LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
4
8
8
9
0
7
Tin tức 18 Tháng Mười 2020 8:55:00 CH

Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Trung tâm Y tế huyện cho biết, trong tháng 9 năm 2020, trên địa bàn huyện ghi nhận thêm 147 ca mắc sốt xuất huyết mới phải nhập viện điều trị và điều trị tại nhà. Đây là tháng có ca bệnh tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết trong 9 tháng qua trên địa bàn huyện Củ Chi là 675 ca (cả nội trú và ngoại trú). Thời tiết mưa nhiều như hiện nay, bên cạnh phòng dịch CoViD-19, phòng bệnh bạch hầu, việc phòng bệnh sốt xuất huyết không thể lơ là.

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi vằn truyền. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Muỗi vằn là loài muỗi ưa thích hút máu người nên thường sống trong nhà và đậu nghỉ ở chỗ ẩm, tối hoặc các vật dụng có mùi mồ hôi người như trong nhà vệ sinh, nhà tắm, quần áo đã mặc, mũ bảo hiểm, rèm vải... Muỗi có thể đốt người cả ngày nhưng thường nhiều hơn vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Muỗi vằn thường đẻ trứng ở các đồ vật chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như: hồ nước, xô, thau, chậu cây cảnh, bình hoa có nước; các phế liệu phế thải đọng nước mưa…. Do đó, diệt muỗi, đặc biệt là diệt lăng quăng là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Ngành y tế khuyến cáo, để diệt muỗi, diệt lăng quăng tại cộng đồng, người dân không nên tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun vì nếu phun không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và không đúng chủng loại hóa chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng sẽ không có hiệu quả diệt muỗi, ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp hoặc làm tăng tính kháng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi có nhu cầu về phun hóa chất diệt muỗi cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn như Trạm Y tế xã, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1, Hồ Ngọc Tấn Tài (Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi): Không phải đến khi bị mắc sốt xuất huyết mới quan tâm điều trị, mà việc phòng bệnh sốt xuất huyết phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Biện pháp phòng ngừa nên áp dụng cho mọi đối tượng. Khi chúng ta bị đã bị sốt xuất huyết lần 01, thì có thể bị nhiễm lần 02. Và khi bệnh nhiễm lần 02 thường nặng hơn lần 01. Hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Vì vậy, để phòng bệnh chúng ta cần phòng ngừa bị muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Những việc có thể làm như:

Thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp;

Thay nước bình bông, dọn dẹp, loại bỏ vật phế thải có thể gây đọng nước;

Giữ nhà cửa thông thoáng, gọn gàng sạch sẽ.

Ngủ mùng (ban ngày lẫn ban đêm), mặc quần áo dài tay.

Làm lưới che cửa; dùng nhang xua muỗi, bình xịt côn trùng, vợt điện… để diệt muỗi.

KHÔNG CÓ MUỖI, KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT!

Thúy An

 


Số lượt người xem: 1075    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm