TIN TỨC SỰ KIỆN 30 Tháng Tư 2018 3:20:00 CH

Nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp

43 năm đã đi qua, ký ức của một thời hoa lửa từ chiến trường Củ Chi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, huyện Củ Chi đã dốc toàn bộ lực lượng cho chiến dịch “Khí thế như Mậu Thân, tấn công như năm 1972, nổi dậy như Đồng Khởi” vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm.

 

Củ Chi vừa có nhiệm vụ giải phóng huyện nhà vừa phải cùng lực lượng chủ lực tham gia giải phóng Thành phố. Nếu như trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Củ Chi giành chính quyền trước một ngày để đưa lực lượng vào tiếp ứng nhân dân thành phố, thì mùa xuân năm 1975, quân dân Củ Chi cũng giải phóng quê hương mình trước một ngày, mở toang cửa ngõ Tây Bắc và góp sức cùng với bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Như vậy trong cuộc đọ sức cuối cùng, nhân dân Củ Chi đã thắng bằng sức mạnh của quê hương, trải qua một quá trình thử thách lâu dài, gay go, quyết liệt. Bên cạnh tự lực tự cường Củ Chi cũng nhờ sự chi viện to lớn về sức người, sức của của đồng bào cả nước. Đó là những đoàn quân Nam Tiến, bộ đội chủ lực và các tỉnh bạn, đó là những cán bộ chiến sĩ khắp mọi miền đất nước chiến đấu tại Củ Chi. Đó là những binh đoàn cơ động từ xa tới, đè bẹp mọi đề kháng của kẻ thù, tạo điều kiện cho quân dân Củ Chi giải phóng hoàn toàn quê hương mình. Sức mạnh đó đã tăng lên gấp bội vào giai đoạn kết thúc.

Đúng 13 giờ ngày 29/4/1975, khí thế tưng bừng như vũ bão, lực lượng ta hầu hết làm chủ ở các xã. Cờ giải phóng tung bay khắp nơi. Huyện Củ Chi hoàn toàn giải phóng làm bàn đạp vững chắc để các cánh quân hừng hực khí thế tiến công vào nội đô dinh lũy cuối cùng của chế độ Mỹ - Ngụy giải phóng Sài Gòn.

Trưa 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng trong niềm vui và nước mắt của cả dân tộc. Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dãi.

Dựa vào sức mạnh tinh thần, sức mạnh tổng hợp, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng địch từng bước, từng chiến lược, từng mặt trận…

Sau 43 năm, nhìn lại Đại thắng 30/4/1975, nhiều cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử tiếp tục khẳng định: Đó là kết quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nghệ thuật quân sự ấy thể hiện ở rất nhiều điểm, trong đó quan trọng nhất vẫn là tận dụng, nắm bắt thời cơ để đưa ra quyết sách kịp thời; là sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các quân chủng, binh chủng, các lực lượng và trên hết là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận toàn dân. Từ nghệ thuật quân sự ấy, quân và dân ta đã làm nên một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời sự tăng cường chuẩn bị lực lượng cho trận đánh lớn đã đến lúc chín muồi, ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn và nhanh chóng giành thắng lợi.

Ngay khi chiến dịch này còn đang diễn ra, Bộ Chính trị đã họp, nhận định thời cơ, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trước mùa mưa năm 1975. Tiếp sau đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng. Các đơn vị, các lực lượng, toàn quân toàn dân nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là “nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đây là đánh giá, nhận định tài tình, kịp thời, sáng suốt của Đảng, của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh khi thấy tình huống diễn ra thuận lợi hơn. Cho nên, trong điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có câu “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” chính là điều chúng ta xác định đây là dịp chúng ta thừa thắng xông lên.

Tất cả đã biến ý chí thành hành động, huy động mọi sức mạnh của các quân binh chủng, sự chi viện của hậu phương miền Bắc, sự chuẩn bị của tiền tuyến miền Nam cho chiến thắng. Quân ta lúc đó có thế trận vững, lực lượng mạnh, gồm các binh đoàn chủ lực, các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương đông đảo, lực lượng chính trị quần chúng hùng hậu, sục sôi quyết thắng. Sự kết hợp sức mạnh tổng hợp là cả tổng công kích về quân sự và sự nổi dậy của quần chúng. Đó cũng chính là điểm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nhờ chiến tranh nhân dân ấy đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, đấu tranh ngoại giao, vừa đánh vừa đàm, huy động sức mạnh của quần chúng thực lực tại chỗ và sự chi viện đắc lực của miền Bắc.

Căn cứ vào tình hình thực tế và tương quan lực lượng giữa ta và địch sau Hiệp định Paris năm 1973 chính sự phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam đã khiến quân địch một lần nữa phải đương đầu với cả một dân tộc mang trong lòng khát vọng cháy bỏng về hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh đánh phá miền Bắc năm 1972, sau Hiệp định Paris năm 1973, hậu phương miền Bắc tiếp tục dồn sức chi viện cho miền Nam. Bom đạn ác liệt nhưng đường Trường Sơn vẫn tiếp tục mở, đưa quân đội và xăng dầu, vũ khí, phương tiện… chuẩn bị cho đánh lớn. Quân thù đã không còn có thể đong đếm thuần túy về số quân, số phương tiện chiến tranh của mỗi bên. Bởi xét về tiềm lực quân sự thì Việt Nam lúc đó ở thế yếu hơn nhưng về tinh thần, về sức mạnh tổng hợp thì hơn hẳn. Dựa vào sức mạnh đó, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng địch từng bước, ở từng chiến lược, từng mặt trận và cuối cùng là thắng ở cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam.

KIỀU NGÂN


Số lượt người xem: 3075    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm