LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
7
3
0
0
Tin tức 13 Tháng Mười 2014 10:20:00 SA

Nguyễn Thị Bề: Người phụ nữ làm giàu từ cây ớt

Về ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp hỏi thăm cô Ba Bề thì người dân nơi đây ai ai cũng biết. Bởi cô không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tấm gương sáng trong việc giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Ở độ tuổi 51, cô Nguyễn Thị Bề (mọi người thường gọi là cô Ba Bề) vẫn giữ được sự năng động, nhanh nhẹn hiếm có. Tuy chỉ mới trò chuyện với cô vài câu đã thấy được sự lạc quan và nhiệt tình nơi người phụ nữ này. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng lúa, với con trâu, cái cày nên cô vốn đã quen với việc “dãi nắng, dầm mưa”. Những năm đầu mới kết hôn, hai vợ chồng cô cũng chẳng có tài sản gì giá trị, cô  phải bươn chải, thuê đất để trồng lúa. Ông xã của cô làm nghề chạy xe ôm, ai kêu thì đi, thu nhập vì thế cũng không mấy ổn định. Ngày qua ngày, nhờ cây lúa, cô  tích góp được ít vốn và mở một cơ sở xay lúa nho nhỏ. Đó vừa là nguồn giúp kiếm thêm chút tiền nuôi con, vừa phục vụ cho nhu cầu xay lúa của bà con trong ấp Trung Viết. Với bản tính siêng năng, chăm chỉ, khéo chắt chiu chẳng bao lâu cô có thêm vốn để nuôi heo. Khi công việc nuôi heo đang phát triển tốt, đàn heo luôn trên 100 con nhưng nhận thấy việc nuôi heo của gia đình mình đang gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con láng giềng, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, cô tạm gác lại lợi ích riêng, không nuôi heo nữa. Dù là một người phụ nữ khá mạnh mẽ và nhanh nhẹn nhưng công việc khuân vác, vận chuyển thóc gạo quá nặng nhọc đối với cô. Chồng thì suốt ngày chạy xe, không có thời gian đỡ đần nên cô cũng đành bở lỡ công việc kinh doanh.

Ngừng kinh doanh, thôi chăn nuôi cô tiếp tục gắn bó với cây lúa. Nhưng cái máu “ham làm”, ham lao động không thể nào ngưng chảy trong cô. Đến năm 2004 cô quyết định trồng thêm vụ ớt sau mỗi vụ lúa. Do trồng đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật nên chỉ sau vài vụ ớt cô đã nắm bắt được “tính tình” của cây ớt mà cứ thế dần dần phát triển diện tích trồng. Với giá 45 ngàn đồng/kg ớt, trên diện tích 1 ha, mỗi vụ gia đình cô thu lợi nhuận khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Nhìn ruộng ớt nhà  cô ai cũng mê, cả ruộng ớt 20 ngàn gốc, cây nào cũng sai trái, cây nào cũng trên 100 trái, có cây phải đến 200 trái, không sao đếm hết. Đã thế mỗi trái ớt đều to, dài 4 – 5 cm, thu hoạch xấp xỉ 8 tấn/ha. Cô cho biết “Cây ớt cũng có nhiều bệnh ngặt nghèo lắm. Chẳng hạn như bệnh: Thán thư, bệnh thối nhũng hay là bệnh thối lá. Để cây ớt cho năng suất cao phải bắt đầu từ khâu chọn giống, giống sạch bệnh. Thứ hai là khâu làm đất, phải làm thật kỹ, phơi khô từ 20 ngày trở lên để đất thoáng khí. Sau khi trồng thì phải ép gốc cho thật chắc để cây không bị gió làm đổ. Cây ớt là cây chịu hạn tốt không chịu ngập úng nên chỉ nên tưới đủ nước cây sẽ phát triển tốt. Thứ ba là bón phân, mình phải cân đối lượng phân và bổ sung thêm vi chất để cây dễ đậu trái, tránh rụng trái non”.

  Cây ớt cho nguồn kinh tế cao, lại dễ chăm sóc là thế nhưng gia đình cô vẫn trồng 2 ha lúa và 10 con bò sữa cái. Mỗi vụ cô thu hoạch trên 10 tấn lúa và phụ phẩm để phục vụ cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, được sự khuyến khích của UBND xã Phước Hiệp, gia đình cô còn trồng thêm 4 ha bắp lai, hạt giống do Nhà nước tài trợ, trừ hết các khoản chi phí, mỗi vụ cô thu về  gần 100 triệu.

Cứ xong vụ lúa cô lại chuẩn bị cho vụ ớt, ớt đang thu hoạch cô đã sẵn sàng để xuống giống bắp lai, cứ thế, cứ thế,... Mỗi năm cô trồng được 1 vụ lúa, 2 vụ màu, cả năm làm ra trên dưới 300 triệu đồng. Thu nhập từ nhiều nguồn, hai vợ chồng cô đã nuôi hai con học hành thành tài. Hiện nay, các con của cô đều đã trưởng thành và có công việc ổn định. Cuộc sống khá giả là thế nhưng vợ chồng cô vẫn chỉ sống trong căn nhà đơn giản như chính tính cách chất phát của mình.

 Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, cô còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những chị em phụ nữ, bà con trong tổ, ấp. Nhận thấy cây trồng nào, vật nuôi nào cho lợi nhuận kinh tế cao cô cũng rủ bạn bè, chị em cùng nhau làm để phát triển kinh tế gia đình. Cô nói thêm “Nói chung mình sống nên vì mọi người, đoàn kết với bạn bè. Mình vận động chị em cùng nhau làm. Mình làm, rồi bạn cùng làm như vậy mới vui. Mỗi năm, người thì 3 ha, người thì 2 ha, 1 ha từ đó tạo nên phong trào thi đua trong sản xuất, cùng nhau làm, cùng nhau san sẻ”.

Luôn chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn nên cô luôn được mọi người trong ấp tin yêu, quý mến bầu làm Chi hội phó Hội nông dân, Chi hội trưởng đội thể dục dưỡng sinh ấp Trung Viết. Ghi nhận những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp trong các hoạt động ở địa phương, nhiều năm liền cô được UBND xã Phước Hiệp công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trồng trọt, chăn nuôi suốt mấy chục năm cô chưa một lần thất bại. Điều đó đã cho thấy lòng đam mê công việc và ý chí vươn lên của cô mạnh mẽ đến chừng nào. Tính đến thời điểm này, có thể nói rằng cô đã là một người thành công nhưng cô vẫn chưa muốn dừng lại, chưa muốn nghỉ ngơi. Trong tương lai, cô sẽ phát triển mô hình ủ phân vi sinh tại nhà. Từ việc nguồn thu chất thải trong chăn nuôi, chất thải hữu cơ trên địa bàn ấp Trung Viết cô sẽ tiến hành ủ phân với enzim. Sau khoảng hai tháng, loại phân này có thể đem ra sử dụng. Phân vi sinh có ưu điểm là chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho cây nhưng giá thành rẻ hơn phân hóa học rất nhiều, lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và giúp bảo vệ môi trường. Đây có thể nó là hướng đi mới thể hiện sự hiểu biết về khoa học công nghệ tiên tiến của cô vừa thể hiện tinh thần chung tay vì cộng đồng, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Phước Hiệp nhanh chóng cán đích.

Ông Phạm Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Hiệp nhận xét “Cô Ba là một nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã Phước Hiệp. Ở cô Ba nổi bật lên chính là tinh thần, lòng đam mê công việc làm nông. Cô không chỉ sản xuất giỏi mà còn thường xuyên giúp đỡ những người nông dân khác. Ai cần giống cô giúp giống, ai cần phân bón cô giúp phân bón,... Đặc biệt, ý tưởng xây dựng mô hình ủ phân vi sinh của cô Ba gần đây đã được Đảng ủy, UBND xã Phước Hiệp rất đề cao. Mô hình này, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp địa phương, cụ thể là ấp Trung Viết giải quyết được rất nhiều vấn đề như: Cung cấp nguồn phân vi sinh giá rẻ cho bà con và hạn chế lượng phân thải chăn nuôi, giúp bảo vệ môi trường”.

Thiên Lý


Số lượt người xem: 3421    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm