LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
5
1
9
9
Tin tức 18 Tháng Năm 2015 3:25:00 CH

Sự hỗ trợ của địa phương là động lực để tôi vươn lên

“Tôi nào giờ cũng là công dân bình thường, người tốt thì không dám nói tốt nhưng mà cũng không phải người xấu xa gì. Nhưng được sự hỗ trợ của xã, của huyện thì tôi cũng cám ơn nhiều lắm. Nhận được sự hỗ trợ của người này, người kia, có địa phương, có ấp người ta chiếu cố đến mình, tôi cũng mang ơn, cuộc sống cũng cải thiện nhiều lắm, cũng khấm khá lên nhiều. Cái đó cũng như động lực để tôi vươn lên”. Đó chính là tâm sự chân tình của anh Nguyễn Văn Mãi, sinh năm 1978, hiện ngụ tại tổ 7, ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp. Anh là một trong số những người nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng ý chí quyết tâm, không đầu hàng số phận, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, gia đình anh dần vươn lên, đời sống kinh tế ngày càng ổn định

 

Đến thăm anh ở một nơi khá đặc biệt, giữa đồng ruộng mênh mông, ngập tràn nắng và gió. Men theo con đường bờ chỉ đủ một người đi, chúng tôi đến tận nơi anh đang tất bật cắt cỏ cho bò. Không bàn ghế, không trà nước, chúng tôi ngồi luôn xuống đất và bắt đầu trò chuyện. Những câu chuyện anh kể khiến chúng tôi thầm cảm phục ý chí vươn lên của người nông dân này. Anh Mãi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo, cha mất sớm, mẹ phải một mình tần tảo nuôi các con bằng nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả. Năm 1996 anh Mãi lập gia đình và được mẹ cho một miếng đất rộng 20m2 để cất một căn nhà tạm. Gia đình hai bên đều khó khăn, không có điều kiện giúp đỡ vợ chồng anh Mãi. Anh chị chỉ biết làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Công việc làm thuê cũng bấp bênh nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, năm 2002 Ban nhân dân ấp Phước Hòa xét đề nghị xã Phước Hiệp cho anh vay số tiền 5 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để thuê đất, trồng dưa leo. Qua nhiều vụ, cứ được mùa lại rớt giá, có giá lại thất vụ, số nợ vì vậy ngày càng leo thang không khả năng hoàn trả. Sau đó, anh chuyển sang nuôi bò, từ số tiền bấy lâu vợ chồng anh dành dụm và vay mượn thêm để mua một con bò lai sind. Như một dịp may, cùng lúc đó, anh có cơ duyên học thêm nghề hàn cửa sắt từ anh em, bạn bè. Dù rất vất vả nhưng vợ chồng anh luôn cố gắng vừa chăn nuôi, vừa đi làm thuê để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống gia đình từ đó cũng đỡ vất vả hơn, đến năm 2009, anh đã hoàn tất số nợ đã vay mượn.

Trả hết nợ ngân hàng, anh tiếp tục cố gắng làm ăn với mong muốn sửa lại căn nhà tạm đã cũ. Khi ước mơ sắp trở thành hiện thực, vợ anh mắc phải căn bệnh thần kinh tọa và hư giác mạc, gia đình anh một lần nữa lâm vào cảnh bế tắt. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, sự nỗ lực và ước nguyện của cả gia đình dần trôi theo những toa thuốc chữa bệnh.

Năm 2011 được sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – Ban vận động vì người nghèo xã Phước Hiệp cho hai con của anh nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ suốt 3 năm liền. Đến năm 2013, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – Ban vận động vì người nghèo xã Phước Hiệp, một lần nữa giúp gia đình anh thêm căn nhà tình thương. Anh Mãi chia sẻ: “Hồi trước tôi cũng có vay số vốn về mần ăn nhưng cũng bấp bênh, cũng thua lỗ, rồi cũng ráng châm chế rồi cũng trả được. Sau này, tôi nhận được nhà tình thương tôi cũng mừng lắm. Tại đó là mơ ước lớn nhất của mình, cũng không mong mỏi cái gì, chỉ mong có mái ấm cho vợ chồng, con cái yên tâm mần ăn, học hành.”

Từ những giúp đỡ trên, bản thân anh Mãi an tâm hơn và càng có nhiều nghị lực trong cuộc sống, anh quyết định mở một tiệm hàn cửa sắt tại nhà và hy vọng quyết định này sẽ giúp cuộc sống của gia đình được cải thiện hơn. Tuy bước đầu vào nghề cũng còn bở ngỡ nhưng được hỗ trợ của bạn bè và tình thương yêu, quý mến của bà con xung quanh, cộng thêm uy tín của bản thân, dần dần công ăn việc làm của anh ngày càng phát triển, thu nhập tương đối ổn định. Anh Mãi cho biết thêm: “Hồi xưa cũng khổ, ngày xưa đi làm mướn, đi làm thợ hàn, thợ sơn. Nói chung là làm đủ thứ, trồng trọt đủ thứ nhưng mà cũng thua lỗ, cũng có thắng, cũng có bại. Rồi nhờ Nhà nước hỗ trợ nên nhờ đó nó phất lên. Ngày xưa, làm nghề sơn xe, rồi bạn bè làm chung, dạy thêm cho nghề hàn, nói chung là học qua bạn bè thôi. Đến năm 1999, người em rễ làm cửa sắt, nó kêu lên làm chung, rồi nó chỉ dẫn thêm.  Nói chung, nếu có đồ thì một tháng quân bình chú thu nhập cũng được hơn 10 triệu.”

Với cái nghề hàn sắt của mình, anh đã tạo điều kiện giúp cho hai lao động có công ăn việc làm và nhận thêm một thanh niên học nghề. Song song đó, gia đình anh vẫn tiếp tục nuôi bò, đến nay, gia đình anh có hai con bò ta cái. Cuộc sống gia đình giờ đây đã ổn định hơn trước, các con có điều kiện học tập tốt hơn và ngày càng tiến bộ. Hai người con của anh đều là học sinh khá giỏi, nhiều năm liền. Với sự phấn đấu của bản thân và gia đình, cuối năm 2014 gia đình anh vươn lên thoát nghèo, ra khỏi chương trình.

Chia tay anh, chúng tôi ra về, anh Mãi tiếp tục cắt cỏ, vợ anh thì nhanh tay chất cỏ vào bao để tránh cơn giông đang tới. Cơn giông buổi chiều nay cũng giống như những khó khăn phía trước mà anh chị còn phải tối mặt nhưng tin tưởng rằng dù có khó khăn đến đâu anh chị cũng sẽ vượt qua, như câu người xưa thường nói “đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

THIÊN LÝ


Số lượt người xem: 3033    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm