Chồng vác thuổng
Vợ vác len
Con xách lồng đèn
Cầm vá theo sau
Cả nhà chung sức với nhau
Đào hố đào hào chống pháo chống bom
Thời điểm 1961 cùng lúc với việc xây dựng làng ấp chiến đấu, thực hiện chỉ thị của Bí thư khu ủy Võ Văn Kiệt về xây dựng và mở rộng vùng căn cứ đứng chân, 70% người dân Củ Chi tay cuốc, tay ki bắt tay vào việc khôi phục và mở rộng hệ thống địa đạo đã có từ thời chống pháp để chuẩn bị cho công cuộc đánh Mỹ lâu dài về sau.
Ông Nguyễn Văn Trung, nguyên đội trưởng đội du kích xã Nhuận Đức , nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Củ Chi cho biết: “Trai trẻ nam nữ thanh niên cầm cuốc để đào địa đạo. Trẻ em thiếu niên 15, 16 tuổi cũng tham gia cào đất. chị em phụ nữ đứng phía trên kéo ki đất lên đem đi đổ. Các phụ lão thì đương ki, nấu nước cỗ vũ tinh thần”
Làng chiến đấu theo đúng tên gọi của nó là một hệ thống phòng thủ kiên cố được bao bọc xung quanh bởi các bãi chông mìn dày đặc và các giao thông hào, công xưởng vững chãi để du kích triển khai đội hình tác chiến bào vệ xóm làng
Phía bên trong mọi sinh hoạt đời sống vẫn diễn ra như thường nhật. nhân dân vừa lao động sản xuất vừa tham gia chiến đấu chống càn. Nhờ có sự tồn tại làng, ấp chiến đấu mà suốt 5 năm chiến tranh đặc biệt kẻ địch không thể chen chân vào được vùng giải phóng Củ Chi.
Từ hiệu quả chống càn của du kích Củ Chi đã buộc lính Sài Gòn phải co cụm trong các đồn bót, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mạnh phong trào đào địa đạo trên toàn huyện. Đặc biệt là ở 2 khu vực Bến Dược – Phú Mỹ Hưng nơi đặt căn cứ Khu ủy bộ tư lệnh quân khu Sài Gòn Gia Định và khu Bến Đình – Nhuận Đức căn cứ Huyện ủy huyện đội Củ Chi.
Đến đầu năm 1965, 200km trục xương sống của hệ thống địa đạo được hoàn thành, nối thông địa bàn các xã phía Bắc Củ Chi. Đã có hàng trăm tấn đất đổ vào các hố bom, đồng ruộng, nghĩa trang thành các ụ mối hoặc đổ xuống sông Sài Gòn để đảm bảo bí mật cho hệ thống địa đạo này. Cố Thủ tướng Võ Văn kiệt đánh giá: Địa đạo thật sự là điều vĩ đại nhất cuộc kháng chiến ở chiến trường Củ Chi.
Những thành tích có thật từ địa đạo đã vượt khỏi sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần đi qua một đoạn đường hầm sẽ hiểu vì sao Củ Chi – một mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt. Khi vào đất Củ Chi, quân xâm lược Mỹ đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân nơi đây, địch bị thiệt hại nặng nề, trong các cuộc càn quét vùng giải phóng, sau những bất ngờ, chúng nhận ra tất cả đều xuất phát từ dưới lòng đất. Chúng quyết tâm phá hủy hệ thống địa đạo lợi hại này. Suốt một thời gian dài, địch liên tục tấn công, đánh phá hết sức khốc liệt. Quân và dân du kích đã thông minh, khéo léo thiết kế cho dù xe tăng và xe bọc thép di chuyển trên nóc hầm. Phía trên bị nã pháo và ném bom, các đường hầm cũng không bị sụp lún, sập.
Địa đạo đươc xây dựng ở khu rừng chồi hỗn hợp, trên địa hình đất sét pha đá ong bền vững, có thể chịu được sức công phá lớn của các loại vũ khí hủy diệt Mỹ. Quy mô hệ thống địa đạo Củ Chi được ví như một làng ngầm với vô số đường nhánh chằng chịt như mạng nhện, có đầy đủ các phòng ban tác chiến, kho tàng, khu vực sinh hoạt và chiến đấu.
Hiệu quả, tầm vóc cũng như kỳ tích của địa đạo Củ Chi được phát huy cao độ trong giai đoạn khốc liệt của chiến tranh cục bộ. Để có thể bám trụ hàng tháng trời dưới lòng địa đạo. Bằng sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân Củ Chi đã duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ ngay trong lòng đất cho đến thắng lợi cuối cùng.
Dựa vào hệ thống địa đạo này, quân dân Củ Chi bám trụ chống càn, phá ấp chiến lược, gieo rắc nỗi kinh hoàng trong binh lính Sài Gòn. Chỉ trong tháng 9/1962, du kích và bộ đội Củ Chi đã thực hiện 7 đợt vũ trang tuyên tuyền, 3 đợt tập kích đồn bót, 9 lần phục kích giao thông, 2 lần đánh càn phá 7 ấp chiến lược.
Kiều Ngân