LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
2
6
4
2
0
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Bảy 2018 8:35:00 SA

Nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của cô thương binh Biện Thị Mỹ

Chiến tranh đã đi qua nhưng những người lính trở về từ sau những cuộc chiến, không ít người mang trên mình thương tật nặng nề, nhưng với quyết tâm, bằng ý chí và nghị lực của mình những người lính năm nào vẫn vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, nhiều thương binh đã trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Là một trong những người thương binh tiêu biểu của huyện, cô thương binh ¼ Biện Thị Mỹ, ngụ ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng đã vươn lên số phận, góp công sức xây dựng quê hương, đất nước.

Năm 1968, cô Mỹ tham gia cách mạng khi chỉ mới 15 tuổi. Lúc đầu cô được giao nhiệm vụ làm giao liên.  Đến năm 1969 cô được phân công làm công tác mật tiếp lương thực cho Ban Quân nhu, phòng Hậu cần Phân khu I. Năm 1972, cô Mỹ bị thương phải cưa mất đi một chân do dẫm phải mìn trong khi thực hiện nhiệm vụ chở lương thực đến căn cứ cho bộ đội. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, vết thương bị nhiễm trùng, cắn răng chịu đựng 3 lần bị cưa chân là 3 lần cô như chết đi sống lại. Buồn vì bỗng dưng tàn tật, buồn vì không thể tiếp tục cống hiến sức mình để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc, có lúc cô tính tự tử để không là gánh nặng cho gia đình. Nhưng rồi vì gia đình, vì tình yêu với người cán bộ Cục Hậu cần miền Nam, cô bỏ qua mặc cảm mà vươn lên số phận.

Cuộc sống sau chiến tranh vốn đã khốn khó lại càng khốn khó hơn đối với một người phụ nữ chỉ còn một chân như cô và người chồng cũng là thương binh. Hoàn cảnh gia đình khi ấy không vốn liếng, không nghề nghiệp. Gia đình với 5 thành viên là cô, chú và 3 người con nhưng chỉ có khoản trợ cấp ít ỏi và một phần đất nông nghiệp do mẹ cha để lại, một năm chỉ làm được một vụ lúa bấp bênh. Với nhu cầu cuộc sống, miếng cơm manh áo cho gia đình, cho các con, với nghị lực của người con gái đất thép, cô đã vươn lên bằng chính đôi bàn tay và chiếc chân còn lại. Với chiếc chân giả, chiếc xe Honda 67 mua bằng tiền bán heo và vay mượn, cô chạy khắp hang cùng ngõ hẻm để mua nông sản đổi lấy hàng gia dụng, máy móc, vải vóc của Xuất nhập khẩu Củ Chi đem ra chợ bán. Tích góp vốn, cô đầu tư nuôi thêm heo nhưng khi chuẩn bị xuất chuồng thì dịch lở mồm long móng ập đến, bao nhiêu vốn liếng bay sạch. Thế nhưng, khó khăn không chùn bước, “người lành làm một mới có ăn thì mình đây phải làm chín, làm mười, như vậy mới mong có tiền trang trải cuộc sống, nuôi dạy con cái” – cô chia sẻ. Vì thế, cô tiếp tục tập trung tăng gia sản xuất, bằng biện pháp thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng từ lúa sang đậu phộng và các loại rau màu khác rồi kết hợp chăn nuôi heo, bò sinh sản. Năm 2006 nhận thấy sản phẩm của bà con nông dân như: lúa, đậu phộng, bắp … của người dân trong ấp, xã không có thị trường tiêu thụ, cô bàn với gia đình phải làm cách nào để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, không bị ép giá. Và thế là chính gia đình cô đã đứng ra thu mua nông sản của người dân, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, mà cũng kiếm được thêm ít đồng lời trong quá trình vận chuyển. Chưa dừng lại đó, cô còn vay vốn mở xưởng xay xát đậu phộng, vừa sản xuất, vừa chăn nuôi, thu mua nông sản của bà con. Vượt qua bao gian nan, vất vả, bằng số tiền tích cóp qua nhiều năm, năm 2009, gia đình cô đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, xưởng xay xát sản xuất tốt, mỗi năm xuất chuồng cả vài tấn heo; phát triển hồ, ao nuôi cá rộng hơn 2.000 mét vuông… với doanh thu gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, do tuổi đã cao, nhưng với sự giúp sức từ người con trai út nên gia đình cô vẫn duy trì xay xát đậu phộng, chăn nuôi heo, nuôi bò và duy trì ao nuôi cá rộng hơn 2000 mét vuông. Tuy thu nhập không nhiều như trước nhưng với cô luôn tràn đầy niềm vui, tự hào và cô cho rằng mình đã “đủ đầy” bởi theo cô “Mình còn sống để vươn lên, để có gia đình rồi làm ăn nuôi dạy con cái nên người, tận hưởng cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay là may mắn lắm rồi chứ còn có biết bao đồng đội, đồng chí đã hy sinh, mãi mãi không về”.

Cô chia sẻ, vinh dự lớn nhất của đời cô là được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Bằng khen có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Bộ trưởng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Và vào ngày 19/7 vừa qua, tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2018, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khen tặng người có công có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, cho sự phát triển của đất nước, quê hương.

Tinh thần và nghị lực của cô thương binh ¼ Biện Thị Mỹ thật sự đáng được ghi nhận và trân quý. Đây là điều để mọi người chúng ta cảm nhận rằng không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền, nếu chúng ta biết chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo bằng chính sức lao động của mình thì sẽ làm được tất cả.

NGỌC THÙY - THANH THẾ


Số lượt người xem: 2636    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm