TIN TỨC SỰ KIỆN 11 Tháng Hai 2018 9:00:00 SA

Phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Củ Chi năm 1968

 

Để chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân  1968 Củ Chi là hậu phương lớn có nhiệm vụ phá một số đồn bót, một số tua, mở đường cho chủ lực ta chọc sâu vào nội thành. Huyện còn chuẩn bị lương thực, nhân công cho chiến dịch, bên cạnh đó lực lượng vũ trang địa phương còn phá cầu, phá đường chuẩn bị cơ sở cho nội tuyến bên trong. Kết hợp với nội tuyến, bộ đội địa phương có nhiệm vụ tấn công Thị trấn Củ Chi khi chiến dịch nổ ra. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân của huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Huyện ủy vẫn quyết tâm, trong tình hình địch ra sức gom dân, lập ấp chiến lược (với chiến thuật tách dân ra khỏi cách mạng của địch). Huyện ủy tổ chức hội nghị bàn biện pháp mới. Điều kiện giữ dân không thực hiện được, chủ trương tiếp tục giữ dân thì không còn phù hợp nữa. Do đó Huyện ủy tổ chức và xây dựng một số cán bộ có điều kiện theo dân để bám dân, bám phong trào và trực tiếp chỉ đạo đấu tranh.

Ngày 29 Tết Mậu Thân, Huyện ủy đã họp bàn chỉ đạo xuống đường xuân 1968 tại địa đạo ấp Bàu Lách (xã Nhuận Đức).

Ngày 31/01/1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam bắt đầu. Những đơn vị bộ đội chủ lực như Sư 9, Sư 5, quân giải phóng ém sẵn ở Củ Chi, nhận lệnh bật dậy nổ súng diệt những đồn địch ở lộ 22, mở đường tiến quân vào Sài Gòn. Những trận chiến đấu ác liệt xảy ra ở Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, quân dân Củ Chi vừa tích cực giúp đỡ bộ đội trong việc dẫn đường, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu và tiếp tế, tải thương.

Cùng thời gian này bộ đội địa phương tấn công vào Thị trấn Củ Chi, ta làm chủ tình hình được 1 ngày. Nhiều nơi lực lượng quân giải phóng cùng với quần chúng nổi dậy tiêu diệt nhiều đồn bót địch như: Mỹ Khánh (xã Thái Mỹ), Phước Hưng (xã Phước Thạnh), Sở Đất Thịt, Xóm Bưng (An Nhơn Tây), cây Điệp (xã Nhuận Đức)...

Ngày 02/2/1968, lực lượng vũ trang Củ Chi phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công căn cứ Đồng Dù, diệt 1.000 tên Mỹ, phá hỏng gần 70 máy bay.

Bộ đội địa phương và du kích liên tiếp tập kích Chi khu Phú Hòa, đốt toàn bộ chi khu, bắt một Chi khu phó và bọn tay chân. Đồn địch ở Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Tân An Hội, Bình Mỹ bị các lực lượng vũ trang ta tiêu diệt. Riêng đồn Phước Vĩnh An, ta vận động gia đình binh sĩ, đốt đuốc đến kêu gọi con em về, cùng áp lực của lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang bên ngoài hỗ trợ, địch phải đầu hàng, ta chiếm đồn. Hàng chục đồn bót khác bọn địch hoang mang lo sợ rút chạy.

Tháng 5/1968, địch tập trung lực lượng mở chiến dịch mang tên “Toàn thắng”, đánh vào các khu vực chung quanh thành phố, chúng phản kích quyết liệt vào địa bàn Củ Chi, trận chiến ở đây trở nên ác liệt hơn trước.

Trong bom đạn, lòng dũng cảm của nhân dân càng thể hiện rõ ràng, hàng trăm phụ nữ và trẻ em ở Trung Lập đã dũng cảm chặn đầu đoàn xe tăng địch với lý lẽ “càn làm hư hại hoa màu, ruộng lúa của đồng bào”, buộc chúng phải quay trở lại, bỏ dở cuộc càn để lực lượng cách mạng bên trong chuẩn bị kịp thời. Để có vũ khí đánh giặc và chi viện cho các đơn vị bạn, những công trường của du kích Củ Chi vừa tranh thủ sửa chữa, vừa sản xuất vũ khí để phục vụ chiến đấu.

Mặc dù cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt nhưng thực hiện chủ trương của Huyện ủy, nhân dân đã tổ chức được phong trào toàn dân nuôi thương binh tại chỗ. Hầu hết các xã đều nhận nuôi thương binh. Vì vậy, những thương binh của đơn vị bạn từ thành phố đưa ra hoặc sau những trận đánh, những chiến dịch đều được nhân dân Củ Chi nuôi dưỡng, có nhiều nhà đào hầm nuôi giấu thương binh, có nhà nuôi 3 đến 5 thương binh. Trong đó, nổi bật nhất là xã Bình Mỹ, nhân dân tại đây đã nhận nuôi giấu khoảng 3.000 thương binh của cánh quân đánh vào Gò Vấp và Bộ tổng tham mưu. Riêng xã Nhuận Đức, nhân dân cũng đã nhận nuôi tới 700 thương binh.

Trước những đòn tấn công bất ngờ của ta ở Sài Gòn, địch choáng váng, bọn ngụy tiếp tục mở đường nhiều đợt phản kích vào khu căn cứ của ta. Củ Chi bấy giờ trở thành mục tiêu, địa bàn để chúng đánh phá. Để trả thù, chúng lồng lộn, điên cuồng bằng hàng loạt các cuộc hành quân cấp tiểu đoàn và trung đoàn, chúng tung quân vào khắp các làng ấp, mở những đợt sục sạo, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, chúng hò hét nhau tiêu diệt cho được Tiểu đoàn 7 bộ đội huyện, chúng tổ chức phòng vệ dân sự, cho phát hoang bờ bụi ven sông Sài Gòn và cưa một số lô cao su ven lộ 22. Chúng tăng cường đánh phá cơ sở, tình hình chiến trường những ngày này rất gay go, ác liệt.

Ngay sau đó nhiều xã đã mở hội nghị quân sự để triển khai kế hoạch đánh địch: chẳng những đánh địch bằng lực lượng vũ trang công khai, ta còn kết hợp đánh địch bằng những tổ du kích mật vào tận hang ổ, sào huyệt của chúng. Tiêu biểu là ngày 27/10/1968, tổ du kích mật Củ Chi do đồng chí Chính Khánh, Huyện đội phó quân báo, chỉ huy đã đánh chất nổ vào câu lạc bộ căn cứ Đồng Dù làm chết và bị thương 119 tên Mỹ, trong đó có 8 tên cấp tá. Mặc dù địch ra sức bảo vệ, nhưng câu lạc bộ của chúng vẫn thường bị đánh phá, gây cho địch nhiều hoang mang, lo sợ, chúng tưởng rằng sau những trận càn đã được thoát chết, đâu ngờ về hậu cứ, nơi có thể nói là tương đối an toàn để ăn uống vui chơi thỏa thích, chúng cũng bị ta đánh và gây nhiều thiệt hại.

Trong tháng 10/1968, du kích xã Phước Thạnh trong 2 trận phục kích trên lộ 22 và lộ 7, diệt 8 xe bọc thép và xe tăng địch.

Chỉ trong tháng 11/1968, du kích các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, Nhuận Đức, Trung Lập, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng đã đánh 23 trận với nhiều loại hình khác nhau, đánh máy bay, xe tăng, bộ binh, pháo vào khu quân sự địch, diệt gần 200 tên Mỹ, hàng chục tên ngụy, bắn cháy và làm bị thương 9 máy bay, 18 xe tăng, pháo kích làm hư hại nặng 9 căn trại lính, thu nhiều súng, lựu đạn, hàng chục mìn định hướng, 2 máy truyền tin.

Ngày 03/11/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi". Quân dân Củ Chi tiến lên đánh địch mạnh mẽ hơn, hàng loạt cuộc tập kích vào căn cứ địch của bộ đội huyện và du kích tại xã Hòa Phú, Tân Thạnh Tây... Chi khu Phú Hòa bị tấn công dữ dội, địch phải dời về Tân Quy.

Tháng 12/1968, một trung đoàn bộ binh Mỹ có xe tăng, pháo yểm trợ đã vây đánh Tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương ở khu vực Mít Nài xã Phước Thạnh. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 7 đã hạ được nhiều tên địch, phá vỡ vòng vây. Tên "Tiểu đoàn lửa" Củ Chi cũng có từ đó.

Ngày 20/12/1968, 3.000 lính Mỹ đóng ở Đồng Dù phản chiến, cùng lúc này hơn 1.000 công nhân và lao động làm tại đây (phần lớn là dân Củ Chi) đã tổ chức bãi công để tỏ lòng ủng hộ cuộc phản chiến của binh sĩ Mỹ.

Cuối tháng 12/1968, du kích Phú Hòa Đông và Trung An 1 từ trong ấp chiến lược đánh ngược trở ra 1 tốp lính Mỹ ở ngoài bưng. Bị tấn công bất ngờ, 10 tên Mỹ bỏ mạng, còn hai tên khác chạy trốn.

Cùng với thắng lợi của lực lượng vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng cũng phát triển rầm rộ. Cuối năm 1968, nhiều nơi ban đêm quần chúng đốt đuốt bao vây đồn, bót địch, điển hình là xã Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Hòa Phú. Phong trào binh vận cũng phát triển, bà con kêu gọi con em mình trở về như xã Trung An. Đồng bào ở các xã Bình Mỹ, Phước Vĩnh An, Tân Thông Hội cũng đấu tranh sôi nổi.

Tuy địch có gom được dân vào ấp chiến lược, nhưng chúng không kìm kẹp được, vì nhân dân có sự lãnh đạo của chi bộ mật, phong trào đấu tranh của phụ nữ lên rất mạnh. Thời gian này cách phá ấp chiến lược cũng khác trước khi đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược xong thì chốt lại, địch vào nhân dân ta rút ra né, còn lực lượng vũ trang bám lại đánh, giặc đi, ta lại về. Chứ không như trước đây, địch gom ta phá, rồi địch gom lại, cứ thế giằng co. Bây giờ với phương châm: bám trụ rồi bung ra đánh, địch không dám trở lại gom nữa.

Thành tích của quân dân Củ Chi trong năm 1968 được tổng kết như sau: tác chiến 959 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 11.700 lính địch, trong đó có 8.500 lính Mỹ, bắt sống 140 lính Mỹ, diệt 532 xe cơ giới, phần lớn là xe tăng, hạ và bắn bị thương 214 máy bay, thu 301 súng các loại. Đánh phá 2 chi khu “Củ Chi - Phú Hòa”, diệt, bức hàng, bức rút 20 bót địch, đốt 400 căn nhà trại lính, phá nổ 24 kho bom đạn, phá sập 20 cầu cống. Đấu tranh chính trị 271 cuộc với 68.411 lượt người. Có 1.330 gia đình bỏ ấp chiến lược và về vùng giải phóng. Buộc địch bồi thường 690.500 đồng, 3.500 bao xi măng.

Như vậy, đến cuối năm 1968, quân dân Củ Chi đã trải qua 3 năm trực tiếp đọ sức với quân viễn chinh Mỹ (tính từ tháng 01/1966), mặc dù địch dùng mọi biện pháp đánh phá có tính chất hủy diệt, nhưng vùng giải phóng Củ Chi vẫn đứng vững. Các lực lượng vũ trang kiên cường bám trụ, nhân dân thề quyết sống, chết trên mảnh đất quê hương, để cùng với bộ đội và du kích tiêu diệt quân thù. Quân dân Củ Chi đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Những hy sinh cao cả và những kinh nghiệm quý báu, xứng đáng là lá cờ đầu của phong trào chiến tranh du kích toàn miền, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Đất Thép thành đồng”.

Chiến công của quân dân Củ Chi mùa xuân 1968 đã góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tạo ra một bước nhảy vọt trong cách mạng miền Nam.

(Lược trích “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Củ Chi (1930 - 1975))


Số lượt người xem: 4373    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm