“Vùng giải phóng tại ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng là mô hình tái hiện vùng giải phóng trên đất Củ Chi đã đón nhiều khách tham quan vào dịp 30-4 vừa qua.
Mô hình “vùng giải phóng” thời kỳ 1960 – 1965 rộng 13ha nằm trong Dự án Tái hiện nông thôn Củ Chi thời chiến tranh (gồm vùng giải phóng, vùng tranh chấp, ấp chiến lược trên khu đất rộng 50ha thuộc khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh).
Một căn nhà lá được phục dựng như nhà của hai vợ chồng trẻ - vợ là cán bộ xã có chồng đi bộ đội huyện – các vật dụng đều làm bằng gỗ, tre trúc như bàn ăn, băng ghế dài. Trên phên vách treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bên hông nhà có cối đá kê trên chân gỗ. Cối đá xay gạo làm bột tráng bánh tráng, một trong những nghế truyền thống của địa phương. Bình thường, chị chủ nhà xay bột cho khách tham quan xem công việc thường ngày thời chiến tranh.
Bên kia con đường đất pha cát là căn nhà ngói ba gian hai cháy lợp ngói âm dương giới thiệu mô hình nhà một trung nông yêu nước với sân phơi lúa lót gạch Tàu, bậc thềm lót đá ong. Trong nhà, bên chiếc bàn gỗ, các nhà thiết kế đã xếp hình tượng các cán bộ xã mặc áo bà ba đen, vấn khăn rằng ngồi họp. Trên bàn là vật dụng của những năm 60 như bộ bình trà, ly uống nước, đèn hột vịt. Do là vùng giải phóng, là làng chiến đấu nên nhà nào cũng có hầm tránh pháo. Nhà nông dân bậc trung có hầm tránh pháo khá lớn được kê phía trên là tấm ván gỗ, trải chiếu hoa, thường là điểm họp hành của cán bộ du kính.
Ban triển khai dự án đã tìm kiếm tận Trảng Bàng để mua lại của dân căn nhà này, tháo về ráp lại. Cột lớn, kèo nhỏ, viên đá kê, ngói âm dương, bàn ghế, tủ thờ… đều được làm hoặc phục chế. Anh Đặng Văn Thuyên – Phó Giám đốc khu di tích Điạ đạo Bến dược – cho biết: “ Sinh động nhất là mô hình tái hiện cảnh sống của vợ chồng người du kích mới cưới. Nhiều bó trúc chẽ nhỏ, cây rựa bén dựng bên bụi tre, một khẩu súng trường dựng bên vách. Căn nhà lá nhỏ nhắn bày trí đơn sơ cho biết vợ chồng chủ nhà làm nghề đan đác thúng, rổ, sàng, nia. Bình thường hai vợ chồng lo việc nhà, khi giặc càng thì chồng xách súng ra giao thông hào chặn giặc. Đi một vòng trong “làng chiến đấu” thấy cảnh vật thật yên tĩnh. Buổi sáng mọi người đã ra đồng hay bận tay với công việc đan lát.
Ở ngã ba lộ đất có một bàu nước với hai con trâu đang đầm mình trong bùn. Một nhóm thanh niên (hình tượng) đang đào hầm chông, đào điạ đạo. Có thể tưởng tượng cảnh vật yên vắng đó mất đi bởi tiếng trẻ đọc bài ê a từ một gian lớp học. Lớp học vách đất, mái tranh, không cửa. Cô giáo đứng bên bảng đen, phía dưới chừng mười cái bàn với đám học trò nhỏ nhắc.
Tái hiện vùng giải phóng và các vùng nông thôn Củ Chi thời chiến tranh, Khu di tích Địa đạo muốn giới thiệu cùng khách tham quan một loại hình du lịch truyền thống sống động. Với các huớng dẫn viên trong trang phục du kích, cán bộ xã ấp, bà con nông dân đi lại, xem tráng bánh, nấu rượu, họp chợ như thường ngày… Khách sẽ được thấy mình như được sống trên đất Củ Chi kiên cường vào thời gian không xa lắm với làng xã chiến đấu, với hệ thống địa đạo nhiều tầng, nhiều lớp.