LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
0
8
7
0
TIN TỨC SỰ KIỆN 29 Tháng Tư 2015 9:45:00 SA

Huyền thoại về người anh hùng vùng đất thép

Nhắc đến “Đất thép thành đồng” là chúng ta nhớ về Củ Chi vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng cũng không ít những chiến công oanh liệt của một thời mưa bom, bão đạn…nhớ về những con người, những chiến sĩ, những du kích Củ Chi súng trường, áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, thoắt ẩn thoắt hiện, với cách đánh tài tình mưu trí quả cảm làm bạt vía quân thù. 40 năm đất nước độc lập, Củ Chi hôm nay đang khoác lên mình chiếc áo mới của ấm no. sung túc. Trong những bài học lịch sử của các em học sinh nơi đây, những câu chuyện kể về truyền thống quê hương, có một nhân vật luôn xuất hiện trong các bài học và các mẩu chuyện kể: đó chính là ông Tô Văn Đực - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN

Mẹ mất sớm, anh út Đực (tên gọi của anh hùng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực) phải làm thuê làm mướn nuôi thân. Từ Xóm Bưng, Nhuận Đức Củ Chi, anh qua Sông Bé, Đồng Nai làm đủ các nghề. Năm 1960 Đồng Khởi nổ ra, khí thế hừng hực của Đồng Khởi Bến Tre dấy lên mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Bộ. Từ Đồng Nai người thanh niên Tô Văn Đực trở về quê, xin gia nhập lực lượng du kích xã Nhuận Đức khi vừa tròn 20 tuổi. Hành trang anh mang theo con đường binh nghiệp là nghề sửa xe đạp, và kỹ thuật cơ giới mà anh học được từ những năm tha phuơng kiếm sống. Chỉ huy xã đội Nhuận Đức phân công út Đực vào công trường sản xuất vũ khí của xã. Bằng những dụng cụ thô sơ và những sáng kiến cải tiến của anh, xưởng đã sản xuất ra các loại súng: súng ngựa trời, súng trường, súng carbin, súng K54 và colt 12ly. Bước sang đầu năm 1965 chuyển sang nghiên cứu làm mìn gạt, tên tuổi của anh với trái mìn gạt chống xe tăng M113 – M118 được biết đến nhiều nhất vì đã gây ra nhiều tổn thất cho quân thù. Chuyện làm mìn gạt cũng diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, trong trận càn Crimp của Mỹ vào đầu năm 1966 có quy mô lớn, càn quét sâu vào vùng giải phóng với dã tâm của quân thù phá sạch giết sạch. Đối mặt với dã tâm của quân thù, các đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ du kích lúc này canh cánh nỗi lo vì vũ khí đạn dược cho du kích có hạn làm sao để ngăn chặn các trận càn này để bảo vệ dân, anh du kích: Tô Văn Đực ngày đêm không ngủ và tự nhủ “sao không chế ra mìn đánh xe tăng”. Và từ các loại bom bi máy bay Mỹ rải thảm xuống làng mạc còn sót lại chưa kịp nổ Tô Văn Đực đã sáng chế thành loại mìn gạt. Chiến công đầu tiên là mấy thằng chiến xa M113-118 phải bức xích bỏ thây sắt ở chiến trường. Từ kết quả này, anh vừa sản xuất mìn chống tăng kịp thời cung cấp cho du kích, vừa cùng anh em du kích trực tiếp chiến đấu để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng mìn. Chính vì thế mà những trái mìn gạt, mìn gài, những bệ phóng bom bi ra đời, làm thiệt hại hàng chục xe tăng của địch và góp phần cùng du kích các xã bẻ gãy trận càn Grimp và nhiều trận càn khác vào điạ đạo Củ Chi, tạo niềm tin và khí thế tiến công “Tìm Mỹ mà diệt” của du kích Củ Chi lúc bấy giờ. Từ sáng kiến này anh được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 22 tuổi. Quá trình sản xuất và chiến đấu ông được tặng thưởng 04 Huân chương các loại và các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt xe tăng bằng chính những trái mìn do mình làm ra. Đặc biệt là danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng” được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng tại Đại hội liên hoan anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ II toàn miền Nam ngày 17/9/1967.

SÁNG NGỜI PHẨM CHẤT ANH HÙNG 

Sau ngày 30/4/1975, ông tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang thành phố với chức vụ Trung đoàn phó kỹ thuật Trung đoàn Gia Định. Đến năm 1992 ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Thời gian đầu rời quân ngũ ông mở một cơ sở cơ khí chuyên sửa xe cải tiến ở Hóc Môn nay là quận 12 để có thêm thu nhập cùng vợ nuôi các con ăn học. Đến năm 2000, con trai lớn ra trường có việc làm ổn định, ông về quê nhà ấp Xóm Bưng mua lại mảnh đất ruộng phèn sình lầy. Ông ra sức thao chua, rửa phèn, đào mương lên liếp trồng cây ăn trái, trồng rau, chăn nuôi heo. Để đầu tư cho sản xuất ông đã dùng lương hưu của hai vợ chồng đi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi ở các tỉnh đem về ứng dụng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ xưa vợ ông (cũng là trung tá công an nghỉ hưu) hái nhành mận đầy trái mời chúng tôi, vừa ăn mận vừa nghe tiếng lá hát xào xạc cùng tiếng kêu của những con cu đất, những tiếng sáo gọi bầy trong khu vườn nhà ông làm chúng tôi như quên đi sự vất vả trong lao động. “Về đây sinh sống cứ mỗi chiều về nghe tiếng chim kêu, lòng lại quặn thắt nhớ về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Nhớ về những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, cái may của tui là còn sống chứng kiến độc lập thanh bình nên cho dù thế nào đi nữa tui cũng phải ráng để không phụ lòng họ” - Ông nói.

Với tinh thần người chiến sĩ quân giới năm xưa, ông tìm lại đồ nghề cơ khí làm một số dụng cụ và mìn (mô hình) trao cho Nhà truyền thống huyện trưng bày phòng vũ khí tự tạo của quân dân Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh. Với tư cách là một nhân vật lịch sử ông thường xuyên kể cho lớp trẻ nghe về những ngày tháng chiến đấu ác liệt của nhân dân Củ Chi. Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Củ Chi, giải phóng Miền Nam có rất nhiều đoàn làm phim, phóng viên báo chí trong và ngoài nước tìm đến viết về Củ Chi hôm nay. Trong đó, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực được tìm đến nhiều nhất để khai thác và viết về những chiến công của quân dân Củ Chi, về những đồng chí đồng đội của ông đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Củ Chi, giải phóng miền Nam.

Những ngày tháng tư này, chúng tôi được gặp lại người anh hùng mìn gạt huyền thoại của Củ Chi đất thép. 74 tuổi đời, trên 50 tuổi Đảng, Anh hùng mìn gạt năm xưa, giờ trở thành người ông của những đứa cháu và tiếp tục có những đóng góp cho quê hương với mái đầu đã bạc màu theo thời gian. Tiếp xúc với ông, chúng tôi nhận ra sự bao dung độ lượng và cốt cách của một anh hùng dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ trọn lời thề, khí tiết, kiên trung, với cách mạng với nhân dân.

DUY NHÂN


Số lượt người xem: 12475    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm