LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
0
0
1
8
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 28 Tháng Ba 2013 9:45:00 SA

Lực lượng dân quân tự vệ huyện ngày càng trưởng thành và cống hiến công sức để xây dựng quê hương

Ngày 28/3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), đã ra Nghị quyết về đội tự vệ, khẳng định “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động”.
Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức chỉ đạo, xây dựng và hoạt động của lực lượng tự vệ; là một dấu ấn quan trọng mở ra một thời kỳ mới, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Với ý nghĩa đó, ngày 28/3/1935 đã được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định là Ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

 

 

Là một bộ phận của dân quân tự vệ toàn quốc và là một bộ phận của lực lượng vũ trang huyện, ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, ngày 4-2-1930, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Củ Chi được thành lập tại xã Tân Phú Trung, đã lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở địa phương, tổ chức ra các hiệp hội đoàn thể, hình thành lực lượng đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ. Quân, dân Củ Chi bước vào cuộc chiến đấu mới. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, người dân Củ Chi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Thanh niên các xã tình nguyện xung phong vào du kích. Vùng Tân Mỹ - Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ), xã An Phú (nay là xã Trung An) trở thành căn cứ của Tỉnh ủy Gia Ðịnh và căn cứ địa của lực lượng giải phóng Nam Bộ. Tại đây hình thành công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích địa phương đánh giặc. Thực dân Pháp bắt đầu lấn chiếm vùng ngoại ô Sài Gòn, lực lượng du kích Củ Chi (còn gọi là dân quân tự vệ, tự vệ đỏ, thanh niên xung kích) chiến đấu, chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch; đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu kết hợp làm giao thông hào làm ổ chiến đấu. Lúc đầu, người dân đào hầm bí mật, bố trí, ngụy trang để ẩn tránh, sau dân quân du kích quyết tâm bám trụ đánh giặc, cho nên sáng tạo ra các hầm bí mật liên hoàn trong lòng đất, nối một số gia đình với nhau, dần dần các nhánh địa đạo nối dài ra, cả những hướng bố trí trận đánh, tự tạo ra các kiểu hầm tránh đạn giặc mà lực lượng du kích có thể trú ẩn an toàn, đánh giặc trong nhiều ngày, làm kẻ thù không thể đoán biết thế trận của dân quân du kích...

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm. Củ Chi trở thành cái "gai" trong mắt chúng, bởi chúng coi đây là "vùng đất thánh" của cộng sản. Chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, gài do thám, gián điệp, bọn chỉ điểm trong các thôn, ấp, xây dựng đồn bốt, đàn áp, khủng bố nhân dân, thi hành khắc nghiệt luật 10/59, giết hại cán bộ của Ðảng và người dân vô tội. Trước tình hình đó, Ðảng bộ và nhân dân Củ Chi, một mặt tổ chức liên tiếp các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ra đồng sản xuất; mặt khác, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ. Ða số thanh niên Củ Chi, cả trai lẫn gái, đều tham gia lực lượng vũ trang. Tòng quân giết giặc trở thành phong trào rộng khắp, là lý tưởng, là phương châm hành động của thanh niên địa phương. Nhiều xã có 100% số thanh niên nam, nữ đăng ký gia nhập lực lượng cứu nước.

Qua bao năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống để toàn thắng thuộc về dân tộc ta, tự do thuộc về nhân dân ta. Củ Chi hôm nay đã thay màu áo mới. Mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Song ở thời bình, lực lượng dân quân tự vệ huyện Củ Chi vẫn phát huy truyền thống kiên cường bám đất, bám dân, luôn keo sơn gắn bó với dân, cùng nhân dân xây dựng quê hương, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự huyện đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ để ngày càng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện tốt Luật dân quân tự vệ, các Nghị quyết, chỉ thị của các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 5/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân quân tự vệ ở địa phương, cơ sở. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ trong huyện đạt tỷ lệ 1,4% so với dân số; trong đó tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân là 23,08%, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng tự vệ là 25,54%. Đối với công tác huấn luyện, Ban chỉ huy quân sự huyện đã tập trung chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ làm tốt công tác rà soát, củng cố lực lượng theo đúng luật, chuẩn bị tốt về giáo án, bài giảng, mô hình học cụ, thao trường bãi tập trước khi bước vào huấn luyện. Do đó, các đơn vị dân quân tự vệ đều đảm bảo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ để mọi cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật Nhà nước, làm cơ sở tuyên truyền, vận động gia đình, làng xóm xây dựng đời sống mới ở khu dân cư được coi trọng. Đặc biệt, lực lượng dân quân tự vệ là nòng cốt trong phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong năm 2012, 250 đoàn viên thanh niên lực lượng dân quân huyện đã tham gia nạo vét các tuyến kênh đông trên địa bàn xã Trung Lập Hạ. Đồng thời, hỗ trợ xã Trung Lập Hạ xây dựng một căn nhà tình thương cho cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã với kinh phí 30 triệu đồng.

Phát huy truyền thống 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành ngày nay cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ trong huyện đang ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến công sức nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương Củ Chi ngày càng giàu mạnh. Trong mọi hoàn cảnh, lực lượng dân quân tự vệ Củ Chi luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

 

Ngọc Thủy 

 


Số lượt người xem: 8375    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm