LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
1
5
4
9
5
TIN TỨC SỰ KIỆN 04 Tháng Sáu 2012 10:10:00 SA

ĐỂ CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA HƠN

Từ đầu năm đến nay, nhóm đồng đẳng đã tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn cho gần 1.128 lượt người thay đổi hành vi sử dụng bao cao su và đối tượng tiêm chích an toàn, số bơm kim tiêm bẩn thu gom được là 16.670 chiếc, số bao cao sy được phân phát là 3.488 chiếc. Điều đáng mừng là trong những lần tiếp xúc, gặp gỡ tư vấn, các thành viên trong nhóm đã thuyết phục, vận động một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao đến các cơ sở y tế để xét nghiệm HIV. Bằng những việc làm thiết thực, họ đã làm cho cuộc sống của bản thân mình và của người khác trở nên có ý nghĩa hơn, thay vì chỉ thụ động, chấp nhận chết chìm trong tuyệt vọng.

 

Chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS ở huyện được duy trì từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả đáng kể. Để có được những kết quả ấy, không thể không nhắc tới đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Với công việc của mình, họ đã góp phần giúp cho một số người ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng trước căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS của ủy Ban phòng chống AIDS được triển khai tại Trung tâm y tế dự phòng Huyện vào năm 2007. Bắt nguồn từ đó, nhóm giáo dục viên đồng đẳng của huyện được thành lập. Nhóm gồm có 6 đồng đẳng viên. Trong suốt 5 năm qua, nhóm đồng đẳng của huyện Củ Chi đã đóng góp nhiều công sức cho công tác phòng chống lây truyền HIV/AIDS. Công việc hằng ngày của nhóm là đi tuyên truyền, tư vấn và phát bao cao su, bơm kim tiêm, nước cất cho những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, họ còn giúp những người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận những thông tin cần thiết để thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Những công việc mà nhóm đã làm một cách thầm lặng nhưng ý nghĩa của nó thì không nhỏ chút nào. Đó chính là liều thuốc tinh thần cho những người nhiễm HIV/AIDS. 

Chiều thứ sáu cũng là ngày nhóm đồng đẳng về họp để triển khai công việc theo định kỳ hang tuần. Nhờ vậy, chúng tôi may mắn gặp được họ - những thành viên của nhóm. Chúng tôi tranh thủ làm quen với một đồng đẳng viên có tên là T.V.Kh - ở xã tân Thông Hội. Năm nay, anh 31 tuổi. Trước đây, anh làm phụ lơ xe buýt. Qua những lần rủ rê của bạn bè, anh không giữ được mình, anh đã sử dụng và nghiện ma túy vào năm 19 tuổi. Một thời gian sử dụng ma túy, anh đã bị nhiễm HIV. Khi biết mình mang trong người căn bệnh thế kỷ, anh không còn đi làm nữa. Lúc đầu anh rất hoang mang, lo sợ, sợ mọi người biết chuyện của mình. Vào năm 2010, anh được biết nhóm đồng đẳng qua những lần nhóm đến tư vấn, động viên. Từ đó, anh dần bình tâm lại, bớt lo lắng và dũng cảm đối diện với sự thật. Bây giờ thì anh là một trong những đồng đẳng viên tích cực của nhóm. Anh Kk nói: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ tham gia cho vui, cốt để giết thời gian thôi. Nhưng sau khi vào nhóm, thấy công việc mình làm có ý nghĩa nên tôi càng gắn bó với công việc hơn”. 

Anh T. P. H, ở Phước Thạnh cũng là một thành viên trong nhóm. Năm nay, anh đã 41 tuổi. Trước đây, anh từng có cuộc sống khá yên ổn với nghề bảo vệ khu vực chợ cầu muối. Do một phút nông nổi, anh đã sa chân vào con đường nghiện hút, khi anh nhận ra thì đã quá muộn. Ma túy khiến anh mất tất cả: nghề nghiệp, gia đình, vợ con và cả tuổi thanh xuân. Anh quyết tâm cai nghiện và anh đã thành công. Qua giới thiệu của bạn, anh tham gia vào nhóm đồng đẳng. Anh tích cực tham gia với tư cách của một đồng đẳng viên tuyên truyền. Anh đang là nhóm trưởng của nhóm. Hàng ngày, anh gặp gỡ những đối tượng nghiện ma túy - những người cũng giống như anh của gần 20 năm về trước, để vận động, tuyên truyền họ về cách phòng chống HIV/AIDS. Anh rủ rỉ nói về tác hại của ma túy, của việc dùng chung bơm kim tiêm, mối nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ… Nhiều lần, anh lấy chính bài học của cuộc đời mình để làm minh chứng. Chúng tôi hỏi anh về việc anh tham gia hoạt động tại nhóm, anh tâm sự: “Khi mới bắt đầu tham gia chương trình, mình cũng bỡ ngỡ, chưa quen. Sau một thời gian, mình thấy đây là công tác xã hội rất cần thiết, nhất là trước đây, mình từng trải qua những ngày tháng đau khổ nên mình đã cố gắng để làm cho xã hội tốt đẹp hơn và cuộc sống ý nghĩa hơn”.

Phần lớn, các đồng đẳng viên tham gia nhóm là những người “trong cuộc”, tức là những người từng nghiện ma túy, thậm chí có người đã nhiễm HIV/AIDS để nhằm mục đích “lời nói” của những người trong cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn khi đi vận động. Và Chị S, ở Trung Lập Thượng đến với nhóm đồng đẳng cũng qua lời giới thiệu của một người bạn. Chị S kiên trì, nhiệt tình và hết mình với vai trò là một đồng đẳng viên tuyên truyền. Đối tượng tiếp cận của chị là gái mại dâm, tiếp viên nhà hàng, quán quán cà phê - những người không dễ làm quen, bắt chuyện.

Tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ lại có điểm chung đó là tham gia vào nhóm Giáo dục viên đồng đẳng, để cùng tham gia hoạt động, chia sẻ, làm giảm bớt sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng. Họ là những người từng qua một thời lầm lỡ, nghiện hút ma túy, hay không may “dính AIDS” nhưng chính lời nói, câu chuyện, bài học thực tế của họ lại có sức thuyết phục. Anh Nguyễn Hoàng Thắng nhân viên Trung tâm Y Tế Dự Phòng, quản lý nhóm Đồng Đẳng cho biết: “Hoạt động các thành viên của nhóm đồng đẳng rất cần thiết của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Họ được tập huấn thường xuyên các kiến thức về HIV/AIDS, từ cách phòng lây nhiễm đến việc tiếp cận, vận động, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng... Các thành viên của nhóm khi tiếp cận các đối tượng nghiện chích ma túy, tiếp viên trong các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhóm dân cư di biến động cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Thông qua đó, họ tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thay đổi hành vi gây nguy cơ lây nhiễm HIV; hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách; vận động, giới thiệu đối tượng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm tự nguyện...”.

Tuy nhiên, để có thể “trụ” lại với công việc, các đồng đẳng viên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu họ không có sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, các đồng đẳng viên sẽ khó bám trụ lâu dài với công tác xã hội này, nhất là khi chế độ hỗ trợ hiện còn quá thấp, công việc lại không dễ nói, không dễ nhận được sự cảm thông. Như chị S, khi mới tiếp cận với những đối tượng của mình - là những gái mại dâm, bán quán cà phê, nhiều người không muốn nhắc đến quá khứ của mình, có người lại nghi ngờ S là người của…công an nên họ nhất định không chịu hợp tác. Họ có thái độ xa lánh, e dè, bất cần. Chị S kể: “Ban đầu, họ chưa hiểu được mục đích và nguyện vọng của tụi em đến với Chương trình này. Nhưng một thời gian sau, họ hiểu và bây giờ thì tạm ổn rồi”. Với anh H và anh Kh, khi tiếp cận với những người nghiện ma túy, đặc biệt là các bạn trẻ, đồng đẳng viên phải thật mềm mỏng, khéo léo. Đó là chưa kể tới chuyện mình đi vận động họ lại bị họ “vận động lại”, rủ rê cùng chích. Nếu mình không có bản lĩnh rất dễ sa ngã. Trong thực tế, có nhiều người sau một thời gian làm đồng đẳng viên đã quay trở lại con đường cũ, thậm chí còn trở thành đầu mối cung cấp ma túy cho các con nghiện. Với các anh thì rào cản khó vượt qua nhất vẫn là sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS. Chính sự phân biệt, đối xử của xã hội khiến cho những người có HIV luôn phải sống thu mình mặc cảm, ngay cả khi tiếp xúc với những người đồng cảnh ngộ.

Anh Nguyễn Tấn Chiến – Trưởng khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng Trung tâm Y Tế Dự Phòng huyện cho biết: Những đóng góp của các tuyên truyền viên đồng đẳng trong việc giảm hại và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS có vai trò rất quan trọng. Những bài học đắt giá từ chính cuộc đời họ đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng và trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

 

KIỀU NGÂN


Số lượt người xem: 4019    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm