LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
9
1
1
4
Tin tức 28 Tháng Tư 2016 1:15:00 CH

Gặp lại nữ kiện tướng đào kênh – Nguyễn Thị Ngỡ

Đi dọc kênh Đông, dù cái nắng tháng tư oi ả nhưng dòng nước vẫn mát lành tưới tắm cho ruộng lúa, rẫy rau thêm xanh tốt. Từng được ví là “địa đạo nổi” trên mặt đất, dòng kênh là niềm tự hào của người dân vùng đất Thép vì họ chính là những người góp phần tạo nên nó. Gặp lại nữ kiện tướng đào kênh – Nguyễn Thị Ngỡ (ngụ ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng), bà đưa chúng tôi quay về quá khứ với những ngày đầu gian khó để có dòng nước trong xanh, ngọt mát như hôm nay.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Củ Chi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Kinh tế thuần nông lạc hậu thấp kém mang tính tự cấp tự túc. Phần lớn ruộng chỉ canh tác một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong 2 năm 1977 - 1978, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thủy lợi trong toàn huyện vì đây là biện pháp hàng đầu để thâm canh tăng vụ, tăng năng suất. Mùa khô năm 1978, huyện đã chủ động ra quân thực hiện hai công trình thủy lợi Đức Lập và Quyết Thắng, huy động đông đảo lực lượng của các ban ngành, đoàn thể ra làm. Kết quả hai công trình đã hoàn thành trước thời hạn 8 ngày. Trong 2 năm 1977 – 1978 có 709.591 ngày công tham gia thực hiện các công trình thủy lợi lớn nhỏ trong toàn huyện, với tổng số đất đào đắp là 785.688 m3, tát 3.500 m3 nước phục vụ cho đào vét, đắp 12.000 m bờ bao ngạn và đào 406 giếng nước phục vụ sản xuất, giải quyết tưới tiêu, tháo chua, rửa phèn cho 5.313 ha lúa.
Dì Ngỡ nhớ lại, lúc ấy, dì là Ủy viên Ban chấp hành xã Đoàn Trung Lập. Ở cái tuổi 19 tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ dì đã hăng hái vận động đoàn viên thanh niên trong xã tham gia đào kênh Trung Hưng, Tam Tân, đào ao cá Bác Hồ… Đôi mắt dì Ngỡ sáng lên đầy tự hào: “Thời ấy, thanh niên ai cũng nhiệt tình với công việc, được vận động là mọi người tham gia ngay. Bởi vì ai ai cũng ý thức được rằng, công sức của mình bỏ ra để dân quê mình có nước tưới đồng ruộng đâu thấm vào đâu so với những hy sinh mất mát trong chiến tranh”. Giai đoạn ấy, không chỉ có người dân trong huyện mà thanh niên xung phong của các quận, huyện khác trong thành phố cũng về vùng đất Củ Chi tham gia đào kênh. Chính quyền giao mỗi xã đào một đoạn kênh. Mọi người bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ trưa nửa tiếng, sau đó lại bắt đầu công việc đến 4 giờ chiều. Rồi dì kể, công việc đào kênh vất vả vô cùng. Dụng cụ trong tay chỉ là cái cuốc, cái xẻng và làm bằng sức con người. Trước khi đào mọi người phải dọn dẹp cây bụi rậm, dứa gai, vừa dọn vừa sợ rắn, rết cắn. Khi đào, mọi người phải thay phiên nhau vác bao đất đá trên lưng, bấu chặt ngón chân vào lòng kênh rồi ra sức cõng bao chạy lên phía trên mặt đất. Mùa nắng, đất khô cằn, sỏi đá nhưng thanh niên ai cũng đầu trần chân đất, không găng tay, không khẩu trang, làm việc cả ngày dưới cái nắng như cháy da cháy thịt. Có những người không chịu được nắng, chói nước đã đổ bệnh. Dì Ngỡ nói thêm, bản thân dì là nông dân quanh năm vất vả với bao nhiêu chuyện nặng nhọc nhưng so với việc đào kênh thì nỗi vất vả đó không thấm vào đâu. Mấy ngày đầu đi làm sáng thức dậy bụng đau ê ẩm không sao đứng thẳng được. Còn những người khác ban đầu tay sưng phồng, chảy nước, ứa máu. Còn ăn uống thì thiếu thốn trăm bề. Có những khu vực không có nước, mọi người phải chắt chiu từng can nước ngọt mang từ nhà đến. Bữa cơm đạm bạc chỉ có đậu phộng kho và ăn cho qua bữa. Khó khăn, thiếu thốn, vất vả là vậy nhưng không ai chịu bỏ việc và quyết tâm làm đúng tiến độ công trình.
Để khích lệ tinh thần lao động hăng say trong quần chúng, trong các buổi lao động, các xã tổ chức nhiều hội thi để thi đua lao động. Nhằm phát triển phong trào một cách mạnh mẽ, năm 1979, Huyện đoàn đã tổ chức cuộc thi “đào đất” giữa các xã. Mỗi xã cử ra một đội để tham gia cuộc thi. Chính quyền xã Trung Lập cũ (nay là Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ) vận động dì Ngỡ và một số thanh niên làm giỏi như Út Trinh, Năm Rao, Trai, Sâm… đi thi kiện tướng cấp huyện. Cuộc thi được ví như ngày hội lớn của huyện. Mỗi xã một đội (12 người gồm 1 y tá và 1 hậu cần) tập trung tại một địa điểm làm kênh trong huyện, thi với nhau trong vòng một tuần, đội nào một ngày đào hơn 10 m3 đất đội đó sẽ đạt danh hiệu “Kiện tướng”. Nhưng không đơn giản chỉ vậy, trong quá trình đào, các đội phải tuân thủ kỹ thuật được quy định sẵn: bề ngang của kênh dài 8m, đáy kênh dạng chiếc bát ngang 4m, chiều sâu 5m, bờ thành là 4m để đi lại được. Để chuyển được khối đất đào được lên bờ, người đào phải đào dạng bậc thang từ đáy kênh lên. Sau khi đào xong phải sạt lại từ bờ đến đáy cho bằng phẳng thì mới được cho là thắng cuộc thi. Dì tự hào kể: “Năm đó xã tôi đã giành được danh hiệu “Kiện tướng”. Phần thưởng là chiếc huy hiệu máy cày được gắn trên ngực áo với ý so sánh sức người làm việc được ví như sức chiếc máy cày. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng đối với mọi người đó là một niềm vinh dự lớn lao”.
Qua phong trào thủy lợi, toàn huyện xuất hiện hàng trăm thanh niên tiên tiến, không chỉ riêng dì Ngỡ mà còn có trên 190 người nhận danh hiệu kiện tướng. Nhưng có lẽ trong hoàn cảnh ấy không ai nghĩ đến việc mình sẽ được vinh danh và nhận danh hiệu đó mà trong suy nghĩ của mỗi người phải gắn sức làm để đội thi công của thành phố tiến hành giai đoạn 2 bằng máy móc và mau dẫn nước về với quê mình. Dì Ngỡ chia sẻ, ngày nước về lòng dì vui khôn xiết. Từ khi có nước kênh Đông, toàn huyện Củ Chi đã tiến hành khai hoang phục hóa, tháo chua, xổ phèn đồng ruộng. Giờ đây, cây lúa đủ nước nên xanh mướt, người nông dân sản xuất tăng vụ, tăng năng suất và cảnh thiếu ăn, thiếu lương thực không còn nữa. Nhiều diện tích trước kia bỏ hoang do không có nguồn nước tưới, sản xuất một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, nay sản xuất được 4 vụ/năm. Trong đó lúa từ 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ; đậu phộng từ 0,8 - 1,2 tấn/vụ/ha, tăng bình quân lên 3,2 - 3,5 tấn/ha/vụ. Nông dân đã yên tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đất Thép xưa kia trở thành một vùng đất trù phú xanh tươi, là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố.
Đã hơn 30 năm trôi qua, nữ kiện tướng đào kênh Nguyễn Thị Ngỡ và những thanh niên hăng say làm công trình thủy lợi Kênh Đông ngày ấy nay tóc đã điểm bạc, pha sương. Nhưng có lẽ những gì họ cống hiến cho quê hương trong những ngày đầu kiến thiết vùng đất thép vẫn mãi trường tồn theo thời gian. Mỗi nhát cuốc khoét sâu vào lòng đất chất chứa trong đó cả một tình cảm tha thiết của họ với quê hương và có cả sức mạnh thép:
“Bàn tay ta làm nên tất cả.
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

 

Ngọc Thủy


Số lượt người xem: 2374    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm