Củ Chi là huyện ngoại thành phía tây bắc TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang Củ Chi đã có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.
Từ những ngày đầu đến lập nghiệp và sinh sống trên đất Củ Chi, người dân nơi đây phải liên tiếp chống chọi với thiên tai; là nạn nhân của chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của các thế lực phong kiến và kẻ thù xâm lược, cho nên người dân nung nấu trong lòng mình tinh thần yêu nước, tình yêu làng xóm quê hương, giàu lòng nhân ái, biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cần cù, sáng tạo và đầy quả cảm. Ðó là sự cương trực, thẳng thắn, thủy chung, không sợ khó, ngại khổ, không lùi bước trước khó khăn. Tính cách đó đã tạo nên những huyền thoại về những du kích tay không bắt giặc, về sức mạnh thần kỳ của những con người chân đất, dám đối đầu với các thế lực hùng mạnh, đối diện với chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân, tạo thành vành đai thép mà quân thù không thể chọc thủng, không thể hủy diệt cho đến ngày chúng thua nhục nhã, rút quân về nước.
Nếu ai hỏi, lực lượng du kích Củ Chi ra đời từ lúc nào, khó có thể xác định được rõ ràng. Bởi lẽ, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất thành Gia Ðịnh, người Hóc Môn - Củ Chi đã đứng lên phản kháng, sử dụng vũ khí thô sơ bằng gậy tầm vông, giáo mác. Nghĩa binh chống thực dân Pháp đa phần xuất thân từ nông dân, thường ngày là người nông dân lam lũ với ruộng nương, lúc đối mặt với quân thù trở thành nghĩa binh dũng mãnh, gan góc. Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Ánh Thủ, Phan Công Hớn đều có nghĩa sĩ Củ Chi - Hóc Môn. Chính họ là tiền thân của lực lượng du kích Củ Chi.
Lòng yêu nước của người dân Củ Chi chính là mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đỏ đầu tiên của Ðảng nảy mầm, phát triển. Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, ngày 4-2-1930, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Củ Chi được thành lập tại xã Tân Phú Trung, đã lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở địa phương, tổ chức ra các hiệp hội đoàn thể, hình thành lực lượng đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ. Quân, dân Củ Chi bước vào cuộc chiến đấu mới.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, người dân Củ Chi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Thanh niên các xã tình nguyện xung phong vào du kích. Vùng Tân Mỹ - Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ), xã An Phú (nay là xã Trung An) trở thành căn cứ của Tỉnh ủy Gia Ðịnh và căn cứ địa của lực lượng giải phóng Nam Bộ. Tại đây hình thành công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích địa phương đánh giặc. Thực dân Pháp bắt đầu lấn chiếm vùng ngoại ô Sài Gòn, lực lượng du kích Củ Chi (còn gọi là dân quân tự vệ, tự vệ đỏ, thanh niên xung kích) chiến đấu, chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch; đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu kết hợp làm giao thông hào làm ổ chiến đấu. Lúc đầu, người dân đào hầm bí mật, bố trí, ngụy trang để ẩn tránh, sau dân quân du kích quyết tâm bám trụ đánh giặc, cho nên sáng tạo ra các hầm bí mật liên hoàn trong lòng đất, nối một số gia đình với nhau, dần dần các nhánh địa đạo nối dài ra, cả những hướng bố trí trận đánh, tự tạo ra các kiểu hầm tránh đạn giặc mà lực lượng du kích có thể trú ẩn an toàn, đánh giặc trong nhiều ngày, làm kẻ thù không thể đoán biết thế trận của dân quân du kích...
Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền nam, hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm. Củ Chi trở thành cái "gai" trong mắt chúng, bởi chúng coi đây là "vùng đất thánh" của cộng sản. Chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, gài do thám, gián điệp, bọn chỉ điểm trong các thôn, ấp, xây dựng đồn bốt, đàn áp, khủng bố nhân dân, thi hành khắc nghiệt luật 10/59, giết hại cán bộ của Ðảng và người dân vô tội.
Ðảng bộ và nhân dân Củ Chi, một mặt tổ chức liên tiếp các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ra đồng sản xuất; mặt khác, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ. Ða số thanh niên Củ Chi, cả trai lẫn gái, đều tham gia lực lượng vũ trang. Tòng quân giết giặc trở thành phong trào rộng khắp, là lý tưởng, là phương châm hành động của thanh niên địa phương. Nhiều xã có 100% số thanh niên nam, nữ đăng ký gia nhập lực lượng cứu nước.
Phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu diễn ra rầm rộ. Tất cả mọi người, trẻ già, trai gái đều nô nức tham gia. Lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ du kích, có cả những người trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy. Tay cày, tay súng, vừa sản xuất tự cấp tự túc, vừa bám vườn, bám đất chiến đấu. Du kích Củ Chi chính là nhân dân, nhân dân chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.
Cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược trên đất này là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện... Củ Chi trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch ở cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn. Bọn Mỹ - ngụy muốn hủy diệt mầm sống trên đất, hủy diệt con người và ý chí chiến đấu của người dân Củ Chi. Chúng đưa đến chiến trường Củ Chi đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, sử dụng các loại thiết bị chiến tranh, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn để đối phó với du kích Củ Chi, những người chỉ có vũ khí thô sơ tự tạo. Ý chí đối đầu với bom đạn, lòng dân, lòng đất đối chọi với xe tăng, máy bay, thiết giáp và cuối cùng quân dân Củ Chi đã thắng...
30 năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống. Toàn thắng thuộc về dân tộc ta, tự do thuộc về nhân dân ta. 30 năm sau, Củ Chi đã thay mầu áo mới. Mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Song ở thời bình, du kích Củ Chi vẫn phát huy truyền thống kiên cường bám đất, bám dân, luôn keo sơn gắn bó với dân, cùng nhân dân xây dựng quê hương, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Huyện Củ Chi
|