LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
4
0
6
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 30 Tháng Tư 2015 9:55:00 SA

Về nông thôn mới Củ Chi

Không những anh hùng trong thời chiến mà giờ đây Củ Chi còn anh hùng trong xây dựng nông thôn mới, là huyện đầu tiên của Thành phố có 100% xã đạt 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hãy về thăm Củ Chi để cùng chan hòa niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất thép với những thành quả tự hào trong xây dựng nông thôn mới. Củ Chi - vùng đất một thời gạt vỏ đạn, mảnh bom mới thấy đất, hôm nay đã bát ngát trong màu xanh mơn mởn của cây trái, của những vườn rau, sắc màu rực rỡ của những vườn hoa phong lan…

 Vùng đất một thời gạt vỏ đạn, mảnh bom mới thấy đất

Suốt 30 năm kháng chiến, Củ Chi - mảnh đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh với mệnh danh là pháo đài thép của cách mạng, là cái gai mà bọn thực dân, đế quốc muốn nhổ bỏ. Đế quốc Mỹ đã trút xuống vùng đất này 240.000 tấn bom đạn và hàng ngàn trận bố ráp, giày xéo. Nhưng với ý chí kiên cường, đánh đổi cả xương máu, chính quyền và nhân dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ, bám làng đánh giặc.

Đổ biết bao mồ hôi, xương máu và cả nước mắt, quân, dân Củ Chi đã dệt lên bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần quật khởi trong kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, xứng danh đất thép thành đồng và huyện anh hùng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, hàng chục ngàn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn hecta ruộng vườn bị cày xới, mặt đất nơi đây chỗ nào cũng loang lổ hố bom, cỏ mọc tràn lan, trong lòng đất còn ẩn chứa nhiều bom mìn… Hậu quả nặng nề của chiến tranh đã khiến cho nền kinh tế thuần nông của Củ Chi càng trở nên lạc hậu. Phần lớn ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm. Ruộng lúa, hoa màu bị sâu rầy tàn phá làm cho năng suất đã thấp lại càng thấp hơn khiến đời sống người dân vô cùng cơ cực, nhiều hộ luôn trong tình trạng phải cứu đói dài hạn.

Để bảo vệ thành quả của cách mạng, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Củ Chi đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể các cấp đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước. Coi việc giữ vững quốc phòng, an ninh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước phá vỡ thế độc canh và sản xuất tự cung, tự cấp tiến tới sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Củ Chi ngày nay đã không còn nghèo đói như trước, giờ đây vết tích chiến tranh đã lùi vào quá khứ và thay vào đó là hệ thống hạ tầng hiện đại, các công trình công nghiệp, những khu vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều. Phần lớn hệ thống giao thông đều được trải nhựa; hạ tầng cơ sở phát triển đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp và các công ty hoạt động cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn người dân trên mảnh đất này.

Về nông thôn mới Củ Chi!

 

Nếu như trước đây, đến Củ Chi, không ít người phải ngán ngại vì đường xá chật hẹp, mưa lầy, nắng bụi, thì nay đã hoàn toàn thay đổi. Thay vào đó là những con đường trải nhựa rộng rãi, bằng phẳng, xe chạy bon bon, rất thuận tiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Điều quan trọng là những con đường ấy có sự đóng góp không nhỏ của bà con nhân dân các xã.

Minh chứng cho điều này, chúng ta hãy đến xã Thái Mỹ để cảm nhận sự đổi thay nơi đây, để hiểu rõ hơn về những công trình do nhân dân và Nhà nước cùng làm trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Thái Mỹ Bùi Văn Luyến chia sẻ: “Trước khi xây dựng đề án, cơ sở hạ tầng của xã chủ yếu là đường đất, tre, trúc phủ kín hai bên nên lầy lội vào mùa mưa, mùa nắng nổi cát lên, qua lại rất vất vả”.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con đã ý thức được ruộng, đất nếu có được đường giao thông qua lại, bà con nông dân sẽ thuận lợi hơn trong việc vận chuyển phân tro ra ruộng cho người dân sản xuất và chở hàng nông sản đem bán được thuận lợi, dễ dàng hơn, nên cùng nhau hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Mặc dù có hộ ruộng đất ít, nhà cửa còn nhiều khó khăn, nhưng cũng vì lợi ích chung mà tham gia hiến đất. 100% hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất với 1.293 hộ dân hiến đất 264.655 m2 ước trị giá 105 tỷ 862 triệu đồng. Chỉ tính riêng tại ấp Bình Hạ Đông đã có 120 hộ dân tự nguyện tham gia hiến đất với diện tích 89.900m2 đất để xây dựng 5 tuyến đường trị giá 22 tỷ 250 triệu đồng. Là một trong số những người tiên phong trong việc hiến đất làm đường, ông Lê Văn Thinh chia sẻ: “Đường sá mở rộng, khang trang để phục vụ lợi ích thiết thực của người dân mình nên tôi và gia đình tôi sẵn sàng hiến đất”. Còn bà Lê Thị Huých, Chủ cơ sở Thiên Long chuyên sản xuất sọt tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan ấp Mỹ Khánh A vui vẻ: “Tất cả mọi người trong làng nghề đan đát khi được kêu gọi hiến đất làm đường thì sẵn sàng thôi. Con đường to, đẹp, sạch sẽ, rộng rãi sao lại không đồng ý. Cho nên khi đường mở tới đâu là người dân hưởng ứng tới đó, không phiền hà gì cả. Có con đường mới, vận chuyển hàng hóa cũng tiện hơn. Nói chung, thuận lợi cả đôi bề, ai cũng vui”.

Tiếp tục cuộc hành trình, từ Tỉnh lộ 7, chúng tôi ngược về đường Nguyễn Thị Rành đến xã Nhuận Đức. Đây là 1 trong 12 xã của Củ Chi được UBND Thành phố trao bằng công nhận xã nông thôn mới tại Hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2014 của Thành ủy vào đầu tháng 3/2015. Những con đường nhựa trải dài thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang cùng những vườn rau sạch xanh tươi mơn mởn làm chúng tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu, quên đi cái nắng gay gắt của những ngày tháng tư lịch sử.

 

Ông Nguyễn Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Nhuận Đức bộc bạch: “Diện mạo nông thôn Nhuận Đức đã và đang thay đổi từng ngày nhất là khi triển khai đi vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hợp lực, hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân, xã Nhuận Đức đã đạt kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể”. 

Ngoài những con đường ý Đảng lòng dân, ở Nhuận Đức còn nổi bật về kết quả qua thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, hiện thu nhập bình quân đầu người/năm là 40,63 triệu đồng và đạt theo chỉ tiêu kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Minh Trí cũng cho biết, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng rau, chăn nuôi heo, trồng cao su, chăn nuôi bò, trồng lúa, làm công nhân trong các công ty. Hiện xã cũng đã triển khai tập huấn các mô hình hay và cách làm tốt; đào tạo nghề; tuyên truyền về việc vay vốn với lãi suất ưu đãi;… để định hướng cho người dân chuyển dần diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất tiên tiến hiệu quả cao nhằm góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo chuẩn nghèo Thành phố năm 2014, tổng số hộ nghèo thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm hiện nay là 88/3.439 hộ (chiếm 2,58%).

Rời xã Nhuận Đức, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với xã Trung An cũng là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng của vùng đất thép. Anh dũng trong thời chiến, giờ đây chính quyền và nhân dân Trung An đã phát huy truyền thống quý báu đó, biết tận dụng tiềm năng và nguồn lực sẵn có để xây dựng thành công xã nông thôn mới. Bà con chủ động chuyển đổi các mô hình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Từ một xã nông nghiệp nghèo của huyện, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đi đáng kể, hiện còn 152/4.718 hộ, chiếm tỷ lệ 3,22% số hộ dân, 530 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,02% số hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40,9 triệu đồng/người/năm, không còn những ngôi nhà xập xệ mà thay vào đó là những ngôi nhà mới gạch ngói khang trang, bà con an tâm lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Hồ Văn Trớt (ngụ ấp Bốn Phú) không giấu được niềm vui của mình: “Nhờ chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang trồng cây lài, biết áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lài, hiện nay mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lời từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng lài, tôi còn nuôi thêm heo, bò sữa. Tổng thu nhập mỗi năm khoảng 250 – 300 triệu đồng. Con cái ăn học đàng hoàng, cuộc sống gia đình khấm khá là niềm hạnh phúc lớn đối với chúng tôi. Gia đình chúng tôi đã góp một phần nhỏ sức mình cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Củ Chi đã đi vào lịch sử với địa đạo vùng đất thép. Ngày nay, thành công trong xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một Củ Chi phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Với 19 tiêu chí cơ bản đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân vùng đất thép tiếp tục phát huy bản chất cần cù, hăng hái, sáng tạo, chung lưng đấu cật để giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới, tạo đà cho sự cất cánh của vùng đất thép trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Bích Ngân


Số lượt người xem: 3432    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm