LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
9
6
1
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 21 Tháng Tư 2023 9:15:00 SA

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"

Ngày 16/8/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết 23). 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, Đảng bộ, Chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, đa dạng với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.

Đưa Nghị quyết 23 vào cuộc sống
“Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật của huyện cũng đã bám sát thực tiễn, phản ánh đa dạng sự vận động của hiện thực cuộc sống bằng tinh thần nhân văn, tích cực. Văn học nghệ thuật của huyện đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, gặt hái nhiều kết quả đáng tích cực”, Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Quyết Thắng đã cho biết tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện. Để đạt kết quả này, huyện ủy đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ huyện, chỉ đạo các cơ sở Đảng trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai, quán triệt đến tận đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân và cụ thể hóa nhiệm vụ công tác văn học, nghệ thuật vào nội dung chương trình, kế hoạch công tác hàng năm góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, xã thị trấn đã chủ động xây dựng nội dung thực hiện cụ thể về “xây dựng và phát triển văn học-nghệ thuật trong thời kỳ mới” gắn với tình hình đặc điểm ở địa phương, đơn vị. Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò hoạt động; tham mưu triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của chính quyền các cấp về văn học, nghệ thuật.
Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin phục vụ Nhân dân trên địa bàn được xây dựng hoàn thành theo tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh. Cơ sở vật chất đảm bảo, hàng năm tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan định kỳ như: liên hoan đờn ca tài tử, hội diễn văn nghệ quần chúng và các phong trào văn nghệ do các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức… Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, chất lượng các cuộc thi, hội diễn, liên hoan được nâng lên, ngày càng thu hút đông đảo các lực lượng tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân. Các hình thức đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập, một mặt vừa tổ chức phục vụ Nhân dân, một mặt vừa thu hút Nhân dân cùng tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, tạo nên môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh. Ngoài ra, cùng với văn nghệ sĩ Thành phố, các văn nghệ sĩ trên địa bàn huyện đã tham gia sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật, tham gia hội thi tiếng hát nông thôn mới do Thành phố tổ chức. Những tác phẩm đã đem lại làn gió mới trong phong trào sáng tác của huyện, gắn bó, gần gũi với hơi thở cuộc sống vùng nông thôn mới huyện Củ Chi. Hàng năm, huyện tổ chức Hội thi viết, xây dựng kỷ yếu về các tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo nguồn cảm hứng đồng thời lan tỏa “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “Lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực” hướng đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, quê hương. Riêng năm 2022 phát động cuộc thi viết “Gương sáng đảng viên quanh tôi” thu hút 1.198 thí sinh dự thi; thực hiện viết và tôn vinh 1.210 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Toàn huyện đã xây dựng 111 công trình, mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh với hàng ngàn ấn phẩm, tư liệu quý về Bác Hồ tại các cơ quan, đơn vị. Thông qua xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân huyện nhà.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện diễn ra sôi nổi, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Liên hoan, hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng được tổ chức định kỳ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 73 câu lạc bộ đờn ca tài tử cải lương với 422 thành viên tham gia hoạt động thường xuyên có nhiều sáng tác mới phục vụ người dân tại các ấp, khu phố văn hóa trên địa bàn huyện. Ngoài loại hình đờn ca tài tử cải lương, huyện còn có 300 đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư góp phần phát triển văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển và tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển bền vững. Bà Đặng Thị Kim, Phó Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Tân Thạnh Tây chia sẻ: “Nhờ có sân chơi Câu lạc bộ Đờn ca tài tử mà đã thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia ca hát, giải trí lành mạnh. Hiện nay, phong trào đang được đi lên đáp ứng nhu cầu phục vụ văn hóa, tinh thần của người dân”.
Tiếng hát át tiếng bom
48 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng dưới mưa bom lửa đạn, đưa tiếng hát, lời ca phục vụ các chiến sĩ nơi trận tuyến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của nhiều nghệ sĩ. Sáng tác các ca khúc và đưa ca khúc đến mọi người giống như nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ mỗi khi tiếng hát được cất lên. Biết bao tình cảm, niềm tin chiến thắng của các văn nghệ sĩ trên quê hương Củ Chi đã gửi gắm qua từng lời ca, tiếng hát đến với các chiến sĩ và Nhân dân nơi trận tuyến, góp thêm sức mạnh tinh thần không thể nào đo đếm được cho cuộc chiến đấu của quân dân ta đến ngày toàn thắng. Ông Nguyễn Hoàng Trung (tức Nghệ sĩ Hoàng Trung, cư ngụ xã Phú Hòa Đông), một trong những người nghệ sĩ đã tích cực sáng tác nhiều ca khúc và tham gia biểu diễn cho đồng bào chiến sĩ, thắp lên ngọn lửa hào hùng đấu tranh để mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước và từ đó chiến đấu để giành lấy sự tự do, độc lập. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã sử dụng ngòi bút để viết nên những ca khúc động viên thanh niên tòng quân và tiếng hát của mình để cùng đồng đội, đồng chí dùng tiếng hát át tiếng bom. Ông đã nhớ lại: Đoàn văn công giải phóng khu Sài Gòn Gia Định về hoạt động ở Củ Chi, chúng tôi vượt sông về Bến Dược hát. Khi phục vụ bà con, nghe tiếng pháo, máy bay gầm rú, đoàn văn công tính dừng biểu diễn để đảm bảo an toàn cho mọi người. Nhưng bà con đã nói “Tụi tui còn ngồi coi thì nhiệm vụ mấy chú còn hát, hát để át tiếng bom”. Điều này đã cho thấy tình cảm và sự yêu mến của bà con dành cho đoàn văn công, bởi những ca khúc, giọng ca đang mang lại hơi thở mới, tiếp thêm nghị lực giúp mọi người vượt qua bom đạn của quân thù.
Tự hào về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, các Câu lạc bộ sáng tác trên địa bàn huyện được hình thành và phát triển. Trong những năm qua, huyện đã sáng tác và xuất bản được 06 tập nhạc với số lượng 400 bản/tập ca ngợi truyền thống anh hùng cách mạng, sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Củ Chi, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới, để phát hành phổ biến ở cơ sở. Các câu lạc bộ đã sáng tác 150 tác phẩm, chập cải lương, kịch ngắn biểu diễn phục vụ người xem tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, văn nghệ sĩ tích cực sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật để tham gia hội thi tiếng hát nông thôn mới do Thành phố tổ chức. Những tác phẩm đã đem lại làn gió mới trong phong trào sáng tác của huyện, gắn bó, gần gũi với hơi thở cuộc sống vùng nông thôn mới huyện Củ Chi.
Với ông Hoàng Song Lam (tác giả Song Lam, xã Tân An Hội) được sinh ra, tham gia chiến đấu và chứng kiến sự phát triển của quê hương hôm nay đã cho ông nhiều cảm xúc tự hào. Từ niềm cảm xúc đó, ông đã viết nên một số ca khúc và tiểu phẩm nói về con người, công cuộc xây dựng nông thôn mới của vùng đất Củ Chi anh hùng. Ông tâm sự: “Tôi rất tự hào về truyền thống hào hùng của quê hương Đất Thép nên muốn có được lời ca, tiếng hát để biểu dương, ca ngợi về quê hương. Tôi đã viết bài vọng cổ “Về lại Củ Chi” và tiểu phẩm “Chung tay xây dựng” để nói về sự đổi mới xây dựng nông thôn mới của Củ Chi hôm nay. Tôi mong rằng thế hệ trẻ tiếp nối hãy phát huy và có thêm nhiều ca khúc để phát huy, lan tỏa được truyền thống vùng  Đất Thép thành đồng.”
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, những kết quả nổi bật trên tuy còn hạn chế nhất định nhưng đã đem lại những chuyển động tích cực trong phát triển văn hóa, nghệ thuật của huyện nhà. Trong chặng đường tiếp theo, với những giải pháp cụ thể được đưa ra, tin tưởng rằng huyện sẽ thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) để phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật của quê hương “Đất Thép thành đồng” trong tương lai. 

Số lượt người xem: 251    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm