LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
2
1
8
4
2
Tin tức 31 Tháng Năm 2015 9:05:00 SA

Chung tay vì môi trường không khói thuốc

Thuốc lá không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người không hút thuốc, nhưng hít phải khói (gọi là hút thuốc lá thụ động). Theo Tổ chức y tế thế giới, hút thuốc thụ động là đặt con người vào mức không an toàn, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Do đó, phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, của một cá nhân nào mà là của toàn cộng đồng xã hội.

 Trong khói thuốc lá có chứa các hóa chất độc gây nên bệnh ung thư, các kim loại độc hại, các  kim loại có tính phóng xạ, các chất gây ngộ độc, đặc biệt nicotine chính là thủ phạm gây nghiện trong thuốc lá. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, dạ dày, da, dương vật, cổ tử cung,….gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim mạch, nhăn da, viêm nha chu, rụng tóc, đục thủy tinh thể, giảm thính lực. Cụ thể, hút thuốc lá nguy hại sức khỏe cho nam giới: tăng nguy cơ vô sinh, tăng đột biến gen dẫn đến bất thường di truyền cho con. Đối với phụ nữ, hút thuốc lá chủ động hay thụ động sẽ dẫn đến các nguy cơ: đột biến gene, tiểu đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loãng xương; đặc biệt với phụ nữ mang thai có thể dẫn đến các nguy cơ tăng tai biến sản khoa trong chuyển dạ, sanh non, thai nhi chết trong lúc sanh, thai nhi nhẹ ký, đột tử ở trẻ sơ sinh… Đối với trẻ con, khi bú sữa mẹ có nhiễm khói thuốc lá dẫn đến con trẻ bị: hen, hội chứng đột tử ở trẻ dưới một tuổi; Hít thuốc lá thụ động: trẻ kém phát triển về nhận thức, đọc chậm.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư. Nếu như từ bỏ thuốc lá, cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ  giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Tại huyện Củ Chi, sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), UBND huyện đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, góp phần phòng chống tác hại thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng. Cụ thể: tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng; tổ chức cai nghiện thuốc lá; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng chống tác hại thuốc lá…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá huyện, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn huyện được triển khai khá sâu rộng với nhiều hình thức phong phú. Huyện và các xã-thị trấn đã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; tổ chức khảo sát, đánh giá ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá và chuyển đổi hành vi hút thuốc lá. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng buôn bán thuốc lá vẫn đang có diễn biến phức tạp; hiện tượng hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến, tỷ lệ từ bỏ sử dụng thuốc lá còn thấp, việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để… Ngoài ra, theo Nghị định số 176/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng… Quy định là vậy nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư phì phèo thuốc lá ở những nơi không được phép hút, nhất lại tại các bệnh viện, bến xe hay các khu vực công cộng khác. Nguyên nhân là do có quy định cấm hút thuốc nhưng lại không có lực lượng nào chuyên trách nên việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng gặp rất nhiều khó khăn... Vì vậy, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng, đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là trong thanh thiếu niên về tác hại thuốc lá; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; xây dựng và tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng…

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá TTYTDP huyện sẽ tiếp tục triển khai Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá tại trung tâm và 21 trạm y tế xã-thị trấn, thực hiện cơ sở y tế không khói thuốc lá, công chức, viên chức tại đơn vị cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị. Đồng thời, công chức, viên chức nhắc nhở bệnh nhân, thân nhân và khách đến liên hệ công tác không được hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị; Nếu công chức, viên chức vi phạm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ xử phạt theo quy chế của đơn vị.

Có thể nói, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Vì sức khỏe bản thân, sức khỏe của những người thân trong gia đình và cộng đồng mỗi người chúng ta hãy chung tay xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá.

Đặng Thảo


Số lượt người xem: 2508    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm