|
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm phóng viên của Ðài Phát thanh Quốc gia Thụy Ðiển đã dành một ngày đến Củ Chi thực hiện bài phóng sự khu căn cứ được mệnh danh là vùng đất thép này. Theo họ, những gì tận mắt được chứng kiến tại đây làm họ hiểu rõ hơn tại sao người Việt Nam lại có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu hơn 20 năm.
Chị Amanda - phóng viên Ðài Phát thanh Quốc gia Thuỵ Ðiển đã không ngần ngại xuống tất cả các ngóc ngách của địa đạo. Với tầm vóc của người phương Tây, cộng thêm máy ghi âm, máy ảnh - những vật dụng không thiếu được của một người phóng viên, việc xuống các địa đạo thật vất cả, nhưng cũng đầy hứng thú.
|
Amanda ngắm nhìn từng vật dụng người du kích năm xưa sử dụng, từng căn hầm dành cho thương bệnh binh, hầm chỉ huy...; nhấm nháp các món ăn người dân Củ Chi thường ăn lúc chiến tranh (cơm nắm, sắn luộc chấm muối vừng). Chị lặng người đi khi nhìn thấy các dụng cụ y tế cấp cứu cũ kỹ, đơn giản đã góp phần cứu sống biết bao người. Chị nói: "Khi ở trong các địa đạo, tôi đã cảm nhận được quyết tâm lớn lao của những chiến sỹ Việt Nam, khi họ quyết định chọn cho mình một cuộc sống như thế này. Ðây là một hệ thống rắc rối, chằng chịt.
Các khách du lịch đến đây đều nhận ra rằng ý chí chiến đấu của những chiến sỹ ở đây hết sức mạnh mẽ, dưới lòng đất 20m, với những điều kiện thật thô sơ họ vạch ra kế hoạch chiến đấu".
Nằm sâu trong lòng đất Củ Chi, được che phủ một màu xanh của lá rừng là một hệ thống địa đạo có chiều dài khoảng 200 m chạy ngoằn ngoèo. Từ một đường hầm xương sống tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, có nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng an toàn. Ðường hầm có cấu trúc từ 2 đến 3 tầng (sâu nhất là 20m), dọc đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được nguỵ trang kín đáo. Liên hoàn với các địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu.
Có các nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm (loại bếp nấu ăn dấu khói), hầm làm việc của các vị lãnh đạo chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm dùng để hội họp, chiếu phim, xem văn nghệ...
Củ Chi đã trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu Củ Chi ngày càng đông. Từ ngày hòa bình, thống nhất đất nước (30/4/1975) đã có hàng chục ngàn đoàn khách với hàng triệu người đủ màu da, sắc tộc trên thế giới đã đến viếng thăm địa đạo Củ Chi.
|
|
Ðối với họ, những gì họ tận mắt được nhìn thấy ở Củ Chi mang đến cho họ từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và từ đó họ càng khâm phục sự quyết tâm, tinh thần chịu đựng gian khổ của người dân Việt Nam.
Một du khách Mỹ đã tâm sự: "Ðịa đạo rất nhỏ so với cỡ người như tôi. Chân của tôi đã bị đau vì chui xuống những đường hầm chằng chịt. Thật tài và khéo léo khi có cả một hệ thống phức tạp của một thành phố dưới lòng đất, và những người dân đã sống một thời gian dài ở nơi này".á
Từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với 1 giờ 30 phút đồng hồ đi ôtô trên con đường uốn lượn qua những xóm làng xanh tươi sẽ đưa du khách đến Khu di tích Ðịa đạo Củ Chi. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và khu di tích sẽ được lịch sử hôm nay và mai sau luôn luôn nhắc tới.
Theo Ðài tiếng nói Việt Nam