LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
0
5
3
3
4
TIN TỨC SỰ KIỆN 20 Tháng Năm 2011 10:20:00 SA

MỘT THỜI “TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM” - NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ chiến trường, lấy “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau ngày đất nước thống nhất cũng với lời ca tiếng đàn của mình họ góp phần xây dựng quê hương đất nước.

 Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ chiến trường, lấy “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau ngày đất nước thống nhất cũng với lời ca tiếng đàn của mình họ góp phần xây dựng quê hương đất nước.

ĐÔI VỢ CHỒNG ÚT HƯNG – ĐOAN PHƯỢNG VÀ TRÀO VĂN NGHỆ VÀO NHỮNG NĂM 1983 – 1997 Ở CỦ CHI:
               
 
Ở đất Củ Chi này khi nói đến vợ chồng của chú Út Hưng và cô Đoan Phượng người ta đều nhắc đến tiếng đàn kìm trầm bổng nhặt khoan của chú Út Hưng và giọng ca ngọt ngào trầm ấm của cô Đoan Phượng. Cô chú tham gia cách mạng từ năm 1960 là hạt nhân nòng cốt của Đoàn văn công Củ Chi lúc bấy giờ. Gần một năm sau cả cô chú được rút về Đoàn văn công khu Sài Gòn – Gia Định, tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và bà con ở những vùng căn cứ cách mạng. Những địa danh như Bàu Trăn - Bến Đình xã Nhuận Đức, Hố Bò xã Phú Mỹ Hưng, Ba Sa -  Bàu Điều xã Phước Hiệp, Gia Bẹ - Xóm Mới xã Trung Lập, Mũi Lớn xã Tân An Hội…., đều in đậm dấu chân của cô chú. Có những năm cô chú còn hành quân về Cà Mau, Cần Thơ, tập kết ra Bắc, sang Campuchia… nơi đâu cũng là sân khấu để cô chú cùng với đồng chí đồng đội cất cao lời ca tiếng đàn. Thời ấy, những bài ca như “Nỗi lòng người mẹ bán con”, “Bài ca ấp chiến lược”, “Bài ca địa đạo”, … do cô Đoan Phượng thể hiện bên cạnh tiếng đàn kìm trầm bổng nhặt khoan của chú Út Hưng luôn làm nóng sân khấu và hun đúc thêm tinh thần yêu nước, quyết chống giặc ngoại xâm và cổ vũ bộ đội ta kiên cường đánh giặc. Khi nhắc đến cô Đoan Phượng – nhiều người không thể quên những vai diễn của cô thường là những bà mẹ như ca cảnh “Má”, vở cải lương “Rừng cao su nhuộm máu”, kịch vui “Lại thầy cứu chúng con” trong vai Ngô Đình Diệm và nhiều vai diễn ấn tượng khác. Còn đối với chú Út Hưng, nhiều người thường nhắc đến ngón đờn kìm rất “mùi” và chính chữ và những ca cảnh, những bài vọng cổ chú viết để phục vụ chiến trường như bài “Bài ca binh vận – viết 1965, “Ca cảnh nổi dậy” – viết 1972 cùng nhiều tác phẩm khác vào các thời điểm khác nhau.
Sau giải phóng, cô chú từng là lãnh đạo của Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, rồi Đoàn cải lương tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1982 cô chú về quê hương Củ Chi, chú Út Hưng làm Phó Phòng Văn hóa – thông tin, phụ trách Nhà truyền thống, còn cô Đoan Phượng là Bí thư Chi bộ và là Chủ nhiệm Nhà văn hóa huyện. Chính cô chú đã vực dậy phong trào văn nghệ đàn ca tài tử và cải lương ở Củ Chi vào những năm 1983 – 1997. Chú Út Hưng là người khởi xướng ra Giải bóng đá du kích Củ Chi và lấy bài “Củ Chi đất lửa hoa hồng” làm nhạc hiệu phát sóng trên Đài truyền thanh huyện. Vào những năm 1985 – 1987 chú sáng tác hàng loạt vở cải lương và đã đào tạo nên một thế hệ đàn ca tài tử, khá tên tuổi trong phong trào văn nghệ quần chúng lúc bấy giờ. Cho đến nay, nhiều anh chị vẫn còn là hạt nhân cho phong trào văn nghệ đàn ca tài tử của huyện.
 Hiện nay vợ chồng cô chú sống tại khu phố 8 thị trấn Củ Chi, dù tuổi cao sức yếu không còn đi đây đó đàn ca sướng hát phục vụ người nghe như trước. Tuy đã vắng giọng ca của cô Đoan Phượng và ít được nghe tiếng đàn của chú Út Hưng, nhưng những hình ảnh, những ký ức về đôi vợ chồng nhạc sĩ – nghệ sĩ ấy, một cây đại thụ của làng nhạc tài tử cải lương ở Củ Chi vẫn sống mãi trong lòng người.
NGƯỜI LUÔN HẾT LÒNG VÌ “TIẾNG HÁT”:
 
Những ngày đầu đến với Đoàn văn công giải phóng đã cho chú Hoàng Trung rất nhiều kỷ niệm và không thể nào quên. Từ nhỏ vốn đã mê ca hát, năm 1968 chú vào Ban tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định, qua những buổi liên hoan, hội họp, thấy chú biết ca hát, nhạc Sĩ Quốc Thạnh – lúc bấy giờ là lãnh đạo của Đoàn văn công giải phóng Khu sài Gòn – Gia Định đã “bắt” chú về đây. Những vở cải lương như “Cây sầu riêng trổ bông”, “Lá thư của Hiếu”, “Cách chim quê hương”… chú đã cùng các cô chú diễn viên nhạc công của Đoàn dàn dựng và đi phục vụ khắp nơi trên đất Củ Chi thời bấy giờ… Chú không sao quên được những lần đi phục vụ chiến trường Củ Chi như Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Trung Lập… Chú nhớ có thời điểm chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ bố ráp dữ dội, đội xung kích của chú lần đi cả 4 đêm mới phục vụ được cho bà con ở ấp Trung Hòa. Nói về kỷ niệm một thời “Tiếng hát át tiếng bom” của mình, chú xúc động nhớ lại: “Năm 1971 một đội xung kích chỉ có 6 người, gồm Thu Hương, Ngọc Cẩm, Quốc Hùng, Thành Nghĩa và Thanh Hùng về chiến trường Củ Chi đóng đô ở một góc hầm địa đạo xã Nhuận Đức để ban ngày phục vụ cho bà con trong ấp chiến lược ở Trung Lập, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông ra đây làm ruộng rẫy. Hôm đó, lúc chú đang hát bài vọng cổ “Cánh chim quê hương”, khán giả đang ngồi say sưa theo dõi, thì pháo địch bắn đạn rơi gần nơi chú diễn, chú sợ định bỏ sân khấu chạy vào, thì bỗng chú nghe tiếng anh Thành Nghĩa nhắc: “Trung mầy ca tiếp đi, mày mà bỏ vô bà con người ta chạy hết thì sao”, chú như chợt tỉnh và tiếp tục ca đến hết 6 câu vọng cổ. Bà con vẫn ngồi xem vỗ tay hoan nghênh và đội văn nghệ của chú vẫn diễn xong một chương trình gần cả 2 tiếng đồng hồ”.
Chú đã gắn bó với Đoàn đến sau ngày quê hương giải phóng. Về Sài Gòn chú là Phó đoàn Đoàn cải lương giải phóng, vừa phụ trách nghệ thuật chú lại làm diễn viên đóng cặp với nghệ sĩ ưu tú Lệ Thủy trong vở cái lương “Cây sầu riêng trổ bông”. Những lúc rảnh rỗi chú lại sáng tác nhiều bài ca cổ về Củ Chi như “Cô ý tá trên nông trường bò sữa”, “Đò chiều Bến Súc”, “Giao lương ngày hội”, “Chiều sâu lòng đất”… được các anh chị em Đoàn cải lương Đất Thép ca phục vụ đây đó trong huyện và vở cải lương “Trăng sáng miền cao” được công diễn trên sân khấu bởi Đoàn cải lương Sài Gòn 2. Sau đó chú về làm Phó giám đốc liên đoàn cải lương Sài Gòn (sát nhập cả 3 đoàn cải lương Sài Gòn 1, 2 và 3 lúc bấy giờ) cho đến năm 1997 chú về nghỉ hưu ở ấp Phú Thuận xã Phú Hòa Đông làm kinh tế bằng việc mở Tổ hợp tác bánh tráng xuất khẩu Hoàng Trung. Thời gian này chú đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ của huyện và là cha đẻ của Đội văn nghệ xã Phú Hòa Đông, sau đó đổi tên thành Đoàn Văn Công xã Phú Hòa Đông. Đây là xã duy nhất của huyện thành lập được một Đoàn văn công mà chú là người có công rất lớn từ việc đầu tư phục trang, âm thanh ánh sáng và đóng góp cả một ít kinh phí để bồi dưỡng anh em lúc tập luyện và đi biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài xã.Chú đã đào tạo nên một lực lượng nòng cốt cho Đoàn, sau đó là nòng cốt cho Đoàn cải lương Đất Thép Củ Chi sau này vào những năm 1986 – 1990.
Hiện giờ ngoài làm kinh tế bằng dịch vụ du lịch Hoàng Trung, thời gian rảnh rỗi chú còn được Trung tâm văn hóa huyện mời làm giám khảo chấm điểm cho các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ cấp huyện và vẫn thường biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con ở các xã. “Còn hơi thở là chú vẫn còn hát, bởi dòng máu cải lương, đam mê ca hát đã ăn sâu trong người chú thì làm sao chú từ bỏ cho được. Ngày xưa còn trai trẻ đi làm cách mạng bằng tiếng hát, thì giờ đi tuổi đã cao, sức yếu mình cũng lấy tiếng hát để động viên cổ vũ mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất làm giàu cho bản thân, làm đẹp cho quê hương đất nước. Như vậy cũng ý nghĩa cho quảng đời còn lại của chú lắm rồi”.     
NGƯỜI VỰC DẬY PHONG TRÀO VĂN NGHỆ Ở CÁC XÃ PHÍA BẮC:
Đó là ông Nguyễn Tấn Lập hiện đang ở tại ấp Trung Hòa xã Trung Lập Hạ. Từ một nhạc công với cây đàn sến cùng cây đàn Măngđôlin của Đội văn nghệ ấp Đồng Lớn xã Trung Lập vào năm 1961, đến năm 1963 ông vào Đoàn văn công Củ Chi học chơi đàn Phong cầm (hay còn gọi là đàn Accocdiong…), đến năm 1964 về Đoàn văn công Khu Sài Gòn – Gia Định, năm 1968 là Phó Đoàn và năm 1981 là Trưởng Đoàn cho đến ngày giải phóng. Cùng với anh em văn nghệ sĩ trong Đoàn ông đi đây đó phục vụ, lúc thì tay đàn, lúc thì hát trên khắp các chiến trường ở Củ Chi. Sân khấu dã chiến được dựng tạm trên một mô đất trống bằng một tấm phông, ông cùng anh em trong Đoàn say sưa ca hát. Có đêm đang biểu diễn phục vụ du kích và bộ đội địa phương, bị địch pháo kích, đạn pháo nổ vang dội mà mọi người vẫn không ngưng tiếng hát tiếng đàn.
Sau giải phóng ông làm Phó Phòng văn hóa - thông tin huyện Củ Chi và gầy dựng nên phong trào văn nghệ của địa phương, những tên tuổi lúc bấy giờ trong Đội văn nghệ của Củ Chi do ông đào tạo nên như Lương Bảo, Ngọc Anh, Thanh Phong, Thanh Nền, Minh Phương, Ngọc Mỹ, Bảy Lập, Minh Phú, Tám Tế… Năm 1977 ông được điều động về làm Giám đốc Quốc doanh chiếu bóng huyện và đến năm 1983 làm Chủ nhiệm Nhà hát An Nhơn Tây cho đến năm 1994 về nghỉ hưu. Về ấp Trung Hòa, thấy con cháu mê ca hát nhưng không có ai chỉ dẫn, thiếu tính phong trào, vậy là ông đứng ra quy tụ một số anh chị em làm nòng cốt như ông Hai Thủy,Văn Thạnh để thành lập đội văn nghệ. Ban đầu thành viên tham gia chỉ điểm trên đầu ngón tay, mà trong đó có cả những em thiếu nhi. Bài hát mà ông chỉ dẫn thường là những bài hát, điệu múa trong kháng chiến hoặc những điệu lý do ông và ông Hai Thủy cải biên, trong đó có những bài do sáng tác như bài vọng cổ “Vành đai xanh thành phố”, bài nhạc “Hồi kèn ấp văn hóa”… Mười mấy năm nay, qua sự dìu dắt của ông đã có hơn 100 thành viên đã biết ca hát, biết đàn và thường đi phục vụ các cuộc họp, hội nghị của huyện, xã nhà và cả ở các xã bạn trong huyện, cũng như đi giao lưu đàn ca tài tử ở Tây Ninh. Nòng cốt là các anh chị Khắc Mẫn, Hồng Đào, Minh Quăn, Hoàng Hai… Có người giờ đã thanh danh như nghệ sỹ Thy Nhung quê ở xã An Nhơn Tây. Hiện nay, ngoài Đội văn nghệ của xã Trung Lập Thượng, ông còn tổ chức Đội văn nghệ liên xã cụm giải phóng của như Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức và Phú Mỹ Hưng với hơn 50 thành viên. Dù đã ở tuổi 70 nhưng ngày ngày với cây đàn Sến và đàn Organ cùng đội văn nghệ đi phục vụ đây đó, ông như thấy mình trẻ và khỏe ra.
Nói về một thời hào hùng của mình, ông chia sẻ: “Trong kháng chiến có nhiều kỷ niệm khó quên. Lúc đó tôi còn nhỏ, anh Hai Kim làm trưởng Đoàn, anh Quốc Thạnh có viết bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng” đưa tôi đàn Măngđôlin dạy cho anh em hát. Giọng tôi hát nhỏ nhẹ, anh Quốc Thạnh nói, hát vậy sao được, bài này là phải ca cho hùng hồn, khí thế lên chứ. Đi đánh giặc, cổ vũ mọi người giết giặc mà hát vậy chết rồi. Chính vì vậy bài hát này tôi là một trong những người hát đầu tiên và nhớ mãi lời bài hát đến hôm nay. Sau giải phóng có người về viết sử cho Củ Chi, tôi đề nghị đưa bài vọng cố soạn giả Phạm Sang “Hoa hồng trên đất thép” vào trong sách sử, ông ta không đồng ý và tôi hát thử bài “Củ Chi đất lữa hoa hồng” cho nghe, ông ta đồng ý liền và kêu tôi phải biên soạn lại bài hát đó bằng những nốt nhạc từ cây đàn Măngđôlin. Từ đó, bài hát được phổ biến có nhạc và lời như hiện nay mà dân Củ Chi mình ai cũng biết hát và hay hát. Và sau đó chú Út Hưng đã đề nghị đưa bài hát này làm nhạc hiệu cho Đài truyền thanh huyện. Mỗi lần nghe đài là mỗi lần tôi lại nhớ về một thời khói lửa đầy niềâm tin và quyết thắng cũng như rất nhớ anh Quốc Thạnh”. Giọng ông lại nghẹn ngào, ngấn lệ.
NGƯỜI LUÔN KHÁT KHAO ĐƯỢC HÁT:
Về vùng đất anh hùng này, chúng tôi gặp cô Hồng Nhung. Mới ngày nào là một cô bé mới 8 tuổi đầu đã tham gia vào Đoàn văn công, thì giờ đây cô đã bước vào tuổi lục tuần. Từ cái tên Rưng do cha mẹ đặt cho, thay vào đó là cái tên Hồng Nhung được cô Đoan Phượng đặt cho cô sau khi cùng tham gia vào Đoàn văn công Khu sài Gòn – Gia Định.  Dù năm tháng thời gian phôi pha nhưng trên gương mặt cô vẫn còn đọng nét duyên. Yêu ca hát, và quan trọng hơn từ lý tưởng cách mạng, cô quyết tâm theo đoàn văn công từ nhỏ bằng những vai diễn “con nít”.
Sau vai diễn đó, lần lượt Đoàn có thêm những vở trong đó có vai con nít mà cô diễn rất đạt như “Lộn số nhà”, “Người tù Côn Đảo”, “Chỉ một con đường”, “Tòng quân đi hay ở”, “Tình quân dân”… “Nhớ hồi đó, mỗi lần đi diễn, các anh các chú phải cõng tôi trên vai. Lúc thì chú Năm Sang, anh Mười Tiên, khi thì anh tám Hẹ, anh Chín Nỉ, anh Bảy Phăng... thay nhau cõng tôi băng rừng lội suối, có bữa ngủ gục trên vai mấy anh mấy chú sợ tôi té phải nhéo cho tôi tỉnh ngủ”.  Lớn lên một chút cô được tham gia vào tốp ca, múa và hát nhiều bài hát như “Gậy ông đánh cụp lưng ông”, “Con cua sắt”, “Hoa hồng trên đất thép”, “Củ Chi đất lửa hoa hồng”,… trong đó có bài “Về đi anh, bức tâm thư” tôi hát khi đi binh vận, kêu gọi bọn ngụy rã ngũ quay về với chính nghĩa. Cô nhớ nhất là những lần đi binh vận ở bót Bàu Tre, Cây Trôm, Phước An, Suối Sâu, Đồng Chùa, Trung Hòa… súng đạn giặc bắn dữ dội, nghe rát cả tai nhưng cô vẫn hát mà không hề run sợ. Rồi những đợt phục vụ ấp chiến lược cho bà con xem, đêm đêm nhìn bà con đốt đèn cầy, đèn dầu ngồi xem hát, các cô chú rất phấn khởi, đàn hát không biết mệt. Vui nhất là những đêm phục vụ văn nghệ cho các anh bộ đội xem, có lần diễn xong các anh nấu cơm, làm thịt gà đãi cho đoàn, còn các anh thì chỉ ăn rau muống xào với đậu phọng rang muối. Thấy vậy, mọi người mời các anh cùng ăn chung, vừa vui mà vừa thắm đượm tình cảm, bởi thời ấy “Bộ đội mà gặp văn công, như cá gặp nước như mây gặp rồng” là thế. Nhớ những chuyến phục vụ dưới hầm, dưới địa đạo, công sự, người hát nhiều hơn người nghe nhưng bầu nhiệt huyết của người làm cách mạng bằng lời ca tiếng đàn vẫn vang lên, cô đã cùng với đồng nghiệp của mình viết tiếp những trang sử hào hùng của một thời đầy kỷ niệm.
Giờ đây trong ngôi nhà ở khu phố 3 – thị trấn Củ Chi, cô mở quán nước nho nhỏ bán vài ly cà phê và nước ngọt nhưng rất đầm ấm và hạnh phúc bên cạnh chồng cùng hai người con nay đã trưởng thành. Mặc dù phải lo cho cuộc sống gia đình, nhưng cô luôn dành thời gian đi phục vụ văn nghệ, khi thì trong huyện, lúc về thành phố và thậm chí đôi ba lần ra cả miền Bắc biểu diễn tại các hội nghị, hội diễn theo lời mời của bạn bè, của các đơn vị. “Niềm vui của người làm ca hát là vậy, hát và khát khao được hát, được phục vụ người xem. Với tôi không gì vui bằng được hát và hát mãi” – cô đã tâm sự như thế.
LỜI KẾT:
Chiến tranh lùi xa, tiếng hát lời ca năm nào đã thấm vào hồn thiêng sông núi. Bước chân của anh chị em của Đoàn Văn công ở Củ Chi vẫn như còn in dấu khắp nơi. Chiến trường khốc liệt, chính những “tiếng hát át tiếng bom” ngày ấy của các cô các chú đã nâng sức mạnh tinh thần của quân và dân ta, gieo vào lòng người một niềm tin tất thắng. Và sau ngày quê hương giải phóng, thống nhất đất nước họ lại đem tiếng hát tiếng đàn góp phần xây dựng quê hương. Những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã làm rạng danh lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã thấm sâu trong trái tim người nghệ sĩ của Đoàn văn công trên đất Củ Chi, giúp họ làm tròn sứ mệnh với quê hương đất nước.
PHƯỢNG ANH                                           

Số lượt người xem: 9557    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm