LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
3
8
7
2
5
Tin tức 12 Tháng Bảy 2021 4:35:00 CH

Ghi nhận hàng hóa, thực phẩm thiết yếu qua 4 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

Đến nay – ngày thứ 4 áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch CoVid-19. Bên cạnh thực hiện các biện pháp chống dịch của ngành y tế thì việc đảm bảo nhu cầu nhu sắm những thực phẩm thiết yếu cũng được huyện quan tâm thực hiện. Hiện nay, lượng hàng hóa dồi dào, tuy nhiên tại các chợ nhiều mặt hàng có tăng giá.

Đến thời điểm này, các loại hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện, chưa xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Củ Chi, Trung tâm Thương mại Satra Centre mall và hệ thống cửa hàng tiện ích của Bách hóa xanh, Satrafoods đã tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, góp phần đảm bảo đủ nguồn thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, hạn chế tập trung đông người. Số lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng từ 30 đến 50% so với thời điểm trước khi áp dụng Chỉ thị số 16. Lượng ng hóa được đưa lên kệ dồi dào, đầy đủ, các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá giá ổn định, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Siêu thị Coop.mart Củ Chi cho biết, trong 4 ngày qua, thỉnh thoảng các mặt hàng thịt cá, rau, củ, quả, thực phẩm đóng gói như lẩu... thiếu cục bộ nhưng siêu thị đã kịp thời bổ sung để phục vụ khách hàng.

Theo thông tin của Phòng Kinh tế huyện, nhìn chung, tình hình mua bán tại các chợ truyền thống giảm khoảng 50% so với những ngày trước đó. Một phần là do những ngày trước, người dân có sự chuẩn bị, mua đủ đồ dùng cần thiết, hạn chế ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Giá cả các mặt hàng thiết yếu kinh doanh tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến; tuy nhiên, một số mặt hàng tăng giá so với trước đó như thủy, hải sản, thịt heo, rau củ quả, trứng gà, vịt... Ghi nhận thêm tại chợ Củ Chi sau khi các chợ đầu mối dừng hoạt động để chống dịch bệnh, Ban Quản lý chợ thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo ổn định không để đứt hàng. Trong ngày 12/7, số lượng người dân đến chợ có giảm hơn so với những ngày trước. Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu giá ổn định, chỉ có bí xanh và bí đủ tăng từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.
Còn tại chợ Phú Hòa Đông, các mặt hàng rau, củ, quả tăng khoảng 10%, các mặt hàng khác không tăng. Tại chợ Phú Mỹ Hưng các mặt hàng thịt, cá, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt không tăng; đường cát trắng tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg; rau, củ, quả các loại tăng từ 7.000 đến 12.000 đồng/kg. Chợ Chiều Tân Thạnh Đông giá rau, củ, quả tăng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Tại chợ Lô 6 xã An Nhơn Tây giá rau, củ, quả cũng tăng khá cao, có những mặt hàng tăng 50% so với trước đó, cụ thể giá khổ qua những ngày trước giá 20.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, dưa leo từ 20.000 đồng nay lên 40.000 đồng/kg, mướp từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, bắp cải từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg, đậu đũa từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/kg...
Phóng viên chúng tôi cũng khảo sát 3 tạp hóa và siêu thị nhỏ tại xã Tân An Hội dầu ăn tăng thêm khoảng 2.000 đồng, một số mặt hàng đồ khô giảm giá. Ở xã Tân Thạnh Tây các siêu thị bách hóa xanh, satra khách mua tăng từ 30 - 40% nhưng giá vẫn ổn định; riêng các tiệm tạp hóa một số mặt hàng tăng không nhiều từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng. Giá cả lương thực, thực phẩm trên địa bàn xã Phạm Văn Cội tăng không đáng kể, chợ truyền thống xã tăng khoảng từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng tùy theo các mặt hàng. tại xã Phước Thạnh các siêu thị bách hóa xanh và satrafood sáng nay  giá không tăng so với những ngày trước.                         
Qua ghi nhận tình hình tại chợ Trung An, sáng nay người đi chợ rất ít, giảm khoảng 60% so với ngày chủ nhật. Trung bình giá các mặt hàng có tăng so ngày thường nhưng vẫn duy trì ổn định trong khoảng 7 ngày gần đây, trung bình tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tuỳ theo loại. Riêng một số loại như cá, đồ biển tăng 10.000 đến 20.000 đồng/kg do hàng cung hiếm, vẫn chuyển khó khăn như: cá, thuỷ hải sản, rau nêm… Đối với mặt hàng thịt heo, giá không tăng, cụ thể: ba rọi 130.000 đồng/kg; xương, giò 100.000 đồng/kg; thịt đùi: 110.000 đồng/kg. Rau củ các loại giá không tăng so với những ngày trước: rau sống các loại 65.000 đồng/kg, khổ qua 30.000 đồng/kg, chỉ có hành lá tăng 20k/kg, thơm 12.000 đồng/trái, măng cụt: 50.000 đồng/kg, cam 28.000 đồng/kg. Giá bán lẻ một số loại gạo tại đại lý vẫn bình ổn, cụ thể: gạo thơm thái lan: 14.000 đồng/kg, gạo tài nguyên xanh: 13.500 đồng/kg…Tình hình tại cửa hàng Bách hoá xanh, siêu thi Satra giá cả bình ổn, cửa hàng Co.op Smile ấp Thạnh An tạm thời đóng cửa do dồn lực về hệ thống. Riêng tại 1 số tiệm tạp hoá, giá cả vẫn bình thường giống trước đây. Để đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, ngay từ sáng sớm, lựa lượng chức năng xã đã túc trực để tuần tra, kiểm soát tình hình tại chợ. Ban Quản lý chợ duy trì thiết lập hàng rào chắn tại các đoạn đường đi vào chợ,  bố trí các điểm giữ xe tạm, tuyệt đối không cho các xe ra vào chợ. Đồng thời bố trí người phát, thu hồi thẻ vào chợ, thực hiện đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế, đảm bảo 100% người vào chợ được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế trước khi vào chợ. Để khống chế số lượng người vào chợ mua lương thực thực phẩm, xã đã tiến hành phát thẻ cho người dân vào chợ và trả lại thẻ khi ra về. Tuy nhiên, do tâm lý muốn đi nhanh về sớm, một số người dân chưa có ý cao trong việc xếp hàng, giữ khoảng cách chờ tới lượt. Do đó, Ban quản lý chợ còn thường xuyên đi kiểm tra để nhắc nhở người dân không tập trung đông tại quầy hàng,  tranh thủ mua nhanh và giữ khoảng cách khi trao đổi mua bán với nhau. Chị Phạm Thị Thỉnh, người dân ấp Chợ chia sẻ:“Từ khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, là người dân, tôi thấy đây là quyết định đúng, kịp thời. Lúc đầu, bản thân tôi gặp nhiều khó khăn do thói quen đi chợ hằng ngày, tuy vậy qua các kênh thông tin tuyên truyền tôi hiểu được và có phần an tâm hơn vào việc chống dịch của chính quyền… Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, gia đình tôi đi chợ có 1 lần. Gia đình tôi rất hạn chế đi chợ, nếu đi thì cũng đi thật nhanh, mua những thứ cần thiết rồi tranh thủ về ngay. Để đảm bảo sức khoẻ an toàn cho gia đình trong mùa dịch thì tôi mua thức ăn cho 2 -3 ngày, chủ yếu là đặt hàng siêu thị giao tận nhà, tôi mong dịch sớm qua nhanh để mọi người quay lại cuộc sống bình thường như trước đây”.
Qua ghi nhận trên, để bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu và không gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chủ động điều phối nguồn hàng đến những nơi khan hiếm hàng để phục vụ nhu cầu người dân trong những ngày giãn cách này.
TP.HCM hiện có 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu.  Trong đó, Củ Chi có  75 điểm. Hàng hóa luôn dồi dào, người dân cứ yên tâm, không nên tập trung mua gom hàng dự trữ. Đặc biệt, người dân nên lựa chọn hình thức mua hàng qua các kênh online để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Mong người dân yên tâm ở nhà, chung tay cùng chính quyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Số lượt người xem: 484    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm