LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
0
2
5
3
Tin tức 02 Tháng Mười 2011 3:05:00 CH

GẶP GỠ THANH NIÊN SẢN XUẤT GIỎI HUỲNH CHÍ CÔNG

 

Rắn Ráo Trâu ( hay còn gọi là Rắn Long Thừa) không phải là vật nuôi mới, nhưng làm giàu được từ mô hình này không phải ai cũng làm được. Với bản tính cần cù, nhẫn nại và ham học hỏi Huỳnh Chí Công, sinh năm 1978 ở xã Phước Vĩnh An đã tiên phong mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi rắn Long Thừa và đã thu được nhiều hiệu quả kinh tế cao, anh vừa được tuyên dương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi vùng Đông Nam Bộ năm 2011.
Đến trang trại gây nuôi sinh sản động vật hoang dã Hưng Thịnh tọa lạc ở ấp 4 xã Phước Vĩnh An để tìm hiểu về quá trình vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng của anh Công mới thấy được sự quyết tâm của người thanh niên trẻ. Vốn là một tài xế, nhưng anh thấy việc lái xe cũng nhiều nguy hiểm, đầu năm 2008 anh bắt đầu chuyển sang chăn nuôi thỏ tại gia đình. Đây là mô hình cũng khá phổ biến được người dân nuôi nhiều lúc bấy giờ. Qua quá trình chăn nuôi, chăm sóc anh thấy con thỏ thường gặp nhiều bệnh, và có hiện tượng chết hàng loạt, hiệu quả kinh tế không cao. Anh bắt đầu đi tìm tòi học hỏi phát hiện ra mô hình nuôi rắn Ráo Trâu ở Tây Ninh. Qua những ngày tháng lân la học hỏi anh công quyết định đưa mô hình này về với địa phương mình. Năm 2008 anh mạnh dạn vay 200 triệu của Ngân hàng Phương Nam đầu tư vào nuôi rắn Ráo Trâu. Xây dựng chuồng trại và đưa 100 con về nuôi, thức ăn của nó là ếch, nhái, nhưng do chưa hiểu hết quy luật tự nhiên của nguồn thức ăn của con rắn, trong năm có hai tháng ếch nhái trú đông và sinh sản nên nguồn mồi của rắn bị thiếu nghiêm trọng. Nguồn thức ăn khan hiếm nên giá thành cao, rắn ốm và chết rất nhiều, đợt đó anh lỗ gần 20 triệu đồng. Dù thất bại và có chút lo lắng nhưng anh không nản chí mà tiếp tục tìm tòi học hỏi từ nhiều người chăn nuôi, từ mạng internet về nguồn thức ăn cho loài rắn Long Thừa. Đến tháng 5/2011 anh được tổ chức đoàn thanh niên xã giới thiệu anh vay được 40 triệu từ nguồn Quỹ khởi nghiệp của Thành đoàn. Từ nguồn vốn này anh mở rộng sản xuất, đầu tư chuồng trại và con giống để tiếp tục chăn nuôi. Không thể phụ thuộc vào thiên nhiên, anh quyết định đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi ếch làm nguồn thức ăn cho rắn. Với quy trình khép kín, tự chủ đảm bảo được nguồn thức ăn, từ đó số lượng rắn ngày càng được tăng lên. Hiện tại, trang trại của anh có số lượng rắn là 300 con, gồm 50 con bố mẹ và 250 con rắn thịt từ 0,8 đến 1kg, nếu đạt trọng lượng từ 1,2kg trở lên thì có thể xuất chuồng được, giá hiện giờ khoảng 900 ngàn đồng/kg, lợi nhuận khoảng 60 đến 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một con rắn mẹ đẻ được 2 lứa/ năm, mỗi lứa khoảng 15 trứng, giá bán 150 ngàn/ trứng. Anh cho biết: mô hình nuôi rắn lợi nhuận thì rất cao, gấp 5-6 lần nuôi thỏ, mà rắn lại ít bệnh, chủ yếu là bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá, mà bệnh này rất dễ điều trị, chủ yếu là phải giữ vệ sinh sạch sẽ và điều kiện sống không ẩm ướt. Trong quá trình nuôi, anh cũng chọn lựa ra một số con đẹp để làm giống, với mục đích sẽ gây giống loại rắn này để cung cấp giống cho bà con trong huyện khi có nhu cầu.
Tận dụng số thức ăn cho rắn ăn không hết, mà Kỳ đà là loại ăn ếch chết được, nên anh quyết định nuôi thêm con Kỳ đà, cũng được lấy từ Tây Ninh. Lúc mới nhập về nuôi trọng lượng khoảng 1kg/con, nuôi được 6 tháng đạt trọng lượng 2,5 đến 2,8kg, nếu nuôi đạt trọng lượng 3,5 đến 3,8kg là xuất chuồng được, có giá từ 500 đến 550 ngàn/kg, lợi nhuận từ con Kỳ đà cũng từ 70 đến 80 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi Rắn và nuôi Kỳ đà, hiện trang trại của anh công còn nuôi con Chim trĩ đỏ, số lượng là 35 con giống trưởng thành, đang trong thời gian đẻ trứng, chim trĩ mái có thể để từ 80 đến 90 trứng, giá hiện nay, chim con 1 tuần tuổi là 200 ngàn đồng/con, 1 tháng tuổi là 300 ngàn/con, 5 tháng tuổi là 500 ngàn/con và 8 tháng tuổi là 1.200 ngàn/con. Tất cả 3 loại rắn, đà điểu và chim trĩ đều có đầu ra ổn định, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, được Cục kiểm lâm cấp giấy phép gây nuôi sinh sản và vệ sinh môi trường. Anh cho biết hiệu quả đạt được từ chăn nuôi rắn, kỳ đà và chim trĩ đỏ là rất cao, mỗi năm lợi nhuận từ chăn nuôi đạt được từ 120 đến 150 triệu đồng. Tính đến nay anh đã trả được hết nợ ngân hàng, đời sống ổn định và khá giả hơn trước.
Từng là cán bộ Đoàn, anh hiểu và luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ thanh niên có việc làm ổn định. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Công đã giải quyết việc làm cho 2 thanh niên địa phương làm việc tại trang trại của mình, cùng Hội nông dân xã trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn bà con chuyển đổi vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao này. Anh cho biết: “ Là thanh niên thì không ngại khó, ngại khổ, những khó khăn ban đầu như tiếp thêm nhiều động lực để mình cố gắng hơn, cảm ơn những ngày tháng gian khó và những lần thất bại ấy đã cho mình nhiều bài học quý giá, cảm ơn sự giúp sức kịp thời của tổ chức Đoàn để tôi có điều kiện đầu tư mở rộng chăn nuôi như ngày hôm nay”. Với những gì đã làm được bằng sự cần cù, chịu khó học hỏi, lao động vươn lên làm giàu chính đáng, anh đã được Báo giáo dục nêu gương sáng “ thanh niên lập nghiệp từ hai bàn tay trắng năm 2011”, được xã biểu dương “thanh niên sản xuất kinh doanh và chuyển đổi vật nuôi cây trồng hiệu quả năm 2011”. Chị Lê Thị Aùnh Tuyết- Bí thư Xã Đoàn Phước Vĩnh An cho biết: “ Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi cộng với lòng nhiệt huyết của người cán bộ Đoàn, nên anh Công đã vượt qua tất cả khó khăn ban đầu đi lên bằng chính đôi bàn tay của mình, với mô hình nuôi rắn, đà điểu và trĩ đỏ anh đã góp phần vào việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả, anh là một điểm sáng trong phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã”.
Chia tay ra về, anh Công lại tất bật chuẩn bị cho việc trưng bày sản phẩm của mình tại phiên chợ nông sản do Hội nông dân huyện và Huyện đoàn Củ Chi tổ chức và anh cũng vinh dự đại diện cho thanh niên Thành phố tham dự Liên hoan thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi vùng Đông Nam Bộ năm 2011 tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 30/9 vừa qua. Anh chia sẽ: “Tới đây tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi của trang trại, để trang trại Hưng Thịnh sẽ trở thành nơi cung cấp con giống uy tín chất lượng và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho thanh niên, bà con trong huyện và các địa phương khác. Từ đó tiếp tục hổ trợ thanh niên địa phương có việc làm ổn định tại trang trại của mình”.
THANH THÚY

Số lượt người xem: 21716    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm