Ngày 08/01/1966, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân mang tên Crimp (cái bẫy) nhằm tiêu diệt đầu não Quân khu Sài Gòn – Gia Định và triệt hạ vùng giải phóng Củ Chi. Ban Chỉ huy hành quân Mỹ xác định: “cuộc tiến công ồ ạt lớn sẽ đánh vào trái tim bộ máy Việt cộng trong khu rừng Hố Bò nổi tiếng ở phía tây nam vùng tam giác sắt đáng sợ”. Trên một diện tích khoảng 7.000 ha, địch tung vào đây tới 12.000 lính bộ binh (chưa kể lính công binh, trợ chiến, hậu cần), trong đó có 2 lữ đoàn thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ (Anh cả đỏ), Lữ đoàn dù 173, một tiểu đoàn Úc và 8 tiểu đoàn ngụy. Chúng còn huy động 24 lượt máy bay B52 cùng 300 lượt máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng, hơn 100 khẩu pháo hạng nặng, 500 súng cối và 600 xe cơ giới của 2 trung đoàn thiết giáp, 1 trung đoàn thuộc binh chủng hóa học.
Tuy nhiên, điều mà kẻ địch chưa lường hết và chúng cũng không ngờ tới là trước khi Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ đến Củ Chi, tại nhiều xã ở đây đã có hệ thống địa đạo liên hoàn dài hàng chục cây số. Bên dưới địa đạo, ngoài những căn hầm ăn, ở, còn có các ổ chiến đấu, từng ổ đều có ngách trổ thông ra ụ chiến đấu. Mỗi ấp đều có hàng rào tầm vong bao quanh; riêng số hầm chông, hố mìn, hố đinh, cạm bẫy… thì nhiều không kể xiết.
Từ sáng sớm ngày 08/01/1966, sau hàng chục đợt máy bay B52 ném bom rải thảm từ Rừng Trích (Nhuận Đức) qua Xóm Trại, Rừng Làng (An Nhơn Tây) lên Trảng Xếp, Bàu Đưng, Hố Bò (Phú Mỹ Hưng) cùng các loại pháo bầy, pháo chụp cấp tập dọn bãi, hàng đàn máy bay lên thẳng Mỹ ồ ạt đổ quân xuống khu vực nam lộ 7. Trên sông Sài Gòn, xuất hiện nhiều tàu chiến và giang thuyền yểm trợ. Xuất phát từ Trung Hòa, xe tăng địch chia làm nhiều mũi tiến công vào ba xã trọng điểm: An Phú, Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, vùng căn cứ chính của Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Từng toán chó bécgiê hung hãn lao lên phía trước đánh hơi và sục sạo, lính Mỹ lốc nhốc bám theo sau. Bọn địch tiến hành cuộc hủy diệt tàn bạo được mệnh danh là “bóc vỏ trái đất”; nhà cửa, vườn tược, lúa gạo… của người dân đều làm mồi cho lửa đạn. Suốt thời gian diễn ra cuộc càn, giặc Mỹ đã cào bằng hơn 1.000 ngôi nhà và đốt trụi hơn 2.000 căn nhà khác của người dân Củ Chi.
Về phía ta, khoảng một tuần trước khi diễn ra trận càn của địch, Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Huyện ủy và Huyện đội Củ Chi đã nắm được những thông tin cần thiết. Với tinh thần chủ động, cấp trên chỉ đạo 6 xã phía bắc tích cực củng cố hệ thống công sự, chiến hào, đồng thời bố trí hầm chông và gài trái ở các ụ chiến đấu…
Với sự chuẩn bị chu đáo, nên dù ở vào tình thế quá ư chênh lệch, một chọi mười thậm chí chọi trăm, quân và dân Củ Chi vẫn gan gốc bám trụ, kiên cường chiến đấu, chặn đứng từng mũi tiến công của địch. Tại xã An Phú, du kích dùng mìn phá hỏng 5 xe tăng, đồng thời diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Cánh quân thứ hai của địch kéo xuống cầu Trệt, chúng lọt vào bãi trái, hầm chông, hố đinh… thêm 50 tên khác bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đến cuối ngày, du kích An Phú đẩy lùi 8 đợt tấn công của địch, sau đó rút lui an toàn.
Nhiều trận địa đạo chiến đã xảy ra, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diễn ra ở ngã ba Cây Gõ, xã Phú Mỹ Hưng. Một tiểu đội du kích gồm 9 người, trong đó có chị Trần Thị Gừng, được chia làm 3 tổ, 2 tổ bắn súng bố trí ở ổ chiến đấu trên mặt đất, 1 tổ tiếp đạn ở dưới địa đạo. Vũ khí của tiểu đội vỏn vẹn chỉ có 5 súng trường Mat, 1 carbine, 60 quả mìn với 1 chiếc đinamô xe đạp dùng để phát điện, chỉ 1 ổ chiến đấu là có pin. Biết lực lượng ta mỏng, chênh lệch quá lớn so với địch, song anh chị em vẫn thể hiện quyết tâm lập công ngay trong trận đầu ra quân đánh Mỹ. Địch có 1 Tiểu đoàn, khoảng 400 tên và 37 xe cơ giới, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 08/01/1966, quân địch từ hướng đông nam theo lộ 15 tiến vào. Một mũi địch lọt vào ngay ổ chiến đấu, tiểu đội lập tức nổ súng. Bất ngờ nghe tiếng súng, lính Mỹ (chưa có kinh nghiệm) vội nằm xuống theo động tác chính quy, rồi mới đưa súng lên ngắm bắn. Nhiều tên dáo dác ngó nghiêng tứ phía, chúng không phát hiện được ổ chiến đấu của du kích nằm giữa đồng trống trải, lơ thơ vài ba gốc cây, chỉ cách đó chừng 25 – 30m. Hốt hoảng trước việc chỉ trong chốc lát đã có cả chục tên bỏ mạng, bọn lính lùi ra và bắn loạn xạ vào cánh rừng gần đó. Xe tăng địch lù lù tiến vào, du kích chập điện cho nổ mìn, diệt 2 chiếc. Địch gọi máy bay đến ném bom, nhiều quả rơi gần ổ chiến đấu của tiểu đội du kích, song anh chị em vẫn quyết bám trận địa.
Xế chiều, địch cho xe tăng M.41 chia làm nhiều mũi tấn công. Tiểu đội du kích vẫn lăn xả chiến đấu. Tuy nhiên, do ta chỉ có mìn loại nhỏ nên không thể diệt được xe tăng hạng nặng, chỉ làm hư xích 1 chiếc. Địch chiếm lĩnh trận địa, tiểu đội du kích rút sâu vào địa đạo dưới lòng đất. Tối đến du kích trồi lên, bò đến miệng ổ chiến đấu để quan sát tình hình địch. Kết quả, ta diệt 107 tên địch; bắn hỏng 6 xe tăng và xe bọc thép, có chiếc trúng mìn lật ngửa chỏng chơ trên mặt đất. Lần đầu tiên, du kích Phú Mỹ Hưng thu được súng tiểu liên AR-15 của lính Mỹ.
Tại ấp Phú Bình (xã An Phú) trên diện tích chưa đầy một cây số vuông, một tiểu đội du kích gồm 9 người đã cầm chân 400 tên địch và 60 xe M113 trong 3 ngày liền. Ở xã Trung Lập Hạ, trên một trận địa nhỏ hẹp bị cài ủi không một bóng cây, trong 10 giờ liền, bộ đội địa phương Củ Chi và du kích đánh lui 7 đợt đột kích của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 118 tên. Nhiều tên Mỹ bỏ xác trong đường hầm vì lần theo du kích. Đặc biệt, chỉ trong 2 đợt đầu địch đổ quân, du kích xã Phước Hiệp đã bắn hạ 3 máy bay lên thẳng. Tại các ổ chiến đấu của ta ở Bến Mương, Bàu Trăn, Cây Gõ, Ngã ba Dược… nơi nào cũng ngổn ngang xác giặc. Nhiều tên Mỹ bị thương do vướng mìn hoặc sa vào bãi tử địa, vì quá khiếp đảm nên bọn chúng khóc rống lên hoặc kêu la thảm thiết. Địch phải dùng máy bay lên thẳng đáp xuống lấy xác đồng bọn và chở đám lính bị thương.
Đến ngày 19/01/1966, Mỹ - ngụy buộc phải chấm dứt cuộc càn. Khi địch co cụm về căn cứ Đồng Dù, không cho chúng kịp trở tay, chị Nguyễn Thị Nê, Đội trưởng Đội nữ Du kích Củ Chi, cùng tổ trinh sát đột nhập diệt gọn Ban Chỉ huy Lữ đoàn dù 173.
Trong 11 ngày đêm (từ ngày 08/01 đến ngày 19/01/1966), lực lượng vũ trang đã kiên cường đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, bắn rơi nhiều máy bay (hầu hết là trực thăng HU1A), bắn cháy và bắn hỏng 77 xe quân sự (có 56 xe bọc thép M113), 2 khẩu súng pháo 105 ly. Như vậy, cuộc hành quân quy mô lớn được coi là then chốt của Mỹ trong đợt 1 phản công chiến lược vào miền Đông Nam Bộ, với âm mưu thâm độc nhằm biến Củ Chi thành một vành đai trắng đã bị quân và dân ta bẻ gãy.
Trên mảnh đất Củ Chi vừa trải qua một trận càn lớn của Mỹ - ngụy, không khí hãy còn khét nồng mùi thuốc súng, ngày 25/01/1966, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định tổ chức hội nghị tổng kết chiến tranh nhân dân. Có thể nói, qua hiệp đầu đụng độ, quân và dân Củ Chi đã góp phần trả lời một câu hỏi lớn dành cho toàn Miền: Chiến tranh nhân dân ta có thể thắng chiến tranh hiện đại của Mỹ. Thực tiễn chứng minh quân và dân Củ Chi bằng vũ khí thô sơ đã dám đối chọi với một cuộc hành quân quy mô lớn của một đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại. Với lòng quả cảm phi thường, du kích Củ Chi hạ xe cơ giới, bắn rơi máy bay, đẩy lùi từng mũi tiến công của quân Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy Sài Gòn.
(Trích Ký sự Nữ Du kích Củ Chi những bông hoa Đất Thép)