TIN TỨC SỰ KIỆN 12 Tháng Chín 2018 7:30:00 SA

Phát huy truyền thống Đất Thép thành đồng, huyện Củ Chi không ngừng phát triển đi lên

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp tham chiến bằng hai gọng kìm là “tìm diệt” và “bình định” đã đưa cách mạng miền Nam vào thử thách khốc liệt. Phát triển chiến tranh du kích được xác định là phương châm đánh giặc. Do điều kiện địa hình, đất đai đặc biệt, Củ Chi được chọn mở rộng xây dựng địa đạo làm căn cứ kháng chiến xuống lòng đất là yêu cầu cấp thiết để tránh những hao tổn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ, trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy. Du kích Củ Chi chính là nhân dân, nhân dân cũng chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.

Quân dân Củ Chi linh hoạt trong cách đánh địch bằng vũ khí của mình, dùng vũ khí địch đánh địch. Những quả mìn gạt, mìn cán tự tạo của các chiến sĩ quân giới từ những quả bom chưa nổ trong số 500 ngàn tấn bom đạn mà Mỹ đã đổ xuống vùng đất này đã giúp du kích Củ Chi lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng. Nhà nhà, người người trở thành dũng sĩ diệt xe tăng. “Lòng dân nổi dậy – ngày xuống đường – đêm không ngủ. Đạp rào gai – che họng súng. Liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh”.

Đất và người Củ Chi hóa thép.“Trái tim thành chiến hào. Ánh mắt hóa vì sao. Bàn tay thành lưỡi kiếm”. Từ trong lòng đất, quân và dân Củ Chi đã duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ bằng tất cả ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi. Họ sẵn sàng đối đầu với các thế lực hùng mạnh, đối diện với chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân. Họ có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Củ Chi trở thành biểu tượng của sức sống bất diệt, của cuộc chiến tranh nhân dân. Từ lòng đất, du kích Củ Chi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh tan hàng trăm trận càn của địch với đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Và cuối cùng, chiến tranh nhân dân thắng chiến tranh hiện đại của đế quốc và tay sai.

Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, ngày 17 tháng 9 năm 1967 (miền Nam mở “Đại hội Quyết Thắng giặc Mỹ xâm lược”), quân và dân Củ Chi được Ủy Ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận là “Đất Thép Thành đồng”, được tặng Huân chương Thành đồng.

Cuộc chiến trong lòng đất của quân và dân Củ Chi đã ghi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Một kỳ tích có một không hai, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ 20.

Trong giai đoạn 1954 - 1975, Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Người Củ Chi bao đời kiên cường, bất khuất, một lòng đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay, Củ Chi cũng vẫn kiên cường, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương địa đạo phát triển, đổi mới. Để xứng đáng với danh hiệu “Đất Thép thành đồng”, xứng đáng với nghĩa tình sâu nặng của Thành phố luôn bên cạnh Củ Chi và cả nước cũng luôn hướng về đất anh hùng Củ Chi.

Bốn mươi ba năm sau xây dựng, một chặng đường tuy rất ngắn so với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhưng cùng với sự phát triển chung của Thành phố, huyện Củ Chi đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hóa - thể thao. Lĩnh vực giáo dục, y tế có sự tiến bộ vượt bậc, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển, nhất là giao thông, điện khí hóa nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông... Nhiều chương trình xã hội mang tính nhân văn sâu sắc và có sức lan tỏa như phong trào về nguồn, thực hiện đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình  thương, chương trình “xóa đói giảm nghèo” đã giúp cho Củ Chi từng bước thay da đổi thịt tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới trong chặng đường Củ Chi. Và với sự nỗ lực đó, quê hương Củ Chi “Đất Thép thành đồng” đã đạt được một số thành tựu đáng kể:

- Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới giai đoạn từ năm 1994 đến 2004.

- Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2015.

- 100% người dân tiếp cận sử dụng nước sạch

- Có gần 5.000 căn nhà tình nghĩa xây tặng gia đình chính sách.

- Thu nhập đầu người trên 46 triệu đồng/người/năm từ năm 2016.

Năm 2018 là năm thứ ba huyện Củ Chi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố và cũng là năm đánh dấu nửa chặng đường phấn đấu, nỗ lực không ngừng và quyết tâm chính trị cao của tập thể Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện Củ Chi trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nửa chặng đường qua, đồng chí Trương Văn Thống, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: “Huyện đã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Kết quả, có 13/19 chỉ tiêu đạt tỷ lệ từ 70% trở lên.

Cơ cấu kinh tế huyện đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tiếp tục tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp, tập trung phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng trưởng kinh tế hằng năm được duy trì ở mức cao, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 76,71% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. 20/20 xã đã được phê duyệt đề án nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thu nhập bình quân của người dân tăng 130% so với đầu nhiệm kỳ.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, gắn bó mật thiết với nhân dân, uy tín của Đảng, của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Công tác cải cách hành chính được thực hiện có hiệu quả, chỉ số hài lòng của người dân sau khi sử dụng các dịch vụ hành chính tại huyện và xã, thị trấn ngày càng tăng cao. Các vấn đề bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm và tập trung giải quyết, bước đầu mang lại hiệu quả, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương Đất Thép thành đồng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã gặt hái được nhiều kết quả rất quan trọng và đáng tự hào. Bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân từng ngày khởi sắc. Lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền càng được tăng cường. Đây là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân với quyết tâm khơi dậy, phát huy sáng tạo trên cơ sở tập hợp mọi nguồn lực cùng hướng tới một mục tiêu chung xây dựng huyện Củ Chi ngày một tiến bộ, do dân vì dân, vững bước hôm nay, tiến tới tương lai.

N.T


Số lượt người xem: 3708    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm