. Và bằng các việc làm thiết thực, những người lính Trung đoàn thép đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển “thay da đổi thịt” từng ngày trên vùng đất Củ Chi hai lần anh hùng

Hi Truyn


Số lượt người xem: 3808    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm