LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
2
6
7
8
9
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 20 Tháng Hai 2018 8:30:00 SA

SỮA BÒ CỦ CHI - THƯƠNG HIỆU CỦA SỰ ĐỘT PHÁ

Nhắc tới nông nghiệp đô thị ở Củ Chi, không thể không nhắc tới nghề nuôi bò sữa. Không chỉ được mệnh danh là vùng Đất Thép anh hùng mà với những cánh đồng cỏ xanh, khí hậu ôn hòa cùng quỹ đất thuận lợi người dân nơi đây đã bao đời gắn bó với nghề nuôi bò và đã trở thành vùng đất tiềm năng cho ngành chăn nuôi bò sữa trong những năm gần đây. Củ Chi được mệnh danh là thủ phủ của ngành chăn nuôi bò sữa của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu những năm 1990, đàn bò sữa Củ Chi chỉ trên 300 con, năng suất chưa đến 3.000 kg/con/chu kỳ, nhưng đến nay, tổng đàn bò sữa của Củ Chi hơn 70.000 con và năng suất sữa 5.900kg/con/chu kỳ. Nhìn lại quá trình phát triển, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Nếu trước đây, con bò sữa là con vật để nông dân thoát nghèo, thì bây giờ giúp cho nông dân vươn lên làm giàu. Điều này được thể hiện trước đây nông dân Củ Chi chăn nuôi bò sữa chỉ với hình thức thủ công, dùng công sức là chính thì dần dần nông dân đã ứng dụng cơ giới hóa (từ vắt sữa, cắt cỏ bằng máy đến vệ sinh chuồng trại...) thay cho sức lao động, rồi hiện đại hóa chăn nuôi bò sữa (từ khẩu phần thức ăn đến cải tạo khí hậu chuồng trại...) và hiện nay những con bò sữa đã được chíp hóa để có thể định đoán được sản lượng sữa, năng suất sữa thông qua hệ thống vi tính". Nghề nuôi bò sữa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân của huyện Củ Chi. Tại đây, ngày càng nhiều trang trại bò sữa được hình thành với quy mô từ 30 đến hơn 200 con, trong đó chăn nuôi bò sữa theo hướng khép kín trong nhiều năm qua đã khẳng định là mô hình giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Theo định hướng, huyện không tăng số lượng đàn bò sữa mà tập trung nâng chất lượng và năng suất sữa lên 6.500 kg/con/chu kỳ bằng các giải pháp như phối giống, sử dụng thức ăn TMR, cải tạo môi trường chuồng trại và tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y trong bảo quản sữa tươi; quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung tiến tới không còn chăn nuôi ở những khu dân cư; ưu tiên phát triển chăn nuôi quy mô đàn trên 50 con; phát triển trang trại và ứng dụng công nghệ cao; quan tâm trồng và chăm sóc cỏ có chất lượng cao phục vụ đàn bò.

Đàn bò sữa Củ Chi cung cấp mỗi ngày 600 tấn sữa. Những năm qua, sữa bò Củ Chi là nguồn nguyên liệu cung cấp chủ yếu cho các công ty sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam như Vinamilk, Dutch Lady... Được thành lập từ năm 1999, Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội cũng là đơn vị trung gian cung cấp nguyên liệu sữa cho các Công ty Bò sữa Thành phố, công ty Cổ phần sữa Quốc tế, Công ty Bò sữa Long Thành. Điều này đã giúp cho nông dân chăn nuôi bò sữa có đầu ra sản phẩm. Tuy vậy đó cũng là trăn trở của các cấp, các ngành vì lẽ tình hình tiêu thụ sữa ngày càng khó khăn, người nuôi bò sữa trong vùng bị phụ thuộc nhiều vào nhà máy, doanh nghiệp thu mua sữa dẫn đến thu nhập bấp bênh. Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội cho biết thêm, công sức lớn nhất là các thành viên đã cung ứng sữa luôn ổn định và đảm bảo chất lượng. Qua thời gian hoạt động, Ban giám đốc hợp tác xã suy nghĩ, tại sao sản lượng sữa tươi và tổng đàn bò sữa của huyện Củ Chi chiếm gần 2/3 tổng đàn bò sữa thành phố, nhưng không ai biết đến nguồn gốc sữa từ Củ Chi trong các sản phẩm chào bán trên thị trường? Mặt khác, khi cung cấp nguyên liệu sữa cho các công ty thì số lượng có hạn, phần sữa dư thừa không có nơi tiêu thụ. Điều này sẽ làm giảm thu nhập của nông dân. Vậy, tại sao không mạnh dạn đột phá, xây dựng thương hiệu sữa Củ Chi qua việc đầu tư nhà máy, tiến tới tự chủ hoàn toàn?

Từ suy nghĩ đó, năm 2017, Hợp tác xã đã mạnh dạn xây dựng nhà máy sữa tươi với thương hiệu sữa bò Củ Chi (CuChimilk). Tuy lúc đầu gặp không ít khó khăn về vốn, về vận động nông dân đóng góp cổ phần trong nhà máy, nhưng bằng sự hỗ trợ của Thành phố, huyện Củ Chi và sự quyết tâm cao của Ban giám đốc, nhà máy đã hình thành và  được đặt trong Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TPHCM (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) với diện tích xây dựng hơn 3.000 m2. Nhà máy có vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Khánh cho biết Nhà máy Sữa thanh trùng Củ Chi của Hợp tác xã đã chính thức vận hành, đưa ra thị trường sản phẩm Sữa bò tươi Củ Chi. Công suất chế biến khoảng 30 tấn/ngày, góp phần tạo đầu ra ổn định cho đàn bò sữa 5.000 con của Hợp tác xã. Các sản phẩm của nhà máy là sữa tươi thanh trùng, sữa chua… sử dụng 100% nguyên liệu từ đàn bò tại địa phương. Hiện tại, sản phẩm đã được phân phối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Bến Tre... Hợp tác xã đã làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi để phân phối nguồn sữa tươi Củ Chi tới các trường học ở trên địa bàn huyện, đồng thời đưa vào hệ thống siêu thị Co.op Mart trên địa bàn thành phố.

Sự hình thành và đi vào hoạt động của nhà máy Sữa thanh trùng Củ Chi là một dấu ấn mới của Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội khi chính thức trở thành một nhà cung ứng sữa thành phẩm cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: "Đây là một bước tiến trong chăn nuôi bò sữa, giúp cho người dân có thêm một địa chỉ tin cậy để bán sữa và tự tin bước vào thị trường lớn không chỉ riêng thành phố mà cả khu vực lân cận thông qua sản phẩm sữa ở Củ Chi". Rồi đây, nông dân chăn nuôi bò sữa Củ Chi sẽ tự hào biết bao khi đổi lại những tâm huyết, những vất vả là những ly sữa trắng ngần chúng ta uống hằng ngày. Xin chúc cho nhà máy Sữa thanh trùng Củ Chi nói riêng và những người nông dân gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa bao năm qua ngày càng phát triển để cuộc sống ngày càng ấm no, khấm khá hơn.

YÊN NHUNG


Số lượt người xem: 4195    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm