LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
2
4
3
1
6
7
Tin tức 13 Tháng Chín 2023 4:10:00 CH

PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 (53.573 ca). Trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,…. Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca. Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Triệu chứng bệnh gồm:
- Có cảm giác cộm, xốn, đau, nóng, ngứa hay nặng mi, sợ ánh sáng và chảy nước mắt, mắt đổ ghèn nhầy có thể gây dính mi, nhất là lúc thức dậy vào buổi sáng.
- Chất tiết ghèn có thể là mủ trắng sữa, vàng nhạt hoặc xanh nhạt; đặc hoặc lỏng; sau khi lau sẽ xuất hiện lại rất nhanh.
- Trẻ quấy khóc, khó chịu.
- Kết mạc mắt mất tính trong bóng bình thường, sung huyết, sưng phù đỏ. Khi bệnh nặng, có thể kết mạc nhãn cầu bị phù nề ra ngoài hoặc sưng phù hai mí mắt trên, dưới.
- Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, vài ngày sau lan sang mắt còn lại, cũng có thể ở hai mắt cùng một lúc.
- Thị lực không giảm khi viêm kết mạc đơn thuần. Nếu xuất tiết tập trung ở giác mạc và chảy nước mắt, bệnh nhi có cảm giác sương mù.
- Mắt đau và sợ ánh sáng.
- Có thể nổi hạch trước tai.
Chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ như thế nào?:
Phần lớn trường hợp đau mắt đỏ là điều trị ngoại trú, lưu ý:
- Uống thuốc theo toa bác sĩ kê (hạ sốt, giảm đau, giảm ngứa).
- Dùng thuốc nhỏ mắt an toàn, thường là neomycin hay tobramycin.
- Không được sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid vì nguy cơ bội nhiễm và tăng nhãn áp.
- Mắt thứ hai thường bị bệnh sau 48 giờ nên phải nhỏ cả hai mắt, hai giọt mỗi bên cho 6-8 lần/ngày.
- Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý Natri Chlorua 0,9%.
- Ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường và nâng đỡ thể trạng.
- Tránh các yếu tố kích ứng như bụi, lông thú...
- Cách ly tương đối và giữ vệ sinh chung.
- Có thể mang kính bảo vệ mắt, ngăn ngừa lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
- Tái khám mỗi 2-3 ngày, theo hẹn của bác sĩ.
Chung tay phòng bệnh đau mắt đỏ để bảo vệ sức khỏe của mỗi người!
Thúy An
 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 540    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm