LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
7
4
4
4
TIN TỨC SỰ KIỆN 03 Tháng Năm 2011 9:25:00 SA

GÒ MÔN - NHỮNG MỐC SON ĐÁNG NHỚ

Bia Gò Môn (còn được gọi là Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Trung đội Gò Môn) hiện nay thuộc ấp An Bình, xã Trung An. Nơi đây ghi lại một sự kiện lịch sử tiêu biểu, có giá trị to lớn trong công cuộc đấu tranh, giành độc lập tự do cho đất nước.

 

Bia Gò Môn (còn được gọi là Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Trung đội Gò Môn) hiện nay thuộc ấp An Bình, xã Trung An. Nơi đây ghi lại một sự kiện lịch sử tiêu biểu, có giá trị to lớn trong công cuộc đấu tranh, giành độc lập tự do cho đất nước.
Sau cuộc Đồng Khởi nổ ra ngày 17/1/1960 của quân và dân Bến Tre giành thắng lợi to lớn, đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) triệu tập các cán bộ lãnh đạo địa phương để học tập kinh nghiệm và phát động phong trào “Học kinh nghiệm Bến Tre, quyết đuổi kịp và vượt Bến Tre để giải phóng đồng bào”. Với đặc điểm là địa bàn chiến lược trọng yếu nằm ở cửa ngõ phía Bắc – Tây Bắc của Sài Gòn – Gia Định, theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 5/1961, Khu ủy quyết định hợp nhất 2 địa phương Gò Vấp và Hóc Môn (Hóc Môn thời kỳ Gò Môn có 1 số xã của huyện Củ Chi và quận 12 ngày nay) thành quận Gò Môn, bao gồm 21 xã - thị trấn (Củ Chi có 1 xã là Bình Mỹ). Do có vị trí chiến lược là địa bàn chỉ đạo tấn công vào sào huyệt địch ở nội thành nên Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định chọn quận Gò Môn làm địa bàn trọng điểm để chỉ đạo quân dân đồng loạt nổi lên tích cực hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, chiến đấu trừng trị bọn tay sai bán nước, chống giặc mở rộng địa bàn giành dân lập ấp chiến lược. Lúc này, Quận ủy Gò Môn chọn xã Thới Tam Thôn làm điểm để chỉ đạo phát động phong trào “Đồng Khởi” trong toàn quận Gò Môn.
Theo kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ của Quận ủy Gò Môn, đêm 10/7/1961, đêm “Đồng Khởi” của quân dân Gò Môn đã nổ ra. Hàng vạn quần chúng nhân dân đã nhất tề đồng loạt vùng lên, tự trang bị giáo, mác, gậy tầm vông vạt nhọn rầm rập xuống đường tuần hành, biểu dương khí thế cách mạng, đánh trống gõ mõ, phèn la, thùng thiếc liên hồi, đòi đế quốc Mỹ phải cút về nước, phát loa kêu gọi ngụy quân ngụy quyền quay về với nhân dân Gò Môn, cùng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc giải phóng quê hương đất nước. Trước khí thế cách mạng lớn mạnh, long trời lở đất của quân dân Gò Môn, bọn địch vô cùng hoảng hốt, hoang man cực độ, nhiều tên bỏ trốn hoặc tự tan rã hàng ngũ. Quân và dân Gò Môn đã làm chủ các xóm, ấp, chiếm nhà việc ở các xã, bắt và trừng trị nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân khiến bọn địch bị co cụm trong các đồn bót, không dám hành động.
Hơn 20 ngày sau, bọn chúng mới hoàn hồn và tiến hành tập trung lực lượng phản kích điên cuồng vào khắp nơi trong quận Gò Môn. Chúng mở nhiều cuộc hành quân lớn, tấn công bằng thủy, lục, không quân vào căn cứ Quận ủy tại xã Bình Mỹ. Đồng thời tiến hành mai phục, xăm hầm cán bộ, dày xéo mồ mã, đốt phá nhà cửa, giết hại nhân dân, biến một số địa bàn thành vùng tiêu điều, xơ xác, tang tóc bao trùm nhiều nơi.
Đến đầu năm 1962, địch tiến hành triển khai “Quốc sách ấp chiến lược” nhằm cô lập cách mạng miền Nam. Quận ủy Gò Môn đã tiến hành củng cố lực lượng, phân công các đồng chí Quận ủy viên phụ trách khối vận và các đoàn thể giải phóng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân ở các ấp bố trí thành hệ thống chỉ đạo chặt chẽ phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi nơi. Phong trào vũ trang tuyên truyền kết hợp binh vận, biệt động, đánh địch ngay tại quận lỵ tiếp tục phát triển và giành những thắng lợi quan trọng. “Quốc sách ấp chiến lược” của ngụy quyền bị quân dân Sài Gòn – Gia Định, trong đó có quân dân Gò Môn phá vỡ ngay tại sào huyệt đầu não của chúng bằng sức mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị phá sản.
Những năm 1961 – 1962, trên địa bàn quận đã thành lập trung đội Gò Môn gồm 22 đồng chí, 2 đại đội bộ đội địa phương, 2 trung đội trinh sát, 2 đội biệt động 67A, 67B. Với nhiều cách đánh cơ động, đột kích, bất ngờ, dũng cảm, tập trung diệt ác đánh đồn địch ở vùng Gò Vấp, Hóc Môn đã gây tiếng vang lớn ở các khu vực trung tâm tạo điều kiện hoạt động chính trị, binh vận Gò Môn liên tiếp đạt nhiều thắng lợi vẻ vang.
Đến cuối năm 1963, địch đã xây dựng ở quận Gò Môn 120 ấp chiến lược. Vì vậy, sau phong trào đấu tranh chính trị là phong trào phá ấp chiến lược và phong trào chiến tranh du kích của quận Gò Môn phát triển mạnh. Quân và dân quận Gò Môn đã đi từ phá hỏng, phá rã đến phá toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn quận. Đặc biệt, trung đội Gò Môn gồm 22 đồng chí đã chiến đấu oanh liệt, vô cùng dũng cảm bảo vệ an toàn cho cơ quan Quận ủy Gò Môn. Đặc biệt, 12/11/1964, tại vùng căn cứ cách mạng ở xã Trung An, do có chỉ điểm nên địch đã càn quét, tấn công bất ngờ. Chúng dùng thuốc nổ ném xuống địa đạo. Tất cả 22 chiến sĩ trung đội Gò Môn và khoảng 60cán bộ chiến sĩ, đồng bào xã Trung An đã anh dũng hy sinh dưới lòng địa đạo.
Do yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng nên đến giữa năm 1965, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định thành lập Phân khu Gò Môn gồm quận Gò Vấp, Hóc Môn và 5 xã của Củ Chi (Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, Hòa Phú). Từ đầu năm 1966 đến đầu năm 1967, mỗi tháng quân và dân Gò Môn đã đánh trên 20 trận chống càn của địch với quy mô từ cấp đại đội trở lên. Nhiều trận thắng lớn, giết chết nhiều tên giặc làm cho Mỹ ngụy sa sút tinh thần và phải gánh lấy nhiều thất bại thảm hại trong các chiến dịch bình định tại các địa phương.
Trong những năm 1965, 1966, 1967, lực lượng vũ trang của Phân khu Gò Môn gồm Tiểu đoàn 2, đội biệt động 67A, 67B đã tham gia nhiều trận chiến, tổ chức “diệt ác phá kềm”, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, nợ máu với nhân dân.
Cuối tháng 10/1967, Phân khu Gò Môn giải thể. Quận Gò Môn được thành lập gồm 19 xã. Đầu năm 1969 nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển biến mau lẹ của tình hình chung, Khu ủy Phân khu 1 đã quyết định giải thể quận Gò Môn, điều chỉnh lại các xã và chia Gò Môn thành 4 quận là Gò Vấp, Đông Môn, Tây Môn và Nam Chi. Đến năm 1972, Phân khu 1 và Phân khu 4 đã thống nhất lại thành Quân khu ủy Sài Gòn – Gia Định, quận Đông Môn và Tây Môn hợp lại thành quận Hóc Môn.
Có thể nói, dù chỉ hình thành và phát triển trong giai đoạn khoảng 9 năm (1961 – 1969), nhưng Đảng bộ và nhân dân Gò Môn đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt, lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Tháng 7/1991, theo nguyện vọng của đông đảo chiến sĩ, đồng bào đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Gò Môn năm xưa, được Sở Văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh), UBND của 3 Quận – Huyện: Hóc Môn, Gò Vấp và Củ Chi đã tiến hành xây dựng và ngày 27/7/1991 làm lễ khánh thành Bia tưởng niệm cán bộ – chiến sĩ Trung đội Gò Môn tại ấp An Bình xã Trung An (Củ Chi). Bia Trung đội Gò Môn thiết kế theo dạng hình vòng cung, cao khoảng 3,5m; ở giữa phía trên có ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ in lớn “TỔ QUỐC GHI CÔNG”. Phía dưới khắc ghi tên tuổi của những cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn.
Vào các ngày lễ tết hàng năm, đoàn dân quân chính Đảng các quận huyện cùng hàng vạn người dân khắp mọi nơi đến thắp hương, tưởng nhớ đến công lao to lớn của chiến sĩ cán bộ Trung đội đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
                                    BÍCH NGÂN

Số lượt người xem: 10675    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm