LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
7
9
9
3
5
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 20 Tháng Chín 2018 9:25:00 SA

Đồng đội ơi! Chúng ta bên nhau

Trong những năm tháng chiến tranh, trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mảnh đất Củ Chi, vùng Đất Thép thành đồng của Tổ quốc. Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Củ Chi đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương. Trong đó có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội.

KÝ ỨC HÀO HÙNG

Khi lần giở những trang sử hào hùng của quê hương Củ Chi, chúng ta cảm thấy đầy tự hào, hãnh diện là người con của quê hương Đất Thép thành đồng; nhưng trong lòng mắt bỗng cảm thấy cay cay khi nghĩ về những sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, vì sự độc lập tự do cho thế hệ mai sau. Trong mưa bom bão đạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm.

Chí lớn đâu phải độc quyền của nam giới. Vì sự bình yên của quê hương, vì sự căm phẫn đối với quân xâm lược tàn sát đồng bào, quê hương mình, những người con gái ngày ấy không chút suy nghĩ riêng tư, sẵn sàng cầm súng chống lại quân xâm lược. Điểm chung nhất của các nữ Du kích Củ Chi huyền thoại là đều đến với cách mạng khi còn rất trẻ - chỉ ở độ tuổi 15-16 nhưng đã biết tham gia làm giao liên, đào địa đạo, nuôi giấu cán bộ, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, rồi tham gia du kích xã…Khi cuộc chiến tranh vào giai đoạn khốc liệt nhất, các nữ du kích Củ Chi trực tiếp tham gia nhiều trận đánh rất dũng cảm, oanh liệt, lập nhiều chiến công, góp phần làm nên huyền thoại trong lòng đất.

Nhớ về trận đánh đầu tiên của Trung đội nữ Du kích Củ Chi, cựu chính trị viên Lê Thị Sương kể: Được tin mật báo về cuộc càn bố của Mỹ-ngụy vào hướng Phú Hòa Đông, các chị Đội nữ gồm du kích Nguyễn Thị Nê, Lê Thị Sương, Trần Thị Nhở kết hợp với du kích và bộ đội thành 3 mũi ém quân, chặn địch tại Cây Trắc, ấp Phú Mỹ. Lúc đó Ban Chỉ huy dự kiến đội nữ ở giữa là mũi thứ yếu, hai mũi do nam giới đảm nhiệm là chính diện đối đầu với địch. Tuy nhiên, địch lại tiến thẳng vào mũi thứ yếu do đội nữ du kích đảm nhiệm, từ thứ yếu trở thành chính diện, không chút chần chừ, các nữ du kích nổ súng. Hai mũi còn lại phối hợp tạo thành thế gọng kìm tấn công, khiến bọn địch rối loạn hàng ngũ. Kết quả trận chống càn này ta tiêu diệt được 30 tên địch, riêng các nữ du kích diệt được 3 tên lính ngụy, không có thương vong, lại thu 3 khẩu súng, 3 quả lựu đạn, nhiều đạn dược, quân trang quân dụng cùng số tiền 130 đồng (tiền Sài Gòn). Ban Chỉ huy Huyện đội quyết định tặng bằng khen Trung đội nữ Du kích, thưởng luôn số tiền vừa thu được cho chị em liên hoan bằng nồi chè thật to để khao quân. Các chị, các má lớn tuổi động viên: “Tưởng đâu con gái chân yếu tay mềm không biết đánh giặc. Không dè tụi bây giỏi quá trời!”. Các má còn vận động bà con mang lương thực, thực phẩm, bánh tráng, đường, sữa tặng cho Trung đội nữ ăn mừng chiến thắng. Cuộc chiến đấu trên vành đai vô cùng gian khổ, ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh nhưng không vì thế mà mọi người chùn bước, ngược lại còn rất lạc quan.

Tuy nhiên sự ác liệt, sự tàn nhẫn của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng, cướp đi bao ước mơ giản đơn, tươi đẹp của 24 nữ du kích. Các chị đẹp như ánh trăng rằm; trẻ trung, tâm hồn đơn sơ, chỉ mong được đi học, được làm nông như bao cô gái khác. Người Đội trưởng đầu tiên của Trung đội nữ Du kích-Liệt sĩ Nguyễn Thị Nê anh dũng hy sinh năm chị 24 tuổi và được Đảng-Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30/8/1995. Hay như Liệt sĩ Nguyễn Thị Xiết ra đi khi chưa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, chưa kịp để lại cho cuộc đời một tấm hình. Hay như Liệt sĩ Tô Thị Ngọc Hà, hy sinh khi vừa tròn 17 tuổi. Hà có nước da trắng, rất đẹp và nết na. Hình ảnh ra đi của các chị thật anh dũng và để lại bao nuối tiếc. Đất cưu mang những vẻ đẹp của những bông hoa mỏng manh nơi tuyến lửa. Những dòng chữ khắc ghi trên tấm mộ bia kia làm sao nói lên được ước mơ của người con gái đang xuân đã gửi vào lòng đất.

Máu xương của các dì, các chị, của đồng đội các dì, các chị cùng của hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nằm xuống và để lại một phần thân thể trên vùng Đất Thép này, đã đắp xây nên chiến thắng của cả dân tộc. Họ đã trở thành tấm gương sáng, bài học lịch sử, bài học giáo dục công dân, bài học đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay.

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Sau ngày đất nước thống nhất, các nữ Du kích Củ Chi lại trở về cuộc sống đời thường. Tiếng súng đã ngưng nhưng những day dứt trong lòng những phụ nữ anh hùng vẫn còn in hằn theo năm tháng.

Cô Lê Thị Sương (Năm Sương), người chính trị viên đầu tiên của Trung đội nữ Du kích Củ Chi khi mới thành lập đã chia sẻ: “Các cô có lời hứa, sau này người sống lo cho người đã mất”. Lời hứa như lời thề minh chứng cho tình cảm đồng đội. Sau khi nghỉ hưu, cô về lại vùng đất gắn với máu thịt mà cô đã một thời kháng chiến để tìm lại đồng đội năm xưa. Để tưởng nhớ những đồng đội đã khuất, hằng năm, cô và đồng đội tụ tập nhau về, lấy ngày giỗ của người “chị cả” Bảy Nê (ngày 10/10 âm lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 chị em đồng đội tại nhà chị Trần Thị Nhở ở ấp Gót Chàng (xã An Nhơn Tây), sau chuyển sang nhà cô Năm Sương.

Đến năm 2013, có quyết định thành lập Ban liên lạc Đội nữ Du kích Củ Chi, lúc này quy tụ được khoảng 20 cựu nữ Du kích, các cô chọn ngày thành lập Trung đội nữ, ngày 10/11 hàng năm làm ngày giỗ. Ngày giỗ cũng là dịp để tưởng nhớ tới những người đã hy sinh cũng là để gặp gỡ, quan tâm, chia sẻ giúp nhau trong những lúc khốn khó, hoạn nạn. Mỗi năm, các cô vẫn tập trung cùng nhau gói bánh tét mang lên đám giỗ, như là một nghĩa cử của đồng đội.

Cô Năm Sương nhớ lại, vào năm 2013 đám giỗ đồng đội lần thứ 34 tại nhà mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi đến 3 triệu đồng để các cô thêm vào làm giỗ, có sự quan tâm của nguyên Thủ tướng ai cũng vui. Còn năm thứ 35 giỗ ở Bến Dược cũng là niềm an ủi cho những gia đình có con gái hy sinh, động viên bao người còn sống trong đó có các nữ du kích Củ Chi.

Sau ngày thành lập Ban Liên lạc, ai nấy đều phấn khởi vui mừng vì có nơi để gặp gỡ, sinh hoạt với các đồng chí, đồng đội từng một thời sát cánh bên nhau. Đến nay, Ban liên lạc đã quy tụ được 57 cô. Những nữ du kích ngày nào, giờ đã là bà ngoại, bà nội, nhưng dưới “mái nhà chung”, các cô thấy mình như thời son trẻ. Họ thường xuyên hỏi han thăm nom sức khỏe của nhau, san sẻ kinh nghiệm làm ăn, vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa và kịp thời giúp đỡ lẫn nhau khi một ai đó lâm vào khó khăn, nhắc nhở chị em làm tấm gương tốt cho thế hệ con cháu.

Ban liên lạc Đội nữ Du kích Củ Chi tận lực tập trung huy động các nguồn lực, cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng chí, đồng đội vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương. Đến nay đã có 6 nhà tình nghĩa cho đồng đội, 10 nhà tình thương, 1 ngôi nhà mơ ước mà Ban liên lạc kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng chăm lo cho các cựu nữ Du kích bệnh tật, neo đơn, khó khăn. Các cô kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của cựu nữ du kích Nguyễn Thị Nỉ, ở ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ. Do di chứng của chiến tranh, cô Nỉ gầy, da chuyển sắc thành đen sạm, các ngón tay và chân co quắp, đi lại khó khăn, cô em gái ở vậy (bỏ bán vé số dạo) để chăm sóc chị. Hai người đàn bà neo đơn, không chồng con sống nương tựa nhau. Ban liên lạc phối hợp với chính quyền địa phương vận động xây mới căn nhà tình thương tặng cho cô Nỉ.

Điều đó cho thấy, đồng đội vẫn thường xuyên đến với nhau, vẫn cùng nhau nắm chặt tay để hỗ trợ, sớt chia ngọt bùi. Những tấm lòng ân tình vẫn còn đó, vẫn chia sẻ cho nhau những gian nan thời bình và nhất là vẫn không quên những đồng đội cũ đã ngã xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay.

Một việc làm hết sức ý nghĩa mà Ban liên lạc đã làm, đó là tập ký sự “Những bông hoa Đất thép”. Cô Phan Thị Ngọc Liễu nói rằng: “Ký sự này là tâm tư, khắc khoải của tất cả chúng tôi từ ngày hoà bình. Mong muốn được ghi lại câu chuyện của đội Nữ du kích, tái hiện lịch sử về đội quân tóc dài huyện Củ Chi, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống cho đất nước cứ luôn canh cánh trong lòng. May mắn, nguyện vọng và tâm huyết đó đã được Huyện ủy Củ Chi nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ kinh phí cho in ấn. Tập Ký sự “Những bông hoa Đất Thép” phát hành hơn 1.000 bản. Nhìn tác phẩm ra đời, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, và thấy như được sống lại trong những ngày còn là nữ Du kích Củ Chi: dấn thân, tự tin, tự hào và ngập ngời lòng yêu quê hương đất nước”. Cô Lê Thị Vân cũng cho biết, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội nữ Du kích Củ Chi đã đạt được kết quả. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định số: 623/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội nữ Du kích Củ Chi vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mảnh đất và con người Củ Chi vẫn giữ truyền thống, tinh thần yêu quê hương nồng nàn, thấm đậm nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Những nữ du kích năm xưa vẫn đang tiếp tục sống xứng đáng với quá khứ anh hùng của quê hương, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, trở thành những tấm gương sáng để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

KIỀU NGÂN


Số lượt người xem: 2963    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm