Còn mãi với thời gian…
Xã Bình Mỹ huyện Củ Chi là địa bàn “bàn đạp” cho các lực lượng thuộc Phân khu 1, khu trọng điểm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tấn công các mục tiêu quan trọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ hướng Tây Bắc. Tại đây đã ghi dấu ấn sâu đậm tấm lòng yêu nước của nhân dân; sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc quận Gò Môn, Tiểu đoàn Quyết Thắng 1, Tiểu đoàn Quyết Thắng 2, Trung đoàn bộ binh 16, Trung đoàn bộ binh 88, Tiểu đoàn 8 pháo binh,…
Đặc biệt vào đầu tháng 02 năm 1968 ghi dấu sự kiện bi thương: Đội phẫu thuật tiền phương Y4 đang lúc chữa trị cho thương binh, bị địch bỏ bom, dội pháo, gần ba trăm thương binh, y bác sĩ xương máu trộn bùn non, thân xác tan vào giồng đất, bờ mương,… Những người con ưu tú của mọi miền quê hương đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân, nhiều người ra đi, đi mãi chưa về! Nơi đây, trở thành một địa danh bất tử.
Có những sự kiện mà thời gian càng lùi xa càng thấy rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện như vậy. Tối 21/1/2018, cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 “Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép” đã diễn ra đầy hùng tráng, xúc động kết nối 3 địa danh gắn liền với sự kiện năm nào là: Di tích Dinh Độc Lập - Hội trường Thống Nhất, Khu Tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Khu Tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Trước đó, hoạt động tìm kiếm và quy tập các hài cốt liệt sĩ hy sinh được thực hiện tại khu vực đồng ruộng thuộc ấp 7 xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi là Đội phẫu thuật tiền phương Y4, chữa trị cho bộ đội bị thương lúc hành quân qua Củ Chi để tiến vào thành phố, khi Mỹ ném bom và bắn phá, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Đã tìm thấy 06 hài cốt liệt sĩ, nâng tổng số lên 44 hài cốt. Hoạt động tìm kiếm sẽ được tiến hành cho đến khi toàn bộ khu vực dự đoán có hài cốt được tìm kiếm hết.
Để tưởng nhớ gần 300 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận ném bom, Thành phố cũng đã xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nắng, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 là người con của Hóc Môn nhưng đã chiến đấu trên chiến trường Bình Mỹ, huyện Củ Chi vào năm 1968. Ông cho biết, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông đã tham gia bộ đội địa phương thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 2B, Gò Môn và tham gia tổ hỗ trợ cho Bình Mỹ. Thời điểm đó địch hoạt động rất mạnh và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 địch mở chiến dịch quét và xóa.
Là người dân ấp 2, xã Bình Mỹ, ông Nguyễn Văn Đấu kể: “Ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tôi vẫn còn nhỏ nhưng vẫn nhớ sau cuộc Tổng tiến công giặc càn quét vùng này rất dữ dằn, gần như trở thành vùng trắng. Bình Mỹ, mảnh đất bị giặc tàn phá năm xưa hôm nay đổi thay phát triển, đường sá được xây dựng, các khu dân cư đông đúc đã mọc lên. Đặc biệt tại đây còn có công trình văn hóa thể thao phục vụ cho nhân dân. Điều đó làm người dân chúng tôi mừng lắm”.
Màu áo mới trên vùng đất Bình Mỹ
Đúng như lời nói của ông Nguyễn Văn Đấu (ấp 2 xã Bình Mỹ), quê hương Bình Mỹ đã có nhiều đổi mới. Vào những ngày đầu năm mới, khi sắc xuân đang len vào từng đường làng, ngõ xóm, hiện hữu trước mắt là những ngôi nhà bình yên, no ấm. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Mỹ đã có những cách làm phù hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp và nỗ lực, quyết tâm vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tạo nên những bước phát triển quan trọng, đạt nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Song điểm chung nhất đạt được chính là sự văn minh, trù phú, thể hiện rõ nhất khi mùa xuân đang đến gần.
Năm 2017, kinh tế Bình Mỹ có bước tăng trưởng khá. Thu ngân sách đạt kết quả cao, đạt trên 53 tỷ 678 triệu đồng, đạt 131% kế hoạch năm.
Về ấp 1, ấp 5, ấp 6B xã Bình Mỹ, khi người dân đang thu hoạch hoa lan, thu hoạch rau muống sạch, chúng tôi nhận thấy nét mặt rạng rỡ, phấn khởi của người dân khi mùa xuân về bởi chính họ đã góp phần quan trọng để phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hiện xã Bình Mỹ có các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây đó là cây hoa lan, mô hình trồng rau muống nước VietGAP, trồng hoa kiểng, mô hình trồng rau ăn lá,.. Trở về trước, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa giá trị kinh tế thấp. Trước thực tế đó, được sự quan tâm của huyện, xã Bình Mỹ đề ra chủ trương chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào trong chăn nuôi, trồng trọt.
Người dân đã nhận thức việc mở rộng các loại hình kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt, cây hoa lan, rau muống nước sạch đang thích hợp với vùng đất địa phương, từ đó người dân tập trung thực hiện. Hiện toàn xã có 14,33 ha chuyên trồng hoa cây kiểng, nhất là mô hình trồng lan cắt cành, đem lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm với diện tích khoảng 5.000 m2. Xã chú trọng phát triển mô hình trồng rau và đã hình thành cánh đồng rau muống VietGAP với 160 hộ tham gia mang lại hiệu quả kinh tế. Được biết, 1.000 m2 trồng rau cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Hướng đi này đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, số hộ khá giàu liên tục tăng lên hằng năm. Hiện thu nhập bình quân đầu người dân Bình Mỹ đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Năm 2013 xã đã xây dựng thành công xã nông thôn mới và hiện nay đang trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Cái được lớn nhất sau những năm xây dựng xã nông thôn mới là bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Năm 2010, toàn xã còn 1.407 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,53%. Cuối năm 2015, xã còn 198 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%; hộ cận nghèo là 499 hộ, chiếm 9,7% nhưng đến năm 2017, số hộ nghèo giảm còn 129 hộ, chiếm 2,18%; số hộ cận nghèo giảm còn 191 hộ, chiếm 2,23%. Xã giải quyết việc làm cho 619 người, đạt 154,75% chỉ tiêu; lao động qua đào tạo 378/250 người, đạt 151,2% chỉ tiêu.
Các thiết chế văn hóa được đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia; nếp sống văn minh từng bước được hình thành. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm. Công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, đảm bảo sức khỏe đạt 93,63%.
Nhìn lại 50 năm từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, cảm nhận về vùng đất và con người nơi đây, trong chiến tranh đã kiên cường, bất khuất đấu tranh bảo vệ quê hương, bảo vệ Đảng, bảo vệ vùng căn cứ địa cách mạng, bảo vệ cán bộ chiến sĩ, nuôi dưỡng thương bệnh binh, đóng góp nhân lực, của cải cho cuộc kháng chiến với tất cả khả năng của mình. Trong thời bình, phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Mỹ vượt gian khó, đánh thức vùng đất nghèo. Miền đất phần lớn là bưng trũng đang cựa mình, khoác lên mình màu áo mới nhờ những giải pháp đồng bộ trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế- xã hội.
Mùa xuân đang về trên các vùng quê nông thôn mới Củ Chi. Riêng quê hương Bình Mỹ với bức tranh quê nhiều màu sắc đang điểm tô cho mùa xuân nơi đây thêm rạng ngời, tươi sáng.
KIỀU NGÂN – THANH AN