LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
8
1
9
9
5
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Mười 2024 2:15:00 CH

AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH LÀ HẠNH PHÚC CỦA TOÀN XÃ HỘI

Trong số những vụ va chạm, tai nạn giao thông thời gian qua có những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh. Vì lứa tuổi này đa phần các em đã được ba mẹ cho tham gia giao thông cùng, hoặc tự tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, đi bộ chung với các phương tiện khác trên đường. Trong khi tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn những phức tạp, thì yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh phải được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Chúng ta không còn lạ khi bắt gặp hình ảnh các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sử dụng xe gắn máy, xe đạp điện thiếu an toàn, thậm chí thiếu ý thức trong tham gia giao thông, như: không đội mũ bảo hiểu hoặc có đội nhưng không đúng quy định (không cài quai mũ, mũ không đảm bảo chất lượng), chạy hàng hai, hàng ba, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Chứng kiến cách hành xử khi tham gia giao thông trên đường của các em làm cho chúng ta phải suy nghĩ!
Thanh, thiếu niên – học sinh là lực lượng đông đảo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Học sinh cũng đóng một vai trò to lớn trong việc xây dựng “Văn hoá giao thông” bằng những việc làm cụ thể. Các em hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe đạp điện, xe gắn máy; dừng, đậu xe đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông. Không dàn hàng hai, hàng ba, kéo đẩy nhau trên đường; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; khi chưa có giấy phép lái xe thì không điều khiển xe trên 50 phân khối. Mỗi em học sinh nêu cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ trước hết sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của chính các em và bạn bè, đồng thời sẽ góp phần đẩy lùi, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn huyện.
Đối với phụ huynh học sinh, phải nhận thức rõ rằng gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ về việc tham gia giao thông. Hơn ai hết, cha mẹ là người gần gũi nhất với các em, hiểu biết rõ tâm tư tình cảm của các em và dễ dàng khuyên răn, dạy bảo các em chấp hành pháp luật. Vì vậy, cha mẹ là người phải theo dõi hàng ngày và ngay lập tức giáo dục, khuyên răn con em mình khi các em có những hành vi như: đùa giỡn nhau khi tham gia giao thông, băng qua đường không quan sát, phóng nhanh vượt ẩu, đi xe hàng đôi, hàng ba.
Phụ huynh tuyệt đối không cho con sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi. Mặt khác, phụ huynh phải gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông. Bởi một khi phụ huynh đã sai thì chắc sẽ không thể nhắc nhở hay dạy bảo các em khi phạm luật vì chính bản thân mình cũng đã làm sai. Phụ huynh phải tự chấp hành tốt luật giao thông; tuyệt đối không vi phạm trật tự an toàn giao thông dù chỉ là một lỗi nhỏ; không vì tranh thủ một chút thời gian mà vượt đèn đỏ, đi lấn trái, đi ngược chiều.
Hiện nay, nhiều phụ huynh còn xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Có người cho rằng: chỉ đi một đoạn đường ngắn, cần gì mũ bảo hiểm. Trong khi đó, tai nạn giao thông có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Do đó cần sớm chấm dứt hình ảnh là cũng ngồi trên xe máy nhưng cha hoặc mẹ đội mũ bảo hiểm còn con để đầu trần, trong khi chúng ta luôn nói “những gì tốt đẹp nhất phải dành cho các em”.
Đi khắp các nẻo đường gần xa, khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với người tham gia giao thông hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn và hạnh phúc cho mình cũng như gia đình mình. Vậy nên, mỗi em học sinh và mỗi bậc phụ huynh hãy chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, để giảm thiểu tai nạn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Thúy An

Số lượt người xem: 38    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm