LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
6
1
7
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 28 Tháng Năm 2011 3:10:00 CH

HỘI PHỤ NỮ TRUNG LẬP HẠ:THỂ HIỆN VAI TRÒ NÒNG CỐT THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH “NƯỚC SẠCH – VỆ SINH MÔI TRƯỜNG”

 

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp bách của người dân, và là một trong những trọng tâm ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Tham gia vào chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi truờng nông thôn, Hội phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành viên tích cực tổ chức triển khai hiệu quả nhiều hoạt động góp phần từng bước cải thiện môi trường sống của người dân khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường ở Trung Lập Hạ đã có nhiều khởi sắc, đến nay, khoảng 98% người dân sử dụng nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Từ đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng dân cư nông thôn. Để có được kết quả đó, Ngoài những hoạt động chuyên môn thì việc tham gia bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư trong thời gian qua mà Hội phụ nữ xã Trung Lập Hạ coi đó là vai trò nòng cốt của tổ chức Hội.
BẮT NGUỒN TỪ THỰC TRẠNG….
Thời gian trước đây, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu dân cư trên địa bàn xã Trung Lập Hạ tuy không lo ngại nhưng cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm, cần giải quyết của chính quyền địa phương. Điển hình ở ấp Đồn và ấp Lào Táo Trung thường xảy ra khiếu nại về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trong sinh hoạt giữa gia đình lân cận với nhau. Nguyên nhân do cơ sở vật chất trong chăn nuôi chưa đạt yêu cầu của việc sản xuất sạch, sản xuất thân thiện với môi trường; sự hiểu biết sâu về tác hại của việc sống trong môi trường bị dơ bẩn cũng như ý thức của người dân chưa cao. Chính vì lẽ đó nước thải trong sinh hoạt, trong chăn nuôi bà con cho chảy ra đường hay tận dụng bất cứ chỗ nào để là nơi chứa rác thải. Còn vấn đề nhà vệ sinh bà con làm tạm phía sau vườn hay dựng tạm trên ao cá. Hậu quả gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống của bà con và gây ra nhiều loại dịch bệnh.
…ĐI ĐẾN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÓ HIỆU QUẢ
Trước thực trạng đó, để tăng hộ gia đình trên địa bàn xã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, năm 2005, ngoài các nguồn kinh phí hỗ trợ cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình Hội phụ nữ còn có nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hầm biogas, và đến năm 2009 có thêm nguồn vốn hỗ trợ xây nhà vệ sinh tự hoại. Nguồn vốn này đem lại làn gió mới, tạo điều kiện cho người dân nhất là những hộ khó khăn có điều kiện xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà vệ sinh làm giảm bớt trình trạng ô nhiễm. Hội phụ nữ xã vận động, điều tra hộ có nhu cầu thì cho vay vốn xây dựng, với số tiền là 3.800.000 đồng đối với xây nhà vệ sinh và 6.000.000 đến 9.000.000 đồng đối với xây hầm biogas. Hình thức trả góp hàng quý và trả lãi hàng tháng, thời hạn từ 2 đến 3 năm. Tính đến thời điểm này, xã có 468 hộ vay từ chương trình này, với tổng số tiền vay là 3 tỷ 50 triệu đồng.Hầu hết các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích.Có thể thấy rõ chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường đã đáp ứng nhu cầu của  người dân một cách đầy đủ, bền vững và hỗ trợ cộng đồng cải thiện các công trình vệ sinh hộ gia đình và công cộng; nâng cao hiểu biết và nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch và các công trình vệ sinh, thay đổi các hành vi vệ sinh để nâng cao sức khỏe gia đình và cộng đồng. Ý thức trách nhiệm của người dân cũng được nâng lên. Nhiều mô hình, những điển hình tiên tiến cũng đã xuất hiện trong phong trào thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Điển hình như chị Đặng Thị Thi - ấp Đồn. Gia đình chị là hộ gia đình khó khăn. Hàng ngày chị làm mướn, tiền chỉ đủ trang trải cho cái ăn từng ngày lấy đâu ra dư mà xây dựng nhà vệ sinh hợp quy cách mặc dù biết rằng sử dụng cầu tạm là không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2009, chị được xét cho vay vốn từ chương trình vệ sinh nước sạch với số tiền là 3, 8 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình chị có nhà vệ sinh hợp quy cách. Được biết, chị cũng vừa được xã vận động xây tặng cho căn nhà tình thương. Ngoài điển hình của chị Thi thì hiện tại gần 100% hộ gia đình của xã đều xây dựng nhà vệ sinh hợp quy cách.
Còn dự án hầm biogas, nhiều gia đình đã thực hiện kết hợp việc sử dụng biogas trong chăn nuôi gia đình, nhờ vậy không những môi trường chăn nuôi được cải thiện mà nguồn năng lượng mang lại từ hầm biogas giúp các hộ giảm chi phí về chất đốt cho gia đình và có thêm phân hữu cơ bón lót cho cây trồng. Có hộ mỗi tháng nhờ có hầm biogas mà tiết kiệm được từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng tiền chất đốt. Điển hình như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Rạng - ấp Xóm Mới. Trước đây gia đình chị nuôi heo nhưng chưa có dự án xây hầm biogas nên gia đình không dám mở rộng quy mô chăn nuôi do không có nơi chứa chất thải. Khi có chương trình cho vay vốn xây hầm biogas, chị Rạng đã vay với số tiền 9.000.000 đồng xây hầm. Hiện nay với số lượng trên 10 con heo nái, toàn bộ chất thải đều xả xuống hầm biogas này. Ngoài việc không gây ô nhiễm mà chị còn tận dụng được nguồn năng lượng từ hầm biogas mang lại. Trước đây, chị dùng than đá và củi để đun nấu nay chị tận dụng chất đốt từ hầm biogas trong việc thấp sáng, đun nấu sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn được sử dụng sưởi ấm cho đàn heo. Đồng thời chất cặn bã thu được sau khi đã qua bể biogas còn dùng để bón cho cây trồng. Hiệu quả từ mô hình này giúp gia đình chị tiết kiệm từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Ngoài hai điển hình nêu trên thì còn nhiều người dân tự đầu tư để xây dựng hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi. Tính đến nay, tỉ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh của đạt 98%, nhiều chuồng trại chăn nuôi cũng đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải góp phần vào việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Trao đổi với chúng tôi, Bà Nguyễn Thị Cách – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trung Lập Hạ khẳng định: “Chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn là một trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, là một chủ trương đúng đắn phù hợp, kịp thời đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của người dân, nhất là nông dân, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội nhiều mặt ở nông thôn. Tính đến nay, số dân toàn xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh chiếm 98% dân số. Nước sạch phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hạn chế sử dụng phân chưa qua xử lý, góp phần làm xanh, sạch, đẹp xóm ấp. Mặt khác, khi sức khỏe của người dân tốt hơn, họ sẽ có điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân...”.  
Đạt được kết quả trên là do sự nỗ lực của các ngành liên quan trong đó có Hội phụ nữ và sự tham gia tích cực của người dân trong xã. Trong đó công tác tuyên truyền đã được tăng cường, đổi mới, mở rộng địa bàn, phạm vi đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc cung cấp thông tin về thực trạng, các nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất khi môi trường bị ô nhiễm. Nhờ đó, người dân đã không chỉ thay đổi nhận thức mà còn tạo lập tâm lý được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Người dân đã chủ động vay vốn tín dụng ưu đãi để xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Ngoài ra, công tác quản lý, vận hành công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cũng được quan tâm giám sát nên đã phát huy được hiệu quả. Đặc biệt người dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư hỗ trợ.
KIỀU NGÂN

Số lượt người xem: 4652    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm