LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
5
1
7
4
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 08 Tháng Tư 2011 9:45:00 SA

NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Cách đây tròn 50 năm, cánh Gò Môn được thành lập từ sự hợp nhất hai địa phương Gò Vấp và Hóc Môn. Qua 8 năm hình thành quận Gò Môn (1961 – 1969) các cuộc đấu tranh hào hùng của nhân dân, chiến sĩ Gò Môn đã tô điểm thêm những mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, các trận chiến oanh liệt đó đã được lật giở qua những câu chuyện của các người chiến sĩ Gò Môn năm xưa.

 

Cách đây tròn 50 năm, cánh Gò Môn được thành lập từ sự hợp nhất hai địa phương Gò Vấp và Hóc Môn. Qua 8 năm hình thành quận Gò Môn (1961 – 1969) các cuộc đấu tranh hào hùng của nhân dân, chiến sĩ Gò Môn đã tô điểm thêm những mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, các trận chiến oanh liệt đó đã được lật giở qua những câu chuyện của các người chiến sĩ Gò Môn năm xưa.
 
KÝ ỨC TRÊN VÙNG ĐẤT TRUNG AN:
Chúng tôi tìm về Hội cựu chiến binh xã Tân Thạnh Tây để gặp lại cựu chiến binh Trần Vậy - người Tiểu đội trưởng của Trung đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng cánh Gò Môn năm xưa. Tuy thời gian quân ngũ ở chiến trường Gò Môn không dài nhưng kỷ niệm của ông trên vùng đất Trung An anh hùng thì không ít. Ai ai cũng hiểu rằng trong cuộc chiến sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh, và sự hy sinh cho độc lập dân tộc là điều vinh quang nhất đối với người chiến sĩ. Tuy vậy, không ai không xót xa khi nhìn đồng đội nằm xuống trong mưa bom, bão đạn của quân thù. Ông cũng vậy, bao nhiêu lần nhìn đồng đội hy sinh là bấy nhiêu lần ông nén đau thương. Và khoảnh khắc gặp mặt ngắn ngũi của ông với liệt sĩ Trần Văn Viên chiến sĩ Trung đội Gò Môn trước khi xảy ra trận càn ngày 12/11/1964 là giây phút thiêng liêng không thể nào quên. Ông kể: “Vào năm 1964, tôi đang công tác ở Trung đội trinh sát thuộc lực lượng bộ đội Củ Chi. Ngày 11/11/1964 đơn vị tôi về công tác ở xã Trung An và trú quân ở ấp Bốn Phú. Tối đó, sau khi đi điều nghiên chuẩn bị đánh đồn Tân Quy về, tôi được phân công ở lại để sáng hôm sau mang mìn về đơn vị (mìn và trái nổ của đơn vị được để ở ấp An Bình). Lúc này, Trung đội Gò Môn cũng về và đóng quân ở ấp An Bình. Sáng ngày 12/11/1964, trước khi mang mìn và trái nổ về đơn vị, tôi đã gặp Viên. Tôi và Viên thân nhau từ thuở nhỏ. Vì lẽ, hai đứa cùng họ Trần, cùng một tuổi, mi người còn nói hai người rất ging nhau. Mặt khác, Viên rất thích làm lính trinh sát nên có ý định xin về công tác chung với tôi. Lúc đó, tôi mời Viên về đơn vị tôi chơi. Viên nhận li nhưng khi xin phép thủ trưởng thì không được đồng ý với lý do giặc chuẩn bị đánh vào. Tôi trở về đơn vị còn Viên chuẩn bị cho trận chống càn với giặc. Và đâu ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp người bạn thời niên thiếu, người đồng chí của mình. Giặc đã càn vào, Viên cùng 21 chiến sĩ khác của Trung đội Gò Môn đã nằm sâu trong lòng địa đạo xã Trung An”. Năm ấy, liệt sĩ Trần Văn Viên tròn 18 tuổi. Khi đánh hầm làm các chiến sĩ Trung đội Gò Môn hy sinh xong, địch ở lại canh giữ 2 ngày 2 đêm không cho lấy xác. Mặc dù vậy, đơn vị ông cùng người dân bám sát hầm đưa được một số thương binh, tử sĩ ra ngoài. Trong đó đã tìm thấy được thi thể của Viên và đưa về an táng bên cạnh người thân trong gia đình.
Ngày 15/2/1965 ông chuyển công tác về Trung đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 2 Quyết thắng chiến đấu ở chiến trường Gò Môn. Trong thời gian này, địa bàn ông hoạt động là huyện Hóc Môn và Củ Chi. Ông tham gia đánh rất nhiều trận như đánh đồn bót, đánh tàu, đánh xe, đánh cầu, đánh bộ binh và ám sát tiêu diệt ác ôn… Mỗi trận đánh là một kỷ niệm không thể nào quên. Và một trong nhiều trận đánh trên vùng đất Trung An đã làm ông tự hào mỗi khi nhắc đến đó là trận Tiểu đoàn 2 Quyết thắng “Dìm giặc Mỹ xuống ruộng lầy Trung An” (theo tựa bài báo do Hồ Hữu Học viết đăng trên báo Quyết Thắng của Quân khu Sài Gòn – Gia Định). Ông nhớ lại: “Vào tháng 8 năm 1966 sau khi Tiểu đoàn 2 của ông tập trung mũi nhọn đánh sâu vào vùng địch để mở rộng căn cứ cách mạng trên đất Gò Môn. Kết thúc chiến dịch, cả Tiểu đoàn về đóng quân để học tập chính trị tại ấp Bốn Phú xã Trung An. Sáng sớm ngày 7/8/1966, Trung đoàn bộ binh Mỹ gần 2.000 quân thuộc Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đóng quân ở Đồng Dù, Củ Chi dùng hàng trăm chiếc máy bay trực thăng đổ bộ trên đất Bốn Phú để tiêu diệt Tiểu đoàn 2. Có thể nói đây là trận đánh không cân sức. Quân ta nói là một Tiểu đoàn nhưng thật sự tham chiến chỉ khoảng 100 quân. Còn lực lượng quân Mỹ nhiều đến nỗi bộ đội ta không cần quan sát ngắm mục tiêu chỉ cần đưa súng lên bắn là có lính Mỹ chết. Dù vậy ta vẫn ngoan cường chống trả địch. Trận đánh vô cùng ác liệt. Địch dùng máy bay ném bom, máy bay trực thăng và pháo bắn xối xả trên đất Bốn Phú liên tiếp 2 giờ liền rồi đổ bộ quân ồ ạt vào. Lúc bấy giờ nhà cửa, cây cối bị thiêu rụi. Công sự của ông cũng bị cây cối gãy đè kín. Sau đó có 2 chiếc trực thăng HW1A hạ cánh cách ông khoảng 10m để đổ quân. Ông và một đồng đội tên Chi liền nhảy lên khỏi công sự. Ông bắn liên thanh vào một chiếc, chiếc còn lại đồng chí Chi ném lựu đạn vào. Hai chiếc máy bay bị cháy hoàn toàn. Tối đêm đó, lính Mỹ cụm lại, chúng dùng pháo bắn liên tục xung quanh để bảo vệ. Lợi dụng cơ hội này, ta tập kích tiêu diệt chúng trong đêm. Để bảo toàn lực lượng, đêm đó quân ta vượt sông Sài Gòn về Bến Cát – Bình Dương trước khi trời sáng.
Tuy trận đánh đã đi qua 45 năm nhưng ký ức về chiến công oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn. Tuy trận đánh không cân sức nhưng chúng ta đã chiến đấu ngoan cường và thắng lợi vẻ vang. Có 220 lính Mỹ chết và bị thương, 23 chiếc máy bay cháy tại chỗ, 23 chiếc khác bị hư hỏng. Sau chiến thắng đó, ông được Quân khu Sài Gòn – Gia Định tặng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Và như vậy đây là lần thứ 2 ông được tặng danh hiệu này trong quãng đời quân ngũ của mình.
HỒI ỨC VỀ CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968:
Trong đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 quân và dân Gò Môn đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề với những trận đánh liên tiếp vào sào huyệt quân thù. Trong đó, trận đánh vào Tổng tham mưu ngụy mà Tiểu đoàn 2 Gò Môn tham chiến đã gián cho Mỹ ngụy những trận đòn trừng trị nặng nề. Là chính trị viên Đại đội 1 của Tiểu đoàn 2 Quyết thắng cánh Gò Môn lúc bấy giờ, cựu chiến binh Hồ Văn Nhê đã nhớ như in từng bước tiến công của Tiểu đoàn trong trận chiến đó. Ông thuật lại rất rõ, tại Trung An Củ Chi, chiều 25 tết Mậu Thân 1968, Đại đội 1 của ông cùng 3 đại đội khác của Tiểu đoàn 2 tổ chức khao quân. Sau đó, đúng giờ hẹn Tiểu đoàn hành quân xuống Bình Mỹ rồi xuống xã An Phú Đông (nay là quận 12). Đến xã An Phú Đông đã 6 giờ ngày 27 tết. Theo lệnh đơn vị được không đào công sự, không vào nhà dân mà ém quân vào đám mía. Đến 18 giờ cùng ngày địa phương vận động mỗi một nhà tổ chức cho 20 bộ đội ăn tết. Theo quy định chung 24 giờ ngày 28 tết đơn vị phải vào đến Tổng tham mưu, nhưng 23 giờ đơn vị chưa qua được sông Vàm Thực vì bên kia sông có một Tiểu đoàn bảo an ngụy đang chốt. Lúc đó, ta cho trinh sát lội qua sông qua nắm tình hình. Đến hơn 23 giờ địch rút. Quân ta vượt sông và hành quân tiếp đến Sở Rác- Gò Vấp thì đúng 3 giờ 29 tết. Có trinh sát dẫn đường quân ta từ Gò Vấp tiến lên Tổng tham mưu ngụy. 5 giờ 29 tết đại quân của ta đã đến mục tiêu. Đại đội ông được lệnh đánh cổng số 4 của Tổng tham mưu. Ông trang bị trong người cây súng ngắn, 1 cây AK và 1 mã tấu. Ông leo lên hàng rào và tìm cách phá cổng để bộ đội tiến vào. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Đánh đến 9 giờ Đại đội của ông chiếm mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ. Một điều thuận lợi là Đại đội của ông đánh vào ngay kho vũ khí nên thu được nhiều chiến lợi phẩm. Khoảng 11 giờ địch phản kích. Xe tăng địch tấn công ta nhưng do không chạy được trong ngõ hẻm nên ta lợi dụng địa hình đó dùng B40, B41 đánh trả. Đến 14 giờ, địch ra lệnh hủy diệt toàn bộ Tổng tham mưu. Máy bay trực thăng, bom, pháo bắn xối xả, hết lớp này đến lớp khác. Đến 2 giờ sáng ngày mùng 1 tết Đại đội của ông mới liên lạc được với Tiểu đoàn và được lệnh rút quân. Trên đường về Tiểu đoàn dự định đánh Kho xăng Gò Vấp nhưng để bảo toàn lực lượng nên quyết qịnh rút về. Nhưng đến sông Vàm Thực thì trời đã sáng. Để không bị lộ đơn vị phải trú lại trên đồng ruộng phường 13 Bình Thạnh. Đến 18 giờ cùng ngày đơn vị đã vượt sông Vàm Thực về lại hậu cứ an toàn.
Dù đã làm cho địch một phen kinh hoàng, nhưng trong trận đánh đó không chỉ địch mà quân ta cũng bị thiệt hại nhiều. Đại đội của ông lúc đi 54 người nhưng khi về chỉ còn 5 người trong đó có 2 người bị thương. Và trong trận này ông cũng bị nhiều miểng pháo gâm vào người. Vết thương làm da thịt ông đau buốt bao nhiêu thì lòng căm thù giặc của ông cao bấy nhiêu. Vì lẽ đó, trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Gò Môn 5 lần ông được tặng Huy hiệu dũng sĩ quyết thắng.
TIẾP LỬA CHO CHI ẾN SĨ GÒ MÔN:
Chuyển công tác về cánh Gò Môn từ năm 1965, chiến sĩ Hồ Hữu Học được phân công làm Trợ lý tuyên huấn Ban chính trị phụ trách thông tin báo chí. Với nhiệm vụ được giao ông xuống tận chiến trường viết tin các trận đánh ở Gò Môn; viết bài tường thuật các trận đánh ở Trung An, Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Nhị Bình. Ông tiếp cận những con người quả cảm viết những tùy bút, những mẩu chuyện đánh giặc của các dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng… để đăng trên báo Quyết thắng của Quân khu Sài Gòn Gia Định. Lúc ấy, dù cuộc chiến ác liệt, dù đổ nhiều xương máu xong tin tức về những chiến thắng của quân ta trên các mặt trận đã tiếp thêm lửa cho các chiến sĩ trong các cuộc chiến đầy cam go. Và một trận đánh, một câu chuyện về người chiến sĩ đốt cháy xe tăng mà ông kể lại bằng ngòi bút của mình đã làm tăng thêm sức mạnh, lòng dũng cảm, lòng căm thù giặc cho chiến sĩ.
Đầu năm 1966 Mỹ đổ quân đóng chốt xây dựng căn cứ Đồng Dù. Vì vậy, Mỹ ra sức đánh phá ác liệt các xã giáp ranh Đồng Dù như Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, Tân An Hội và Trung Lập Hạ. Chúng chà đi sát lại để dọn bãi bảo vệ Đồng Dù. Mặt khác chúng cũng nắm bắt được đường chuyển quân của Tiểu đoàn 2 Gò Môn qua các tuyến đường xã Trung An, Tân Thạnh Tây, Tân Phú Trung để về Bà Điểm - Hóc Môn. Và một trận chiến ác liệt đã diễn ra vào tháng 13/4/1966. Đêm đó, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 2 Gò Môn hành quân từ Tân Phú Trung qua Phước Vĩnh An để về Trung An nhưng đến ấp Bàu Giã xã Phước Vĩnh An thì trời đã gần sáng nên không đi được nữa phải ém quân lại. Hay tin địch đổ bộ quân càn quét. Chúng đụng phải du kích xã Phước Vĩnh An và lực lượng của Đại đội 2 nên trận giáp lá cà diễn ra ác liệt. Chúng bị đánh bật ra khỏi trận địa 100m đành phải nằm lại chờ chi viện. Đến trưa địch sử dụng một tiểu đoàn và 80 xe tăng, xe bọc thép, xe lội nước, pháo, máy bay trực thăng để tiêu diệt quân ta. Là mùa khô nên khói súng, đạn và bụi đất mịt mù. Chúng quầng nát khu vực ấp Bàu Giã. Để chống trả ta cũng huy động thêm lực lượng du kích xã Tân Phú Trung. Ngay từ phút đầu ta diệt 8 xe tăng và bắn chết nhiều lính ngụy tại chỗ. Lúc này, hành động dũng cảm của một chiến sĩ của Đại đội 2 Gò Môn đã làm cho nhiều người phải nễ phục. Vì thấy gần nên địch không bắn mà dùng xe tăng đuổi chiến sĩ Trương Văn Sáu để bắt sống. Thấy xe tăng đến sát mình anh Sáu đã kịp nhảy xuống cái vũng trâu nằm cạnh đó. Không tha, chúng cho xe tăng chạy băng qua để cán lên người anh Sáu nhưng anh đã kịp lặn sâu dưới lớp bùn. Khi xe vừa chạy qua khỏi, anh trườn lên phía sau xe dùng lựu đạn ném lên chỗ giặc lái ngồi làm xe nổ tung và cháy. Tên giặc lái xe tăng chết tại chỗ. Còn anh Sáu nhanh chóng chạy băng vào nhà dân cạnh đó an toàn.
Sau trận đánh đó, chiến sĩ Trương Văn Sáu được Ban chính trị Gò Môn tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng cấp I. Tháng 2 năm 1967, cánh Gò Môn tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ khai mạc tại xã Trung An. Chiến sĩ Trương Văn Sáu lần nữa được tặng bằng khen, giấy khen và Huân chương quyết thắng.
 
Chiến công nối tiếp chiến công của các chiến sĩ Gò Môn năm xưa đã để lại cho dân tộc những bài ca hùng tráng, những trang sử hào hùng. Chiến tranh đã lùi xa 36 năm kể từ đại thắng mùa xuân 1975 nhưng thành tích của quân dân Gò Môn vẫn còn vang vọng mãi. Tự hào với truyền thống Gò Môn năm xưa càng hun đúc cho thế hệ trẻ hôm nay lòng yêu nước, ý chí và đạo đức cách mạng, ra sức phấn đấu đóng góp thật nhiều cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Củ Chi ngày càng phát triển toàn diện.
NGỌC THỦY
 

Số lượt người xem: 5874    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm