ĐỊA ĐẠO CỦ CHI ĐIỂM HẸN LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vinh dự là một trong ba di tích cấp quốc gia được nhà nước xếp hạng và công nhận sớm nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua, khu di tích đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về nhiều mặt, đặc biệt trong đó có việc biến địa điểm lịch sử này thành một điểm hẹn tổ chức các lễ hội truyền thống cách mạng hàng năm.
Với nhiệm vụ chính là tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng thông qua “Hệ thống địa đạo chiến”, trong những năm qua khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan tìm hiểu về địa đạo. Bên cạnh hệ thống địa đạo, được sự đồng ý của UBND TP.HCM Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – nơi tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã được xây dựng liên hoàn với Khu di tích địa đạo, tạo thành một quần thể tham quan thống nhất. Ngày 19.12.1995 công trình được khánh thành, nhân dân mọi miền đất nước đã đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, và cũng chính ngày này đã trở thành ngày lễ hội truyền thống đền Bến Dược.
Hằng năm vào ngày 19.12, phối hợp với Sở VHTT Thành phố, khu di tích tổ chức trọng thể lễ hội đền Bến Dược với nhiều loại hình đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từ: ca múa, đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, đến nhiều loại hình vui chơi bổ ích khác. Đối với nhân dân địa phương thì những ngày này đã thực sự trở thành một ngày hội truyền thống, vì thế mà có những đêm Khu di tích đã đón tiếp gần 50.000 khán giả đến tham gia họat động, vui chơi. Đặc biệt vào ngày lễ lớn này, Hội thao đền Bến Dược do chính khu di tích đăng cai tổ chức luôn được mọi người quan tâm, tham gia ủng hộ vì nó mang tính cộng đồng, tập thể cao.
Trước khi lễ hội diễn ra, Ban giám đốc khu di tích đã tổ chức cho hàng chục xe loa, cờ, panô quảng cáo nội dung họat đông lễ hội đến mọi xã và các tỉnh bạn như: Tây Ninh, Long An, Bình Dương…Với nhiều môn thi đấu như cầu lông, bóng chuyền, bơi lội, đua thuyền…hội thao trong khuôn khổ lễ hội đã thu hút được rất nhiều đơn vị trong địa bàn và các tỉnh bạn trực tiếp tham gia ủng hộ. Kết quả này thể hiên được tinh thần giao lưu học tập lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ hướng dẫn khách quan địa đạo và viếng đền vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ hội lớn như: 3.2, 30.4, 1.5, 27.7, 2.9, 19.12, 22.12, tết dương lịch, âm lịch…, Khu di tích là đơn vị hàng năm đứng ra tổ chức các hoạt động như TDTT, VHNT với nhiều loại hình vui chơi giải trí phục vụ miễn phí cho bà con nhân dân trong vùng và các địa phương lân cận.
Như một điểm hẹn truyền thống, hàng năm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được đón tiếp rất nhiều đơn vị, cơ quan đến tổ chức kết nạp Đảng, Đoàn, Đội. Bên cạnh đó có nhiều đoàn viên thanh niên đến tham gia sinh họat dã ngoại, cắm trại và giao lưu kết nghĩa với đơn vị. Đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các đoàn đến tổ chức hội trại: Hội trại tuyên dương các thủ lĩnh thanh niên, đòan khối văn hóa TW, Hội trại tổng kết chiến dịch Mùa hè xanh…đặc biệt có 18 đơn vị tổ chức họp mặt truyền thống nhằm để gặp gỡ và ôn lại những kỷ niệm: Phụ nữ Bình Thuận, Già làng Bình Thuận, Mẹ Việt Nam anh hùng các tỉnh phía Nam, Nữ thanh niên xung phong…Một số trường Đại học đã lấy vùng đất Củ Chi anh hùng làm bài giảng sinh động cho các khóa học chính trị quan sự bằng cách đưa sinh viên đến tham quan thực tế.
Có thể nói địa đạo Củ Chi đã trở thành điểm hẹn truyền thống của nhiều thế hệ người dân Thành phố và địa phương lân cận và là niềm cảm kích của du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. Với Củ Chi hôm qua và hôm nay, ý chí giữ nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam hòa quyện thật đậm đà.