Lịch sử đấu tranh đầy tự hào
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam, gặp sự chống cự quyết liệt của quân và dân nơi đây. Du kích Củ Chi khi ấy với vũ khí thô sơ tự tạo đã phải đối đầu với đội quân tinh nhuệ, sử dụng các loại thiết bị chiến tranh, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn của Mỹ.
Năm 1965, Đế quốc Mỹ với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp tham chiến bằng hai gọng kìm là “tìm diệt” và “bình định” đã đưa cách mạng miền Nam vào thử thách khốc liệt. Đối phó với cuộc tiến công của địch, ở Củ Chi ta chỉ có bộ đội địa phương huyện và du kích các xã, ấp, nhưng với hệ thống hầm, hào, địa đạo, ụ chiến đấu, bãi tử địa,… nhất là tinh thần quyết chiến cao và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, quân dân Củ Chi đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để đánh Mỹ. Tuy quân số ít, vũ khí thô sơ, nhưng các lực lượng tại chỗ đã sử dụng vũ khí địch để đánh địch, kết hợp với lựu đạn tự tạo, bẫy chông, mìn,… kiên quyết bám trụ đánh Mỹ. Du kích và bộ đội địa phương của huyện thoắt ẩn, thoắt hiện, bền bỉ bám trụ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức chiến đấu như: chốt giữ, phục kích, tập kích, thực hiện phương thức tác chiến độc đáo “địa đạo chiến” đã liên tiếp bẻ gãy các mũi tiến công của quân Mỹ - ngụy. Chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ đã thất bại thảm hại.
Và ngay giữa lúc quân và dân Củ Chi đã giữ thế chủ động trên chiến trường, liên tục tiến công địch, giành những thắng lợi to lớn, ngày 17/9/1967, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai, Củ Chi đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng”. Điều này đã mang lại cho quân và dân Củ Chi một niềm vui tràn đầy phấn khởi và tự hào, làm nức lòng toàn dân, toàn quân ta.
Tiếp tục vận dụng linh hoạt cách đánh du kích, dưới sự chỉ đạo của Đảng, quân và dân Củ Chi đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, thu giữ nhiều vũ khí hiện đại của quân địch, giải phóng Củ Chi, tiến về Sài Gòn, tấn công vào sào huyệt Ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những chiến công đó, Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tri ân – đền đáp nghĩa tình
Trong 2 cuộc kháng chiến, mảnh đất Củ Chi đã hứng chịu gần 240 ngàn tấn bom đạn trút xuống, tức là bình quân mỗi người dân gánh chịu tới 1,5 tấn bom đạn. Toàn huyện có 10.488 liệt sĩ, 20.539 gia đình chính sách, 2.074 Mẹ Việt Nam anh hùng, 39 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.539 thương binh, 529 bệnh binh... những sự hy sinh ấy đã góp phần dệt nên bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần quật khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Củ Chi.
Năm 2017, kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng” (17/9/1967 – 17/9/2017), một lần nữa, huyện được ôn lại những truyền thống hào hùng của quân và dân Củ Chi qua các hình ảnh triển lãm với chủ đề “50 năm Củ Chi Đất Thép thành đồng” tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TPHCM; gặp gỡ và trò chuyện với các nhân chứng lịch sử trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng” với chủ đề “Đất lửa hoa hồng” diễn ra tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 vào đêm 17/9/2017 do Thành ủy – HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Cùng với hoạt động của Thành phố, huyện kỷ niệm 50 năm được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng” với nhiều hoạt động như: họp mặt kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng”; họp mặt các gia đình chính sách tiêu biểu; tuyên truyền trực quan; tuyên truyền trên Đài Truyền thanh, Cổng thông tin điện tử của huyện; xây dựng phóng sự gắn với quá trình xây dựng và phát triển huyện Củ Chi qua 50 năm; thiết kế tuyên truyền bằng tờ bướm; triển lãm ảnh; biên tập tiểu sử Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trên địa bàn huyện; xây dựng kỷ yếu 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng”; xây dựng giáo án điện tử để tổ chức giáo dục truyền thống lịch sử quê hương Củ Chi trong giờ dạy môn Lịch sử đối với các trường học trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” như tổ chức cho 3.364 người có công với cách mạng đi an dưỡng và điều dưỡng tại nhà với tổng kinh phí gần 4 tỷ 800 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 04 căn nhà tình nghĩa, nâng tổng số nhà tình nghĩa xây tặng lên 4.463 căn nhà; sửa chữa 14 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách với số tiền 560 triệu đồng; giải quyết các chính sách có công còn tồn đọng; tổ chức chúc thọ cho 2.377 cụ từ 70 tuổi trở lên với số tiền trên 1 tỷ đồng; phối hợp tổ chức Lễ tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt 34 cho 5 Mẹ; triển lãm hình ảnh về thành tựu kinh tế - văn hóa xã hội, hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng; đặt tên 185 tuyến đường mang tên Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức hội thi sáng tác và liên hoan các câu lạc bộ, đội nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng. Đặc biệt, huyện còn thực hiện một số công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng” như: hoàn thành sửa chữa, nâng cấp Nhà Truyền thống huyện; cải tạo khuôn viên Tượng đài Củ Chi “Đất Thép thành đồng”; chỉnh trang khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện; tiếp tục sưu tầm, bổ sung hiện vật trưng bày; bố trí một phòng thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng, phòng triển lãm tại Nhà Truyền thống huyện.
Các xã, thị trấn tổ chức họp mặt những người con tiêu biểu và họp mặt gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép thành đồng” với 2.978 đại biểu tham dự, tặng 726 phần quà với số tiền 238 triệu đồng.
Từ những hoạt động ý nghĩa đó, các tầng lớp nhân dân – những người được sống trong nền độc lập hôm nay đã hiểu rõ thêm về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Củ Chi trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, niềm tự hào dân tộc cũng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào, hăng hái tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương Củ Chi phồn vinh phát triển… xứng đáng là “Đất Thép thành đồng”, là huyện anh hùng của Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng!
NGỌC THÙY