LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
3
4
0
1
3
Tin tức 25 Tháng Tư 2016 1:20:00 CH

Những con đường ở đất thép

Sau ngày giải phóng, bằng tất cả ân tình cách mạng, phát huy nghĩa tình “chung lưng đấu cật” trong kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất thép Củ Chi đã làm nên những thành tựu trong xây dựng phát triển kinh tế. Huyện anh hùng này có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh nhất cả nước.

 

Nhớ lại những năm đầu khi mới giải phóng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trương Văn Thống cho biết: “Khi ấy toàn huyện chỉ có 420 tuyến đường đất, mùa nắng thì “dậy cát”, mùa mưa thì sình lầy, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Thương nhất là các em học sinh đến được trường thì đã trễ giờ học và quần áo bụi bùn lấm lem. Đường sá như vậy cũng được xem là sức ì kìm hãm sự phát triển, dân cư thưa thớt ít người qua lại, không có dịch vụ kinh doanh nào phát triển”.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hàng loạt giải pháp để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) được phát động dựa trên nghĩa vụ lao động công ích của người dân. Thanh niên được xem là lực lượng nòng cốt trong đào đắp đường. Nhưng cuốc xẻng và sức người cũng chỉ giải quyết được phần ngọn là chắp vá cho bớt loang lổ, sình lầy mà thôi. Mỗi mùa mưa đi qua, đâu lại vào đó, đường xuống cấp, thế là lại tiếp tục huy động mọi người đắp đường”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi Khâu Sỹ Nam hồi tưởng.
Đường giao thông ở Củ Chi thật sự bắt đầu hoàn chỉnh vào giai đoạn 1990- 2000, với phong trào toàn dân hiến đất làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” do huyện phát động trên cơ sở “Dân bàn, dân biết, dân kiểm tra và trực tiếp hưởng lợi”. Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, tiêu biểu là 500 hộ dân ấp Cây Trắc, xã Phú Hòa Đông đã hiến hàng nghìn mét đất để xã thi công, làm mới nền hạ các tuyến đường GTNT trong toàn ấp. Người dân còn tự nguyện đóng công góp sức tự phá dỡ hàng rào, chặt hạ cây cối. Từ phong trào hiến đất làm đường ở xã Phú Hòa Đông, mô hình đã được nhân rộng ra khắp 178 ấp, khu phố trên toàn huyện. Người dân hiến đất giúp cho huyện Củ Chi thiết lập nền hạ 750 tuyến đường liên ấp, liên xã, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở đã có các tuyến đường được thiết lập nền hạ, huyện Củ Chi đầu tư rải sỏi đỏ và láng nhựa các con đường. Người dân nơi đây lại tiếp tục đóng góp vốn cùng chính quyền để làm đường. Trong giai đoạn 2000-2010, từ nguồn vốn của nhân dân và ngân sách, hầu hết các tuyến đường GTNT ở huyện được láng nhựa hoặc cấp phối sỏi đỏ, có cả những tuyến giao thông nội đồng cũng được cấp phối, giúp nông dân vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng. Điều đáng quý là dù đời sống của phần lớn hộ dân ở huyện còn khó khăn nhưng người dân Củ Chi lại đóng góp 12 tỷ đồng để lắp 9.900 bóng đèn chiếu sáng trên khắp các tuyến đường (ngoài đóng góp làm đường).
Tính đến nay, từ 420 tuyến GTNT ban đầu, huyện Củ Chi đã có 1.674 tuyến đường với chiều dài 1.362 km, trong đó có 684 km đã được bê-tông nhựa nóng, 267 km cấp phối sỏi đỏ. Với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như vậy, từ một huyện thuần nông, đến nay Củ Chi đã hình thành 6 cụm công nghiệp với 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (thu hút 2.453 doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho 72 nghìn lao động của huyện). Không những vậy, hệ thống hạ tầng này góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả sử dụng đất của người dân nông thôn.
Gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân Củ Chi lại tiếp tục hy sinh đất đai hoa màu, công trình xây dựng của gia đình để Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Cụ thể, qua xây dựng nông thôn mới, đã có 1.630 hộ dân hiến 396 nghìn m2 đất (trị giá 120 tỷ đồng). Ngoài ra, bà con còn tích cực thi đua lao động sản xuất làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp xây dựng làng quê của mình ngày một phát triển, đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Lão nông Lê Văn Nghiệm (75 tuổi, xã Tân An Hội) nói: “Mừng lắm, ước mơ của nhiều thế hệ ông cha tui, giờ đã thành hiện thực rồi, đường sá khang trang như vậy mới thấy cán bộ mình, nhân dân mình đoàn kết yêu thương, tất cả vì cái chung mà”.
Để có được độc lập tự do, trước đây người dân Củ Chi đã tiễn hàng nghìn người con ra trận, và trong phát triển và xây dựng nông thôn mới hôm nay, người dân lại tiếp tục có những đóng góp cho quê hương, làm ngời sáng thêm truyền thống “Đất thép thành đồng”.

 

VĂN TÀI


Số lượt người xem: 2564    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm