LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
7
6
9
4
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Bảy 2012 10:55:00 SA

CẦN CÙ, SÁNG TẠO VÀ QUYẾT TÂM VƯỢT KHÓ

Từ người lính trở về đời thường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và quyết tâm vượt khó, những thương bệnh binh trên địa bàn huyện đã và đang phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội cụ Hồ" trong phong trào giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

“RÁNG CHO CON CÁI ĂN HỌC TỚI NƠI TỚI CHỐN”:

Khi mới vừa 18 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Vân – ấp 6A xã Tân Thạnh Đông lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia và giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Trong suốt quá trình tham gia, ông bị những cơn sốt rét hoành hành dữ dội tưởng chừng không vượt qua nổi. Sau gần 5 năm tham gia quân đội, ông trở về địa phương và lập gia đình lúc 24 tuổi. Khởi đầu bằng đôi bàn tay trắng nhưng với  bản chất của một người lính Cụ Hồ cần cù, chịu thương, chịu khó, người cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vân đã bắt đầu xây dựng mái ấm nhỏ của mình trên mảnh đất được nhà nước cấp. Những năm đầu khởi nghiệp, vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa có vốn để đầu tư sản xuất. Hàng ngày, ông phải bươn chải đủ nghề để lo cho cuộc sống gia đình, ai thuê gì thì làm nấy, có khi phải đạp xe xa hàng chục cây số lên Phú Giáo – Bình Dương để kiếm từng cây củi về bán lại kiếm tiền. Những chuyến đi của ông có khi mất tới 2 ngày mà khi về bán được không tới 20.000 đồng. Số tiền quá ít ỏi này cộng với số tiền thu mua ve chai của vợ ông vẫn không đủ lo cho cái, cái mặc của cả gia đình. Khó khăn nối tiếp khó khăn, sáu đứa con lần lượt ra đời trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Đối diện với những khó khăn của đời thường, nhất là khi hậu quả của những cơn sốt rét ảnh hưởng đến sức khỏe cộng với chứng bệnh gai cột sống, nhưng lòng kiên trì và quyết tâm vượt qua cái nghèo đã thôi thúc ông không ngừng phấn đấu vượt qua bệnh tật. Được sự động viên của anh em hội viên của Hội Cựu chiến binh, thấy ông chí thú làm ăn, các tổ chức hội ở địa phương đã giới thiệu cho ông vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 10 triệu đồng để sản xuất. Ông đã bàn bạc với gia đình sử dụng đồng vốn trên để chăn nuôi bò. Với số tiền vay được, ông mua 2 con bò vàng. Hàng ngày ngoài việc đi làm thuê, ông tranh thủ đi cắt cỏ làm thức ăn cho bò. Lấy công làm lời, mỗi đợt bò đẻ ra bê con, ông nuôi khoảng 6 tháng rồi đem bán được hơn 1 triệu đồng/con.

Tuy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các con thì đang tuổi đến trường, nhưng vợ chồng ông chưa bao giờ nghĩ sẽ cho các con mình bỏ học nửa chừng. Thương ba mẹ chịu vất vả một nắng hai sương để lo cho các anh em đi học, cả 6 người con luôn có ý thức cao trong học tập và rèn luyện, siêng năng, chăm chỉ học tập hết sức mình. Nhờ sự cố gắng của từng thành viên trong gia đình cộng với chí thú làm ăn, dè xẻn trong chi tiêu, cuộc sống của gia đình ông trở nên khấm khá hơn. Gia đình ông đã thoát khỏi chương trình hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố vào năm 2011 vừa qua.

Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà thật khang trang kiên cố, ông Vân không khỏi xúc động khi nhớ về những ngày tháng cơ cực, ông chia sẻ Khó khăn của gia đình tui trước đây không gì kể hết được, lo từng bữa ăn đã khó nhưng nghĩ đời mình đã khổ, nên cho dù có cực bao nhiêu, vợ chồng tui cũng ráng cho con cái ăn học tới nơi tới chốn, nhà nghèo không có của cải để lại cho các con, thôi thì ráng làm cho con có  ít chữ nghĩa để sau này chúng có việc làm ổn định”. 

Và những gì ông mong muốn đã trở thành hiện thực, hiện người con trai cả của ông phục vụ trong ngành công an, người con gái thứ 2 đang làm điều dưỡng, người con thứ 3 thì vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực, 2 người con thứ 4 và 5 làm công nhân, còn người con út vẫn đang theo học cấp 2. Gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương nhiều năm liền.

 

 

“TÔI KHÔNG MUỐN MÌNH LÀ GÁNH NẶNG CỦA XÃ HỘI”:

Năm 1980, khi chưa tròn 19 tuổi, thanh niên Nguyễn Văn Tiến ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia quân đội làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Sau khi làm tròn nghĩa vụ, năm 1983, ông trở về quê hương. Trở về với cuộc sống đời thường, người thương binh 1/4 này gặp không ít khó khăn khi chỉ có vài trăm m2 đất vườn tạp, lại phải chăm lo cho năm người con đang tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống của gia đình tưởng chừng không vượt qua cảnh nghèo khó. Nhưng với ý chí và nghị lực của người bộ đội cụ Hồ đã thôi thúc ông luôn vững tin vào cuộc sống dù có khó khăn vất vả đến đâu đi chăng nữa.

Ông Nguyễn Văn Tiến tâm sự: “Từ trước đến nay, lúc nào tôi cũng suy nghĩ: là lính bộ đội cụ Hồ về đời thường thì phải hưởng ứng tích cực các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, phải ra sức lao động, phát triển kinh tế gia đình. Tôi không muốn mình là gánh nặng của xã hội, chính vì vậy, dù sức khỏe không tốt, những lúc trái gió, trở trời, vết thương cũ lại làm tôi đau nhức, tôi cũng tìm công việc phù hợp để làm. Mặc dù thu nhập không cao nhưng đảm bảo cuộc sống cho gia đình và lo việc học hành cho năm đứa con đến nơi đến chốn”.

Với suy nghĩ đó, ông luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ việc xây dựng chuồng nuôi heo, gà, cho đến đào ao nuôi cá và trồng cây ăn trái. Ông luôn học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm từ những nhà vườn sản xuất giỏi đi trước và kịp thời nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong chăn nuôi sản xuất. Sau thời gian đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, từng bước cải tạo vườn tạp để tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chôm chôm, măng cụt, các loại cây có múi, đến nay, ông đã có được 5.000 m2 vườn trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản với mức thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/năm. Ngoài những thu nhập vườn cây ăn trái, ông còn có thêm thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi heo, gà và cá.

Ông Nguyễn Văn Quên - Trưởng ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông cho biết: “Ông Tiến là tấm gương điển hình trong phong trào thương binh sản xuất giỏi của địa phương. Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực các phong trào của Chi hội cựu chiến binh ấp, cùng ấp giúp đỡ gia đình khó khăn trong địa phương. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, bản thân ông còn tham gia rất tích cực các phong trào bảo vệ xóm ấp do ấp vận động, đảm bảo an ninh trật tự”.

 

 

Có thể nói, dù phải chịu nhiều đau thương mất mát, đau đớn nhưng những thương, bệnh binh của vùng đất thép đã vững vàng vượt qua tất cả. Họ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước và của xã hội,  luôn ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Ở họ luôn sáng mãi phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

 

 

Bài & ảnh: Xuân Cường – Hồng Thắm


Số lượt người xem: 4575    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm