LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
6
3
5
1
3
Tin tức 29 Tháng Sáu 2021 10:40:00 SA

ĐI CHỢ… MÙA DỊCH BỆNH

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh CoViD-19, thì việc “hôm nay ăn gì” với các bà nội trợ trở nên “khá căng thẳng”. Bởi tâm lý ngại hay việc hạn chế đến nơi đông người dần thay đổi thói quen đi chợ của mọi người. Và câu hỏi đặt ra là, đi chợ… mùa dịch bệnh CoViD-19 như thế nào? Làm sao để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình khi đến nơi đông người?

Rất dễ thấy rằng, vài ngày qua, nhất là khi Sở Công thương TP.HCM có văn bản khẩn về việc tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch CoViD-19 đối với các chợ truyền thống, thì ghi nhận tại hấu hết các chợ truyền thống trên địa bàn huyện đều giảm lượng khách hàng rõ rệt so với những ngày bình thường. Một số chợ thực hiện chỉ bán buổi sáng, phát phiếu cho người dân đi chợ ngày chẳn, ngày lẻ để giảm và kiểm soát tốt lượng người ra vào chợ. Đối với những tiểu thương buôn bán ở chợ thì… dù khách đông hay thưa, vì kế sinh nhai hàng ngày nên việc “bám” chợ, giữ nghề là chuyện tất nhiên, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, đáng mừng là hầu hết những tiểu thương buôn bán các mặt hàng không thiết yếu như: quần áo, giày dép, mùng mền, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em v.v…. đã có ý thức tạm dừng kinh doanh, mua bán để phòng dịch. Ý thức thực hiện 5K của tiểu thương và người đi chợ cũng đang dần tốt hơn.

Nhưng chợ lại là một trong những điểm có lượng người tập trung rất nhiều, mà đây lại là điều tối kỵ với việc phòng, chống dịch CoViD-19. Vì vậy, việc nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chợ cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Khi đi chợ, mỗi cá nhân cần thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch CoViD-19 và chính quyền địa phương.

Người đi chợ, đi mua hàng cần lưu ý: Không đi chợ khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở; Phải đeo khẩu trang và đeo đúng cách từ nhà cho đến khi vào chợ và từ chợ về nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m mét khi mua hàng, khi thanh toán, khi trao đổi với người bán hàng... Hãy rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi vào chợ và khi ra về. Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Ngoài ra, cần thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; khai báo y tế trước khi vào chợ. Trước khi đi chợ, nên tính toán mua những gì để khi ra chợ mua xong là về ngay, tránh tình trạng đi đến nhiều nơi trong chợ không cần thiết; cũng nên tính toán để mua đủ số lượng thực phẩm mà gia đình ăn đủ trong 2 đến 3 ngày, để tránh phải đi chợ nhiều lần.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch CoViD-19 khi đi chợ, người dân cũng nên hạn chế đi chợ vào những giờ cao điểm, có đông người cùng đi; khuyến khích chuyển sang mua hàng và thanh toán trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Đối với người bán hàng, người lao động tại chợ cũng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau: Không đi bán hàng, đi làm khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở; Phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian bán hàng, làm việc tại chợ, không kéo khẩu trang xuống để ăn uống, hút thuốc, nói chuyện; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc vệ sinh tay với dung dịch sát khuẩn, nhất là khi đến chợ, sau khi ra về; Không bắt tay, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m khi tiếp xúc trực tiếp với bạn hàng và người mua hàng; không tụ tập trò chuyện với bạn hàng. Tuyệt đối không được khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

Tiểu thương, người đến làm việc tại chợ cũng cần cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế trong suốt thời gian bán hàng, làm việc nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; đồng thời phải thông báo kịp thời cho ban quản lý chợ hoặc cơ sở y tế nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương và Ban quản lý chợ phải tổ chức chốt kiểm tra thân nhiệt và bàn khai báo y tế đối với tất cả mọi người ra vào chợ. Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí thuận tiện (nếu có thể), xà phòng tại các khu vệ sinh; Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc người bán hàng, người lao động tại chợ và người mua hàng thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế.

Đi chợ an toàn là chủ động phòng dịch CoViD-19 cho bản thân, gia đình và xã hội!

 

 

 

 


Số lượt người xem: 384    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm